Trung Quốc có lớn bằng trời cũng sẽ bị trả giá

15:49 | 01/03/2016

19,525 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Philippines hôm 29/2 đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyết định sắp được tòa trọng tài quốc tế đưa ra về việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, để chứng tỏ Trung Quốc không coi mình “đứng trên luật pháp”. Các chuyên gia dự báo nếu một khi Bắc Kinh bác kết luận của tòa án thì nước này sẽ chịu nhiều thiệt hại trong các lĩnh vực khác.
trung quoc co lon bang troi cung se bi tra gia
Trong năm nay, Tòa trọng tài quốc té sẽ ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc

Trung Quốc không thể coi trời bằng vung!

Phát biểu từ thủ đô Manila, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario nói Bắc Kinh cần củng cố cho trật tự thế giới có nền móng là luật pháp quốc tế bằng cách tuân hành quyết định của tòa dự kiến được đưa ra trong năm nay.

Đầu năm 2013, Philippines yêu cầu tòa trọng tài ở La Haye phân xử về giá trị của tuyên bố của Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn Biển Đông, căn cứ vào Công ước LHQ về Luật biển, và xác định liệu một số bãi cạn và bãi san hô có tranh chấp nhưng do Trung Quốc kiểm soát có cho nước này quyền lãnh hải hay không.

Trung Quốc đã từ chối tham gia phiên toà trọng tài và có phần chắc sẽ tảng lờ bất cứ quyết định nào của tòa. Hôm 29/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng nhắc lại là Trung Quốc không tham gia vụ kiện, và Tòa Trọng tài Quốc tế không có thẩm quyền để xét xử vụ này.

Tháng 10/2015, tòa tuyên bố có thẩm quyền xem xét và sẽ đưa ra phán quyết về vụ này trong năm nay. Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tố cáo Philippines đóng kín cánh cửa của những cuộc thương thuyết song phương và gọi hành động của Manila là “một sự khiêu khích chính trị”.

Ông Del Rosario nói rằng Philippines “đã có vô số cuộc họp với Trung Quốc để tìm cách giải quyết giữa đôi bên mà không thành công”. Philippines cũng mời Trung Quốc tham gia phiên toà trọng tài nhưng Trung Quốc không đáp ứng, ông nói thêm.

Ngoại trưởng Del Rosario còn nói: “Coi như chúng ta là các nước có trách nhiệm, Philippines và cộng đồng quốc tế đề nghị Trung Quốc tôn trọng phán quyết sắp tới. Nếu Trung Quốc không lưu ý đến lời kêu gọi tập thể của chúng tôi, phải chăng điều đó nghĩa là Trung Quốc coi mình đứng cao hơn cả luật pháp?”

Trung Quốc sẽ bị cả thế giới phản đòn

Trang mạng nghiên cứu của Mỹ Eurasia trong một bài phân tích công bố mới đây đã không ngần ngại cho rằng AIIB, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á do Trung Quốc chủ trương, có thể bị ảnh hưởng trong trường hợp Bắc Kinh bác bỏ phán quyết về Biển Đông của tòa án quốc tế sắp được đưa ra.

Theo ghi nhận của Eurasia, AIIB do Trung Quốc sản sinh này dự trù sẽ cung cấp các khoản vay đầu tiên vào giữa năm 2016 này. Đó cũng là thời điểm mà tòa án trọng tài của LHQ ở La Haye dự trù sẽ ra phán quyết định về việc Philippines kiện các yêu sách lãnh thổ quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nếu bác bỏ phán quyết của tòa án và thẩm quyền của một định chế quốc tế được công nhận giải quyết vấn đề Biển Đông, theo Eurasia, Trung Quốc có nguy cơ bị phản đòn dữ dội.

Theo Eurasia, lý do rất đơn giản: khi chính Bắc Kinh tạo ra tiền lệ coi thường một cơ chế trọng tài quốc tế, những quốc gia con nợ của Trung Quốc trong tương lai, những nước sẽ vay tiền của AIIB, hoàn toàn có thể vin vào đó để không trả nợ.

Bắc Kinh lúc đó sẽ khó có thể cầu viện các cơ chế trọng tài quốc tế để nhờ giải quyết hay áp đặt các biện pháp trừng phạt vì chính Trung Quốc đã tự mình bác bỏ những phán quyết từ những định chế có uy tín trong việc giải quyết các tranh chấp đa phương.

Đối với Eurasia, vấn đề đối với Trung Quốc sẽ rất hệ trọng vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xã hội trong nước.

Theo Eurasia, con nợ tiềm tàng của AIIB không thể không tự hỏi là liệu đất đai của họ dùng trong các công trình hạ tầng xây bằng tiền vay của AIIB có bị tuyên bố là thuộc chủ quyền “không thể chối cãi” của Trung Quốc hay không?

Trong nhiều thập niên trước đây, Trung Quốc chủ yếu là nước nhận đầu tư từ nước ngoài trên quy mô lớn. Trong tư cách đó, Bắc Kinh đã có thể viết ra - và tùy tiện thay đổi – các quy tắc.

Thế nhưng, trong những năm tới đây, Trung Quốc sẽ ngày càng trở thành nước đi đầu tư, nhờ vào kho dự trữ ngoại tệ hơn 3.000 tỷ USD mà họ tích lũy được trong thời gian qua.

Ngân hàng AIIB, theo Eurasia, được tạo ra chính là để sử dụng kho dự trữ đó, vào mục tiêu duy trì được công ăn việc làm cho người Trung Quốc, chủ yếu là tại hai đại tập đoàn trong lĩnh vực hạ tầng là Công ty Điện quốc gia và Tập đoàn Dầu khí Hải dương (CNOOC).

Hiện nay, nhu cầu cơ sở hạ tầng cơ sở tại Trung Quốc phần lớn đã bão hòa, các doanh nghiệp nhà nước này do đó cần hợp đồng ở nước ngoài để tránh sa thải nhân công gây mất ổn định chính trị. Thế nhưng khi đầu tư ra nước ngoài, họ phải thay đổi tư duy và cung cách làm ăn. Không tôn trọng luật cuộc chơi thì dù Trung Quốc có lớn bằng trời cũng sẽ bị ăn đòn!

Nh.Thạch

Theo AFP. AP, Reuters, CNN

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc