Toàn cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

11:52 | 12/05/2019

1,024 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mỹ đã quyết định áp giá 25% với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (tổng trị giá vào khoảng 500 tỷ USD). Cuộc chiến thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ mang lại những hậu quả khó lường.
toan canh cuoc chien thuong mai my trung

Bối cảnh của "cuộc chiến"

Theo giới quan sát, Tổng thống Donald Trump cho rằng Hoa Kỳ trong nhiều năm đã ký kết các thỏa thuận thương mại không có lợi, vì vậy mà bây giờ quyết phải giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại. Sau khi khơi mào cuộc đối đầu kinh tế với Trung Quốc, ông Trump hy vọng không chỉ giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, mà còn tấn công làm suy yếu đối thủ chính của mình. Việc ông có khuynh hướng đổ lỗi cho Trung Quốc về tất cả các căn bệnh của nền kinh tế Hoa Kỳ từ lâu đã trở thành chủ đề đàm luận. Trong chiến dịch bầu cử, ông liên tục lên tiếng ủng hộ biện pháp áp đặt mức thuế đặc biệt đối với hàng hóa Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh phải trả giá về sự mất cân bằng trong thương mại song phương gây thiệt hại cho Hoa Kỳ. Ông Trump cũng cáo buộc Trung Quốc sử dụng các kỹ xảo giao dịch không trung thực (ví dụ, thao túng tỷ giá hối đoái của đồng tiền quốc gia) và đánh cắp công nghệ của Mỹ. “Chúng ta không thể cho phép Trung Quốc mãi chèn ép nước Mỹ của chúng ta”, ông nói vào tháng 5/2016, khi kêu gọi trả lại việc làm cho người Mỹ. Cụ thể, một trong những lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông Trump là buộc Apple phải chuyển sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Hoa Kỳ.

Những lời phát biểu của Tổng thống Mỹ trở nên bớt gay gắt hơn sau cuộc hội đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. “Tôi nghĩ rằng bây giờ không phải là thời điểm thích hợp để gọi Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ”, ông Trump đã thừa nhận vào mùa xuân năm 2017. Theo ông, cuộc đối đầu với Trung Quốc sẽ không có ý nghĩa gì "nếu nó không giúp chúng ta cải thiện tình hình với Triều Tiên". Và thâm hụt thương mại của Mỹ, theo Tổng thống Trump, không phải do lỗi của Bắc Kinh, mà chính do Washington: “Tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc. Tôi đổ lỗi cho sự bất tài của các chính quyền trong quá khứ đã giúp cho Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ trong thương mại và khiến cho Hoa Kỳ mất đi hàng chục tỷ đô la mỗi năm. Làm sao có thể đổ lỗi cho người Trung Quốc về việc họ đã bỏ rơi quá xa những người không biết mình đang làm gì? Ở vào vị thế của người Trung Quốc, tôi cũng sẽ làm như vậy" - ông Trump viết trên Twitter.

Theo ông Trump và nhóm của ông, nếu một quốc gia nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, điều đó sẽ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế, đồng thời có nghĩa là nó ngăn chặn sự phát triển các việc làm mới, hạn chế nguồn thu nhập bổ sung và thu thuế. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, chính quyền của ông đã không làm gì để khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại với Trung Quốc và với nước ngoài nói chung. Năm 2017, tổng số dư thương mại âm tăng 12,1% lên 566 tỷ USD (xuất khẩu - 2,3 nghìn tỷ USD, nhập khẩu - gần 2,9 nghìn tỷ USD). Trong số này, Trung Quốc chiếm 375 tỷ USD, trong khi tổng khối lượng thương mại song phương lên tới 636 tỷ USD.

Ông Trump dự định giảm thâm hụt thông qua các biện pháp bảo hộ nhằm hạn chế nhập khẩu. Vào mùa đông 2017-2018, Washington có nâng 1 phần thuế nhập khẩu vào máy giặt và tấm pin mặt trời, vào mùa xuân - với thép và nhôm (dành cho hàng nhập khẩu từ tất cả các nước, không riêng hàng Trung Quốc). Bởi vì điều này, Hoa Kỳ đứng trước bờ vực của một cuộc chiến thương mại với Canada, Mexico và các nước EU. Nhưng trong trường hợp với Trung Quốc, chính quyền Trump quyết định tiến xa hơn nữa.

