TP HCM: Nhiều thí sinh bị đình chỉ do sử dụng tài liệu

20:48 | 09/07/2012

390 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 9/7, kết thúc ngày thi đầu tiên của đợt 2 kỳ thi ĐH – CĐ 2012 các khối B , C, D, số thí sinh bị đình chỉ do mang tài liệu vào phòng thi gia tăng so với đợt 1.

Gia tăng thí sính sử dụng tài liệu

Theo Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP HCM, khu vực phía Nam có 18 thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại di động và tài liệu vào phòng thi. Cụ thể số thí sinh mang tài liệu là: ĐH Văn Hóa 1 trường hợp, ĐH Quy Nhơn 2 trường hợp, ĐH KHXH & NV 1 trường hợp, ĐH Nông Lâm 1 trường hợp… Số thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại di động vào phòng thi vẫn cao mặc dù lỗi này đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Đặc biệt, tại cụm thi Cần Thơ, do 2 phòng thi bị thiếu giấy thi nên phải bổ sung thêm giấy thi. Tuy nhiên, do giấy thi bổ sung có màu hơi khác với giấy thi được cung cấp trước nên các bài thi sử dụng giấy bổ sung được giám thị đánh dấu ghi nhớ để đem ra chấm chung.

Ngoài ra, tại Học viện Hàng không có 1 thí sinh bị ngất xỉu không thể tiếp tục thi. Thí sinh Lê Thị Duyên, thí sinh Tạ thị Hồng thi vào ĐH Tây Nguyên và thí sinh Nguyễn Thị Phương Thảo thi vào ĐH Đà Nẵng bị thương ở chân do tai nạn nên phải đến trường thi bằng nạng gỗ.

Nhiền thí sinh "buồn" vì không làm được bài vào buổi thi chiều 9/7

Trong buổi thi đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đến thanh tra đột xuất Trường ĐH Sư phạm TP HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Luật.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, phần lớn các môn thi đợt 2 đều là những môn tự luận nên chắc chắn số thí sinh sử dụng tài liệu sẽ gia tăng. Do đó, công tác thanh, kiểm tra và coi thi của các cán bộ, giám thị cần phải tiếp tục tăng cường, tuân thủ chặt chẽ theo quy chế đã được Bộ tập huấn đến từng giám thị và cán bộ.

Tại TP HCM trên các tuyến đường, lực lượng cảnh sát giao thông, tình nguyện viên đã có mặt từ rất sớm để phân luồng xe lưu thông, hướng dẫn TS, phụ huynh đến điểm thi trật tự, an toàn, không xảy ra ách tắc giao thông trước khu vực thi.

Buổi sáng: Đề văn có nhiều điểm mới

Đề Văn của khối C và khối D đều được đánh giá là hay, có tính gợi mở cao, đòi hỏi thí sinh phải đưa ra những suy nghĩ và lập luận của riêng mình.

Cấu trúc các câu hỏi ở đề Văn khối D và khối C khá tương đồng với nhau. Phần nghị luận xã hội mang tính thời sự và tính giáo dục cao, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kiến thức xã hội để đưa ra ý kiến của mình. Ngoài ra, phần câu hỏi 5 điểm ở các đề Văn năm nay đều có câu liên hệ giữa các tác phẩm, thí sinh phải nắm kỹ tác phẩm và có tư duy phân tích mới có thể làm tốt được.

Nói về đề Văn của khối C năm nay, Ts. Huỳnh Văn Thông – ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM nhận định: “Đề Văn khối C không dài và vừa sức thí sinh. Năm nay, đề thi có nhiều điểm mới. Với đề thi này, câu 1 và câu 2 mang tính phân loại trình độ thí sinh. Câu 1, không chỉ yêu cầu học sinh học thuộc kiến thức như những năm trước đây, thí sinh phải nắm chắc kiến thức về bài học và có tư duy, khả năng phân tích để làm bài tốt. Câu 2, là câu hay hỏi về vấn đề đáng được suy nghĩ trước thực trạng xã hội hiện nay nhiều người chạy theo những thành tích trước mắt, không nghĩ tới những giá trị chân chính, lâu dài. Đây cũng là xu hướng ra đề thi văn hiện nay. Thí sinh phải có vốn sống am hiểu về xã hội thể hiện qua điểm của mình. Ở phần tự chọn, cả hai câu 3a và 3b đều là kiến thức căn bản trong chương trình phổ thông, không yêu cầu nhiều kỹ năng phức tạp. Đây là điểm bất ngờ của đề thi năm nay. Những năm trước câu 1 là câu cho thí sinh lấy điểm, năm nay câu 3 là câu cho thí sinh lấy điểm”.

Trong sáng nay, các thí sinh dự thi khối B cũng “thở phào” vì đề môn sinh được đánh giá là dễ. Phần lý thuyết chiếm khoảng 70%, đều nằm trong chương trình phổ thông, nếu ôn tập kỹ nội dung của sách giáo khoa lớp 12 thí sinh có thể làm được hơn 60% đề thi. Do phần lý thuyết nhiều nên đề Sinh được đánh giá là không có tính phân loại học sinh cao.

Buổi chiều: Môn Toán “khó”, môn Sử “đề dài”

Trái với tâm trạng phấn khởi của thí sinh sau khi kết thúc các môn thi buổi sáng. Chiều nay, các thí sinh khối D, B bước vào thi môn Toán và ở khối C thí sinh thi môn Lịch sử. Hầu hết các thí sinh đề nhận định đề Toán “khó”, đề Sử “dài”.

Bạn Lưu Thị Hương, quê Cà Mau chia sẻ: “Em làm không tốt, không đủ thời gian để làm hết 4 câu Toán. Đề Toán năm nay khó quá, nếu so với khối A đợt 1 thì khó hơn”.

Với đề sử, bạn Thanh Thảo, ngụ ở An Giang cho rằng: “Đề thi Sử năm nay bám sát chương trình sách giáo khoa, nhưng vẫn quá dài, em viết rất nhanh nhưng không kịp thời gian, chắc chỉ được khoảng 5 điểm là cùng”.

Mai Phương