Trung Quốc: "Ngư ông đắc lợi" giữa bão trừng phạt của Phương Tây

15:25 | 12/10/2023

826 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu từ các thương nhân và công ty vận chuyển, Trung Quốc đã tiết kiệm được gần 10 tỷ USD trong năm nay thông qua việc mua dầu kỷ lục từ các quốc gia bị phương Tây trừng phạt.
Trung Quốc:
Ảnh minh họa

Kết quả không lường trước của các lệnh trừng phạt do Mỹ và các nước khác áp đặt đối với Nga, Iran và Venezuela là làm giảm chi phí nhập khẩu dầu cho các nhà máy lọc dầu ở đối thủ kinh tế hàng đầu Trung Quốc, quốc gia thường đứng ra chỉ trích các hình phạt "đơn phương".

Phân tích của Reuters về khoản tiết kiệm của Trung Quốc khi mua dầu từ ba quốc gia bị trừng phạt so sánh số tiền mà các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ phải trả khi mua các loại dầu tương tự từ các nhà cung cấp không bị trừng phạt.

Việc nhập khẩu với giá thấp hơn là một lợi ích nhờ tăng cường sản lượng và biên lợi nhuận cho nhà máy lọc dầu của quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, đặc biệt là các nhà khai thác độc lập quy mô nhỏ được gọi là "ấm trà" (teapot). Nó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu sinh lợi của các nhà máy lọc dầu diesel và xăng thuộc sở hữu nhà nước khi đất nước phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế.

Hoạt động mua hàng của Trung Quốc cũng là cứu cánh doanh thu cho Moscow, Tehran và Caracas, những nền kinh tế đang bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự sụt giảm đầu tư.

Trung Quốc đã nhập kỷ lục 2,765 triệu thùng dầu thô mỗi ngày bằng đường biển từ Iran, Nga và Venezuela trong 9 tháng đầu năm 2023, theo dữ liệu trung bình được cung cấp bởi các công ty theo dõi tàu chở dầu Vortexa và Kpler.

Phân tích của Reuters cho thấy ba quốc gia này chiếm 1/4 lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 9/2023, tăng từ khoảng 21% vào năm 2022 và tăng gấp đôi tỷ trọng 12% vào năm 2020, thay thế các nhà cung cấp khác từ Trung Đông, Tây Phi và Nam Mỹ.

Ông Kang Wu, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu nhu cầu toàn cầu tại S&P Global Commodity Insights, cho biết mặc dù khoản tiết kiệm được chỉ là một phần nhỏ trong tổng chi cho nhập khẩu dầu của Trung Quốc, nhưng chúng quan trọng đối với các nhà lọc dầu độc lập là “những người mua cơ hội và tích cực tìm kiếm món hời”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời các câu hỏi cụ thể do Reuters gửi đến. Thay vào đó, trong một tuyên bố, họ lặp lại lập trường rằng Bắc Kinh phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương và hoạt động thương mại bình thường của Trung Quốc xứng đáng được tôn trọng và bảo vệ.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận.

Nhập khẩu từ Nga

Trong 9 tháng đầu năm, Nga đã cung cấp 1,3 triệu thùng dầu thô đường biển mỗi ngày cho Trung Quốc, theo dữ liệu do Vortexa và Kpler cung cấp. Trong khi đó, các nguồn tin thương mại Trung Quốc cho thấy quốc gia này cũng nhập khẩu khoảng 800.000 thùng dầu thô ESPO từ Nga mỗi ngày qua đường ống.

Do vậy, Trung Quốc năm nay đã tiết kiệm được 4,34 tỷ USD bằng cách nhập khẩu dầu của Nga, dựa trên so sánh của Reuters về chênh lệch giá giữa dầu thô ESPO và dầu Tupi từ Brazil, và dầu Urals so với Oman.

Đối với việc nhập khẩu dầu Venezuela, chủ yếu là dầu nặng Merey, Trung Quốc tiết kiệm trung bình 10 USD/thùng so với dầu thô Castilla của Colombia, các tính toán dựa trên dữ liệu thương nhân cho thấy. Nước này đã tiết kiệm được khoảng 15 USD/thùng khi mua dầu thô Iran so với dầu Oman.

Với dòng dầu của Venezuela chảy vào từ tháng 1 đến tháng 9 vào khoảng 430.000 thùng/ngày, theo số liệu trung bình của Vortexa và Kpler, số tiền tiết kiệm được của Trung Quốc từ việc mua dầu của Venezuela là 1,17 tỷ USD.

Trung Quốc cũng đã tiết kiệm được khoảng 4,2 tỷ USD bằng cách nhập khẩu kỷ lục 1 triệu thùng/ngày trong cùng khoảng thời gian đối với dòng dầu từ Iran, cao hơn 60% so với mức đỉnh trước lệnh trừng phạt do Tehran tăng sản lượng lên mức gần tối đa và đưa ra mức giảm giá cao tới 17 USD/thùng so với Brent.

Đỗ Khánh

Reuters