Trận phục kích giúp Nam Tư hạ máy bay tàng hình Mỹ năm 1999

07:56 | 24/03/2019

558 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiến thuật đón lõng và tin tình báo chính xác giúp tổ hợp S-125 lạc hậu bắn trúng phi cơ tàng hình F-117A hiện đại nhất của Mỹ khi đó. 

20h ngày 27/3/1999, một máy bay có hình dáng kỳ lạ lao qua không phận Nam Tư sau khi thả hai quả bom dẫn đường Paveway xuống mục tiêu gần thủ đô Belgrade. Đó là chiếc F-117A mang mật danh Vega-31 được điều khiển bởi trung tá Patrick Zelko, phi công Mỹ dày dặn kinh nghiệm từng tham gia Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Chỉ vài phút sau, phi cơ này sẽ đi vào lịch sử khi trở thành máy bay tàng hình đầu tiên của Mỹ bị bắn hạ trong chiến đấu, theo National Interest.

Một phi đoàn F-117A được Mỹ triển khai tới căn cứ Aviano, Italy từ ngày 21/2/1999 để tham gia chiến dịch Allied Force, cuộc không kích Nam Tư kéo dài 78 ngày đêm do NATO tiến hành.

Quân đội Nam Tư khi đó biên chế nhiều đơn vị tên lửa phòng không S-75 Dvina và S-125 Pechora được sản xuất từ thập niên 1960, cùng một số tổ hợp 2K12 Kub mới hơn và tiêm kích hạng nhẹ MiG-29. Đây được coi là mối đe dọa mức trung bình với máy bay phương Tây, buộc không quân các nước NATO phải hoạt động ở độ cao lớn và có máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler hộ tống.

Phi đội Prowler không thể cất cánh vào tối 27/3 do thời tiết xấu, nhưng 4 chiếc F-117A vẫn xuất kích vì tin rằng lực lượng phòng không lạc hậu của Nam Tư không thể phát hiện máy bay tàng hình tối tân của Mỹ.

Ngay sau khi cắt bom, trung tá Zelko đột nhiên phát hiện hai chấm sáng vọt lên từ đám mây bên dưới và lao thẳng đến chiếc F-117A. Quả đạn đầu tiên sượt qua Vega-31 nhưng không phát nổ, chỉ làm máy bay rung lắc dữ dội. Tuy nhiên, tên lửa thứ hai tiếp cận đủ gần để kích hoạt ngòi nổ cận đích, đầu đạn 78 kg phát nổ và găm hàng nghìn mảnh văng vào chiếc F-117A.

Vụ nổ lớn đến mức các phi công trên chiếc máy bay tiếp dầu KC-135 của NATO hoạt động ở cách đó hàng chục km có thể nhìn thấy rõ. Chính trung tá Zelko sau này thừa nhận đó là một phát bắn rất đẹp. Chiếc F-117A nhanh chóng mất điều khiển và lao xuống đất trong tư thế lộn ngược. Gia tốc quá tải lớn đến mức phi công Mỹ phải rất chật vật để kích hoạt ghế phóng thoát hiểm.

tran phuc kich giup nam tu ha may bay tang hinh my nam 1999

Sĩ quan Nam Tư đứng cạnh mảnh vỡ buồng lái chiếc F-117A. Ảnh: National Interest.

Đối thủ của Zelko trong trận đánh tối 27/3 là đại tá Zoltan Dani, chỉ huy Lữ đoàn tên lửa phòng không số 250 của quân đội Nam Tư. Ông được đánh giá là một sĩ quan tài năng, từng nghiên cứu rất kỹ chiến thuật chế áp phòng không của NATO trong các chiến dịch tại Trung Đông.

Hiểu rõ mối đe dọa từ không quân đối phương, đại tá Dani liên tục cơ động các tổ hợp S-125 của mình, thay vì đóng quân cố định tại một vị trí để làm mồi cho tên lửa chống radar của đối phương, như những gì diễn ra với lực lượng phòng không Iraq và Syria. Ông yêu cầu các kíp chiến đấu không bao giờ bật radar dẫn bắn quá 20 giây và phải chuyển trận địa ngay sau đó, dù không phóng lên quả đạn nào.

Lữ đoàn 250 cũng rút ngắn được thời gian triển khai trận địa từ 150 phút xuống còn 90 phút nhờ cắt giảm một nửa số bệ phóng tham gia chiến đấu. Đơn vị này cũng triển khai nhiều trận địa giả, sử dụng radar dẫn bắn lấy từ tiêm kích loại biên để thu hút tên lửa chống radar của máy bay NATO.

Chiến thuật này giúp Lữ đoàn 250 không chịu bất cứ thiệt hại nào, dù máy bay NATO phóng tới 23 tên lửa chống radar tầm xa AGM-88 HARM nhằm vào họ.

