TP HCM ra quân "gom" con nghiện

12:07 | 07/12/2014

1,087 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, sáng ngày 5/12 tất cả 24 quận huyện trên địa bàn đồng loạt ra quân truy quét, đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu (TNĐTXH, phường 13, quận Bình Thạnh) và Cơ sở giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân.

Một ngày gom 500 người nghiện

Thông tin từ lãnh đạo công an TP HCM, tính đến 17h ngày 5/12 (trong 1 ngày) cả thành phố có hơn 500 người nghiện không có nơi cư trú ổn định hoàn thành hồ sơ đưa vào hai trung tâm TNĐTXH Bình Triệu và Nhị Xuân. Trong đó nhiều nhất là quận 8 và quận 12 đều có 116 người nghiện hoàn thành 107 hồ sơ.

Giám đốc Trung tâm TNĐTXH Bình Triệu, ông Lê Bá Hoàng cho biết: “Ngay khi nhận được chỉ thị của thành phố, chúng tôi đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục trong Trung tâm và hoàn thành trước ngày tiếp nhận người nghiện do công an các quận huyện đưa đến. Cán bộ Trung tâm trực và mở cửa 24/24, tạo điều kiện tiếp nhận người nghiện một cách thuận lợi nhất”.

Nhiều người nghiện được đưa đi điều trị trong một ngày ra quân

Một người nghiện sức khỏe chưa ổn định được điều trị tại phòng y tế

Trong ngày 5/12, Trung tâm TNĐTXH Bình Triệu tiếp nhận 140 người nghiện, trong đó có 116 nam, 24 nữ. Nhiều nhất là quận Gò Vấp 31 người nghiện, quận 1 là 29 người nghiện và quận 7 với 28 người nghiện. Ít nhất là huyện Cần Giờ không có người nghiện nào, quận 9 là 1 người nghiện và quận 2  với 1 người nghiện.

Việc truy quét, test nước tiểu sẽ do công an và y tế các quận huyện thực hiện. Trung tâm chỉ tiếp nhận, lập bệnh án đưa người nghiện vào các phòng cắt cơn giải độc. Giai đoạn cắt cơn giải độc sẽ kéo dài từ 10 – 15 ngày tùy theo mức độ nghiện của các người nghiện. Sau đó sẽ đưa người nghiện ra khu sinh hoạt, học tập và lao động.

Nhiều người nghiện được đưa đi điều trị trong một ngày ra quân

Lập bệnh án cho người nghiện khi tiếp nhận

Ông Hoàng cho biết: “Người nghiện mới vào được 1 ngày nên sức khỏe còn rất yếu, chưa quen với việc không có thuốc nên một số phải điều trị tại phòng y tế. Còn lại tập trung ở phòng cắt cơn chứ chưa dám đưa xuống phòng người nghiện”.

Tại phòng cắt cơn, dù suất ăn trưa là 30 nghìn đồng nhưng người nghiện Đinh Văn Hoàng (quê Nghệ An) cho hay: “Em ăn không nổi anh ơi. Giờ chỉ cần có thuốc là em ăn hết chỗ cơm này ngay”. Các người nghiện khác tỏ ra khá vất vả với chuyện cắt cơn vì không được dùng thuốc. Ông Hoàng giải thích: “Đây là biểu hiện bình thường. Các người nghiện phải vã thuốc thêm mấy ngày nữa mới ăn uống bình thường được”. Tuy nhiên một số người nghiện đã qua cơn thèm thuốc tỏ ra rất khỏe mạnh, phụ giúp Trung tâm trong việc phát cơm, lấy nước cho các người nghiện yếu hơn”.

Còn người nghiện, Nguyễn Văn Thanh (ngụ quận 4) cho hay: “Vào đây mất tự do anh à. Nhưng em thích ở đây vì được lo đầy đủ không sợ đói, chỗ ngủ. Vì mới cắt cơn, chúng em còn mệt nên nhiều bạn khác tỏ ra khó chịu. Chứ ở ngoài giờ này là tụi em phải đi ăn trộm, cướp hoặc xin tiền mua thuốc xài”. Thanh mong muốn sớm dứt được tình trạng nghiện để về lại với gia đình.

Đối diện với khu nam là khu nữ. Đa số người nghiện đều đã dứt cơn nghiện khỏe mạnh và trò chuyện rôm rả, sớm hòa nhập với nhau. Các người nghiện cũng mong muốn sớm hoàn thành việc cai nghiện để trở về cuộc sống bình thường.

