Tôm rớt giá, bỏ trắng ao nuôi
Ao nuôi trơ đáy
Dọc con đường thanh niên ven biển chạy dài hàng chục cây số từ các xã của huyện Thăng Bình đến các xã Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải của huyện Núi Thành (Quảng Nam), chứng kiến cảnh tượng người dân nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) bỏ trắng ao nuôi, cỏ mọc um tùm.
Hồ nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Tam Tiến bỏ hoang cỏ mọc um tùm.
Đầu năm 2014, giá tôm TCT được thương lái mua cao từ 150.000 đồng/1 ký, có khi lên đến 180.000 đồng/1 ký. Thấy vậy người dân ồ ạt chặt bỏ cây cối xung quanh, san bằng các đồi cát trắng ven biển để đào ao nuôi sát vách nhà. Tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoang HD981, giá tôm TCT tự nhiên rớt giá thê thảm kéo dài cho đến nay, tôm TCT loại 1 (100 con một ký) hiện chỉ còn khoảng 105.000 đồng.
Nhìn những ao nuôi tôm TCT rộng như sân bóng của ông Hướng, ông Sương nằm sát đường bỏ không mấy tháng nay, rau muống biển mọc um tùm phủ xanh đáy hồ. Còn máy nổ, dây điện, dàn sục khí ô xy nằm lăn lóc trên bờ dưới đáy hồ. “Giá tôm thấp quá, chỉ 100.000 đồng/1 ký nên hiện nay không ai mơ màng để thuê người dọn ao nuôi nữa. Chưa kể tôm dịch bệnh chết là lỗ trăm triệu như chơi”, một người nuôi tôm cho biết.
Một máy nổ để sục khí ô xy để ngoài trời trên bờ hồ.
Trên bờ những căn lều xây dựng tạm bợ, sơ sài là chỗ ăn ở giữ ao tôm “thời vàng son” nay cũng bị bỏ hoang, đóng cửa. Xã Tam Hòa, Tam Hải tình trạng ao nuôi bị bỏ hoang đếm không hết, những ao nuôi nằm trước mặt nhà, sau lưng nhà trơ đáy, trời nắng nóng mùi hôi thối của chất dơ bẩn dưới đáy ao bốc lên hôi hám. Vợ chồng ông Đức, cho biết do giá tôm thấp quá, lỗ miết nên ao nuôi rộng 500m2 sát vách nhà của gia đình cũng bỏ. “Thấy người ta rầm rộ đào bới vườn xung quanh nhà để làm hồ nuôi tôm TCT quá trời, mình có miếng đất cạnh nhà để không cũng phí nên thuê xe về ủi đào làm ao nuôi tôm. Nhưng nuôi lỗ 50 triệu đồng nên bỏ luôn. Ở đây người nuôi tôm lỗ từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng nhiều lắm, theo con tôm nữa nhà cũng không có để ở…”, vợ ông Đức nói.
Ông Đức bên hồ nuôi tôm bỏ không của gia đình.
Theo người dân, hiện nay có ba nguyên nhân làm cho người nuôi tôm TCT chán nản bỏ ao là: Con giống không tốt như trước đây nên khi mua về nuôi có khi 15 ngày là dịch bệnh chết; môi trường bị ô nhiễm do lượng nước từ ao xả ra quá nhiều không qua một hệ thống xử lý nào hết và giá tôm xuống thấp không lường hết được.
Đại lý thức ăn khóc vì tôm thẻ chân trắng
Lâu nay, các đại lý thường bán chịu thức ăn cho tôm cho các chủ ao nuôi, rồi đến ngày thu hoạch tôm là lấy tiền. Bà Nguyễn Thị Luận (trú xã Tam Hải, huyện Núi Thành) là đại lý cung cấp thức ăn cho tôm than phiền: “Hiện nay các chủ ao nuôi tôm TCT ở xã Tam Hải, Tam Hòa đã nợ tiền mua thức ăn cho tôm của tôi lên đến 12 tỷ đồng với số lượng 50 hộ, trong đó nợ nhiều nhất là ông Hiếu (xã Tam Hải) hơn 1 tỷ đồng và ông Vinh (xã Tam Hải) hơn 1 tỷ đồng. Đi đòi mòn dép mà họ hứa khi nào tôm lên giá sẽ trả… ”.
Bà Luận nói, việc đi đòi nợ số tiền hơn 10 tỷ đồng này cũng khó khăn như mong con tôm lên giá lại vậy. “Năn nỉ quá họ mới trả cho vài triệu đồng, còn đòi riết quá là họ sang đại lý khác mua thức ăn, vậy là càng khó khăn cho việc thu hồi số nợ hơn. Biết vậy vẫn bán cầm chừng cho họ chứ biết sao. Để có vốn kinh doanh tiếp, không còn cách nào khác là đi vay nóng bên ngoài để nhập thức ăn về bán tiếp”.
Tương tự, các đại lý thức ăn cho tôm khác như ông V., bà N. cũng rơi vào cảnh chủ nợ với số tiền lên đến hơn 10 tỷ đồng. “Tôi kinh doanh thức ăn cho tôm hơn 10 năm nay, chưa thấy năm nào việc thu hồi tiền bán thức ăn với chủ ao nuôi khó khăn, cực khổ như năm vừa rồi. Số tiền nợ bán thức ăn cho tôm đến thời điểm này đã lên hơn 10 tỷ đồng, có hộ nợ hơn 1 tỷ đồng”, bà N. cho biết.
Những đại lý như bà Luận, bà N. cho rằng, khi bán thức ăn cho tôm cho các chủ ao nuôi không có thế chấp, cầm cố tài sản gì hết, chứ “giao kèo” bằng miệng là khi thu hoạch tôm bán sẽ trả tiền. Vậy là, bây giờ chỉ biết chờ con tôm TCT lên giá trở lại mới mong lến được số nợ khủng trên.
Hậu quả của việc người dân ven biển tỉnh Quảng Nam bất chấp rủi ro, cảnh báo từ trước để chạy theo phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát nay đã lâm vào hoàn cảnh nợ nần chồng chất và kéo theo bao hệ lụy như ô nhiễm môi trường, môi trường sống xung quanh bị phá vỡ không thương tiếc.
Phú Đông (theo Năng lượng Mới)
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025