Tội phạm có tổ chức – Nỗi bất an của xã hội (phần 2)

07:00 | 16/02/2019

1,141 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tên cầm đầu, chỉ huy trở thành các giám đốc doanh nghiệp giàu có, tài ba, quan hệ rộng rãi, chi tiêu phóng khoáng, “ga lăng”, ăn mặc sang trọng, đi xe đắt tiền, thích làm từ thiện để tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao uy tín.

Ngoài ra, để có thể hoạt động lâu dài trong xã hội, các băng nhóm cần phải tăng cường tài chính, tạo vỏ bọc hợp pháp và hoàn chỉnh về mặt tổ chức. Để có nguồn tài chính dồi dào phục vụ cho hoạt động của tổ chức, chúng thường tổ chức các hoạt động kinh doanh với quy mô lớn vừa hợp pháp vừa bất hợp pháp; thành lập các công ty, doanh nghiệp, cửa hàng, khách sạn, tổ chức dịch vụ... để tạo vỏ bọc hợp pháp; hợp pháp hoá tài sản thu được từ hoạt động phạm tội. Với vỏ bọc đó, các tên cầm đầu, chỉ huy trở thành các giám đốc doanh nghiệp giàu có, tài ba, quan hệ rộng rãi, chi tiêu phóng khoáng, “ga lăng”, ăn mặc sang trọng, đi xe đắt tiền, thích làm từ thiện để tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao uy tín.

Tuy nhiên, trong những năm qua đã có không ít tổ chức tội phạm phát triển ở giai đoạn này bị triệt phá, có tổ chức tội phạm có số lượng thành viên lên tới cả trăm tên, như Năm Cam, Khánh Trắng, Hà Lê... trong số đó có hàng chục người trong bộ máy công quyền cũng bị xử lý hình sự là đồng phạm. Điển hình cho loại tội phạm này là Dương Văn Khánh:

Khánh "Trắng", tên thật là Dương Văn Khánh (SN 1956), là một nhân vật cầm đầu băng đảng xã hội đen gồm 19 tên tội phạm khét tiếng Hà Nội trong những năm cuối của thế kỷ 20. Khánh "Trắng" phạm 4 tội: "giết người", "cướp tài sản công dân", "trốn thuế" và "che giấu tội phạm". Khánh "Trắng" có vẻ ngoài nho nhã, thư sinh song lại được xem là một sát thủ máu lạnh đội lốt một ông đội trưởng bốc xếp. Với vẻ ngoài hào hoa lịch lãm và làm nhiều công tác từ thiện đều là để che mắt thiên hạ.

toi pham co to chuc noi bat an cua xa hoi phan 2

Đối tượng Dương Văn Khánh và cái giá phải trả.

Sau nhiều lần ra tù vào tội với 5 tiền án, tiền sự, đến năm 1989, Khánh mua xích lô ra gầm cầu Long Biên chở hàng thuê kiếm ăn hàng ngày. Từ đây, y tập hợp được đám đàn em khoảng ba chục tên, đều là dân tiền án, tiền sự làm nghề đạp xích lô kiếm sống. Cũng vào thời điểm này, ở địa bàn chợ Đồng Xuân - Bắc Qua và khu vực xung quanh, hình thành nhiều băng nhóm khác nhau làm nghề đạp xích lô và bốc xếp hàng hóa. Khi gom được đông đảo lực lượng, Khánh bắt đầu tranh giành địa bàn ở khu phố Trần Nhật Duật, Hàng Chiếu... Không chỉ liều mạng, giang hồ thời đó còn biết đến Khánh "trắng" như một tay dao búa thông minh, có tài chỉ huy và đầy tham vọng.

Đầu năm 1991, nhân chủ trương lập lại trật tự vận chuyển bốc xếp hàng hóa ở chợ Đồng Xuân của UBND phường, Khánh "trắng" xin phép thành lập đội trật tự - dịch vụ bốc xếp tự quản tại đây. Đầu năm 1991, UBND phường Đồng Xuân quyết định thành lập đội, chỉ định Dương Văn Khánh làm đội trưởng, các đội phó là Nguyễn Văn Sơn (Sơn “lùn”), Nguyễn Văn Tuân (Dũng “béo”) - đều là những tay chân thân cận của Khánh“trắng”.

Khi Khánh chính thức trở thành chủ tịch Nghiệp đoàn bốc xếp chợ Đồng Xuân, quân số khoảng 500 người, tiểu thương chợ Đồng Xuân và các chợ lân cận, người ta thường thấy hình ảnh một ông chủ tịch đi xe jeep cùng vài tên vệ sĩ mặt bặm trợn lượn vè vè quanh khu vực để thị sát. Khánh "trắng" còn tự ý phạt ôtô đi ngược chiều, phạt những người lấn chiếm lòng lề đường, thu phí của những người tỉnh xa ra vào khu vực chợ Đồng Xuân, Long Biên. Gã giang hồ đưa ra luật: Không ai được phép bốc dỡ hàng hóa của mình, bất kể khối lượng lớn hay bé. Toàn bộ số tiền thu được, đàn em đều phải nộp lại cho y.

Hàng ngày, ngoài tổ trưởng, tổ phó của y (hầu hết là đám giang hồ cộm cán) phải báo cáo tình hình cho Khánh, các tên tay chân chuyên dò la tin tức do Khánh cài cắm cũng gửi báo cáo cho y. Tiểu thương nào không để cho quân của Khánh "trắng" bốc hàng, sẽ bị đám tay chân của hắn cà khịa, hành hung. Chính Khánh "trắng" sau này thừa nhận, đội quân của mình "vác" ít mà "bốc" nhiều. Vừa vác hàng chúng vừa lấy cắp, thậm chí cướp ngay trước mặt chủ mà không ai dám ho he.

Những năm đó, tiểu thương chợ Đồng Xuân bị băng nhóm của Khánh o ép đủ đường, ai muốn làm ăn yên ổn, đều phải ngoan ngoãn tạo điều kiện cho chúng "làm việc". Khi đã có vỏ bọc, Khánh "trắng" thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Hắn cho đàn em thành lập một tổ kiểm tra trật tự trong đội bao gồm những tên tay chân thân cận, chuyên đi phạt các tiểu thương, chủ hàng ra vào khu vực chợ Đồng Xuân - Long Biên. Mức phạt do chúng tự đặt ra, tiền thu được đều nộp cho Khánh.

Không những thế, Khánh còn khuyếch trương thanh thế qua một số hoạt động từ thiện bằng chính nguồn tiền lấy được của người lao động, để phục vụ danh lợi cá nhân của mình. Do vậy, đã không ít người lầm tưởng Khánh "trắng" là nhà hảo tâm. Với những tội tài đình của Khánh và đồng bọn, Khánh “trắng” bị bắt ngày 24-5-1996 ngay tại nhà riêng của Khánh tại 31/10 phố Nguyễn Thiệp - Hà Nội, Khánh phải nhận án tử hình và phải nộp cho nhà nước gần 3,9 tỷ đồng trong đó có hơn 3,5 tỷ đồng tiền phạt, 350 triệu đồng tiền thuế, tiền án phí, bồi thường cho các bị hại. Khánh bị đem ra xét xử, bị tử hình 13-10-1998 tại trường bắn Cầu Ngà - Hà Nội.

(còn tiếp)

Thiên Phú