Nhiều người nghiện được đưa đi điều trị trong một ngày ra quân

 Phòng cắt cơn giải độc

Không thiếu chỗ cho người nghiện

Dù huy động toàn bộ lực lượng, bao gồm cả công an, cơ động, bảo vệ dân phố, dân phòng trong đợt ra quân truy quét lần này. Tuy nhiên lực lượng chức năng vẫn gặp rất nhiều khó khăn vì người nghiện biết tin không còn lang thang trên đường phố, vỉa hè, bến xe. Việc người nghiện lẩn trốn khiến công tác truy quét chưa triệt để. Một số địa bàn nóng về ma túy nhưng số con nghiện đưa đi điều trị chưa tương ứng.

Nhiều người nghiện được đưa đi điều trị trong một ngày ra quân

Người nghiện được chăm sóc tận tình

Trong thời gian cắt cơn tại trung tâm, công an sẽ tiến hành xác minh nơi cư trú của người nghiện. Nếu người nghiện không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định mà tái nghiện sẽ chuyển hồ sơ sang tòa án ra quyết định đưa đi cai nghiện tập trung. Đối với người lang thang không nghiện ma túy sẽ được chuyển đến các trung tâm bảo trợ xã hội. Sau đó xác minh nơi thường trú đưa về địa phương. Tất cả hồ sơ người nghiện được xác minh và hoàn thành ngay trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Do nắm bắt được thông tin việc truy quét của thành phố, nhiều người nghiện cố tình lẫn trốn lực lượng chức năng. Anh Lê Văn Hồng, công an viên quận Bình Thạnh kể: “Tại bến xe miền Đông, một điểm nóng về nghiện ma túy. Thường ngày, con nghiện lang thang khu vực này rất nhiều. Một số người nghiện chỉ cần lực lượng chức năng gọi là đến. Nhưng vào ngày truy quét, mặc dù ra quân từ 2h sáng nhưng đến chiều chúng tôi chỉ bắt được có 7 người nghiện. Những con nghiện quen mặt lẩn trốn đi các địa phương khác hoặc ở nhờ nhà bạn bè, người thân tránh đợt truy quét lần này”.

Nhiều người nghiện được đưa đi điều trị trong một ngày ra quân

Người nghiện khỏe mạnh được phép đi lại dưới sự giám sát của bảo vệ trung tâm

Việc người nghiện sợ bị bắt, bị đưa vào trung tâm cai nghiện, theo giám đốc Hoàng là có thật: “Vào trung tâm tất nhiên sẽ mất tự do, việc đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ đều có giờ giấc và quản lý nghiêm ngặt. Không được dùng thuốc bất kể là thuốc lá. Khách đến thăm hoặc công tác chúng tôi đều yêu cầu bỏ thuốc lá và hộp quẹt bên ngoài. Nhưng người nghiện ở đây sẽ được chữa bệnh, ăn uống đường hoàng, không phải lo chuyện gì cả. Người nghiện nên vui mừng với chính sách cai nghiện hoàn toàn miễn phí này của thành phố”

.Nhiều người nghiện được đưa đi điều trị trong một ngày ra quân

Dù suất ăn tốt nhưng người nghiện vẫn chưa ăn được vì đang trong giai đoạn cắt cơn

Nguồn tin cho hay, tại Nhị Xuân, trong ngày 5/12 đã tiếp nhận gần 300 người nghiện. Tuy nhiên cả hai trung tâm chỉ có thể tiếp nhận tối đa 1.800 người nghiện (trong đó Bình Triệu khoảng 400 người nghiện) nhưng số người nghiện tại thành phố được xác định là hơn 19.000 người.

Trả lời lo lắng này của hai trung tâm, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết: “Thành phố đã sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực và thuốc men cho việc tiếp nhận người nghiện không nơi cư trú. Ngoài hai trung tâm Bình Triệu và Nhị Xuân, các trung tâm thuộc nhà nước và tư nhân khác trên địa bàn thành phố sẵn sàng đón người nghiện. Chắc chắn không lo thiếu chỗ ở”.

Việc truy quét đưa người nghiện không nơi cư trú đi điều trị bắt buộc sẽ kéo dài nhiều ngày. Dự kiến đến ngày 20/12, toàn thành phố cơ bản sẽ vắng bóng người nghiện.

Hoàng Phúc Long