Ngoài chiến thuật cơ động liên tục, đại tá Dani cũng phát hiện các đài radar cảnh giới P-18 cũ kỹ có thể phát hiện dấu vết máy bay tàng hình F-117A từ khoảng cách 25 km nếu hoạt động ở băng sóng dài nhất, hệ thống cảnh báo chiếu xạ trên máy bay NATO thậm chí còn không thể nhận diện tín hiệu ở dải tần này.

tran phuc kich giup nam tu ha may bay tang hinh my nam 1999

Radar và bệ phóng đạn S-125 thuộc biên chế Lữ đoàn 250. Ảnh: Wikipedia.

Điểm yếu của radar băng sóng dài là độ chính xác rất thấp, không đủ để dẫn bắn tên lửa tới mục tiêu. Tuy nhiên, NATO lại mắc sai lầm khi để phi đội F-117A bay theo hành trình cố định suốt nhiều ngày. Tín hiệu liên lạc của NATO cũng bị quân đội Nam Tư chặn thu và giải mã, cho phép đại tá Dani nắm được đường bay và vị trí tương đối chính xác của máy bay tàng hình Mỹ.

Chỉ huy phòng không Nam Tư quyết định lập trận địa phục kích F-117A, triển khai các khẩu đội S-125 đón lõng máy bay Mỹ trên đường trở về căn cứ ở Italy. Để tránh bị đối phương phát hiện, đại tá Dani không bật radar điều khiển hỏa lực mà chỉ hướng chúng và bệ phóng đạn về phía mục tiêu theo dữ liệu từ đài cảnh giới P-18.

Radar P-18 bắt được cả 4 chiếc F-117A từ khoảng cách 50 km, nhưng kíp điều khiển không thể khóa mục tiêu khi bật radar dẫn bắn. "Điệp viên tại Italy cho biết phi đội Prowler không thể hoạt động vào đêm đó nên tôi chấp nhận mạo hiểm và ra lệnh mở radar dẫn bắn sục sạo lần thứ hai, thay vì lập tức chuyển trận địa như trước. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không thể khóa được mục tiêu", đại tá Dani nhớ lại.

Tới lần mở radar dẫn bắn thứ ba, khẩu đội S-125 mới bám bắt được Vega-31 ở khoảng cách chỉ 13 km. Dường như việc mở cửa khoang chứa bom đã khiến tín hiệu phản xạ radar của máy bay Mỹ tăng vọt. Khẩu đội S-125 lập tức phóng lên hai quả đạn và bắn hạ thành công chiếc F-117A.

Zelko nhảy dù xuống đất an toàn và lập tức liên lạc với lực lượng cứu hộ, bất chấp quy định cấm sử dụng radio trong trường hợp bị bắn rơi. Phi công Mỹ trốn vào một con mương để tránh lực lượng Nam Tư truy lùng, trước khi được trực thăng giải cứu sau đó 8 tiếng.

Chiếc F-117A vẫn còn khá nguyên vẹn khi được lính Nam Tư tìm thấy trên mặt đất. Một số mảnh xác được trưng bày tại bảo tàng không quân ở Belgrade, quân đội Nam Tư cũng chuyển nhiều bộ phận cho Nga và Trung Quốc nghiên cứu. Bản thân đại tá Dani giữ lại một mảnh ống xả động cơ bằng titan làm kỷ niệm.

tran phuc kich giup nam tu ha may bay tang hinh my nam 1999

Mảnh vỡ máy bay F-16 và F-117A bị Lữ đoàn 250 bắn hạ. Ảnh: Wkipedia.

Ngày 30/4, một chiếc F-117A cũng bị hư hại do trúng tên lửa, nhưng vẫn lết được về căn cứ. Hai ngày sau, Lữ đoàn 250 bắn hạ thêm một tiêm kích F-16.

"Vụ bắn rơi chiếc F-117A là sự kiện xấu hổ đối với không quân Mỹ. Nó cho thấy chiến đấu cơ tàng hình tối tân vẫn có thể bị các hệ thống phòng không cổ lỗ từ thời Liên Xô hạ gục nếu đối phương áp dụng chiến thuật hợp lý kết hợp với thông tin tình báo chính xác", chuyên gia quân sự Sebastien Roblin nhận xét.

Theo VnExpress.net

tran phuc kich giup nam tu ha may bay tang hinh my nam 1999Mỹ nóng lòng muốn chứng tỏ năng lực máy bay tàng hình mới nhất tại Syria
tran phuc kich giup nam tu ha may bay tang hinh my nam 1999Siêu tiêm kích F-35 thử thành công tên lửa ASRAAM
tran phuc kich giup nam tu ha may bay tang hinh my nam 1999Siêu tiêm kích F-35 hứng đòn choáng váng