Cuộc đấu giành ngôi vị thống trị

Tháng 4/2018, Washington tuyên bố ý định áp mức thuế 25% đối với 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tổng trị giá là 50 tỷ USD. Nhưng sau đó, hai bên đã tránh được 1 cuộc xung đột thương mại: tại cuộc hội đàm tháng Năm, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Stephen Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã đồng ý tạo ra một cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại. Hơn nữa, Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thêm hàng hóa của Mỹ để giảm mất cân bằng thương mại.

Nhưng các cuộc đàm phán tiếp tục bị đình trệ. Theo tiến sĩ Vyacheslav Kholodkov, chuyên gia của Viện nghiên cứu chiến lược Nga, điều này phần lớn là do tính hai mặt của Mỹ: một mặt, Hoa Kỳ tìm cách tăng xuất khẩu sang Trung Quốc để cân bằng cán cân thương mại, nhưng mặt khác, họ không muốn cho phép chuyển giao công nghệ cao cho Trung Quốc. Từ quan điểm về an ninh quốc gia và hạn chế tăng trưởng khoa học, công nghệ và kỹ thuật của Trung Quốc, Hoa Kỳ cần hạn chế cung cấp các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ cho ngành công nghiệp Trung Quốc càng nhiều càng tốt, tiến sĩ Kholodkov nhận định.

Người Trung Quốc cũng chẳng chịu nhường bước. Bắc Kinh tuyên bố rằng nếu nghị định về tăng thuế suất được công bố hồi tháng Tư có hiệu lực, Trung Quốc sẽ hủy bỏ các thỏa thuận về việc tăng mua hàng hóa từ Hoa Kỳ. Ngoài ra, Trung Quốc yêu cầu người Mỹ bãi bỏ các biện pháp đàn áp đối với nhà sản xuất điện thoại di động Trung Quốc ZTE. Thái độ cứng rắn, không khoan nhượng này được giải thích bởi sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc. Bằng cách sử dụng chương trình "Made in China - 2025", Bắc Kinh dự định đẩy nhanh kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt là nếu Mỹ thực hiện các biện pháp hạn chế theo hướng này.

Chương trình "Made in China - 2025" được thiết kế để đảm bảo sự thống trị của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, sẽ là động lực cho sự phát triển kinh tế trong tương lai của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ coi sáng kiến ​​này là một mối đe dọa, bởi vì nó buộc các công ty Mỹ phải chia sẻ tài nguyên trí tuệ của họ với Trung Quốc. Ngoài ra, người Mỹ sợ mất đi sự thống trị công nghệ toàn cầu, mà theo Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, là yếu tố bảo đảm cho "tương lai của nền kinh tế Mỹ".

Giờ đây, chính các sản phẩm công nghệ cao, được phát triển bởi chiến lược “Made in China - 2025”, đã rơi vào cái bẫy thuế cao của Mỹ.

Đôi bên cùng thua

Thời báo New York gọi cuộc chiến thương mại toàn diện do ông Trump gây ra là mối đe dọa đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Thương mại thế giới bị gián đoạn, có dấu hiệu căng thẳng có thể cản trở sự phát triển kinh tế, tờ báo viết. Theo báo cáo về sự mở rộng của cuộc xung đột, việc giao hàng qua cảng và nhà ga hàng hóa của các sân bay trên thế giới đang chậm lại. Tờ báo cũng trích dẫn dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, theo đó khối lượng hàng hóa hàng không trong 3 tháng đầu năm nay đã giảm. Trong khi đó, các số liệu này trong 2 năm trước luôn tăng trưởng.

Trở lại vào tháng Tư, Bloomberg đã biên soạn một danh sách "kẻ thắng và người thua" từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trong số những "kẻ thua cuộc" - tập đoàn Mỹ Boeing, Apple, Tesla, Ford, GM, vốn gắn kết chặt chẽ với thị trường Trung Quốc. Trong số những người chiến thắng có các công ty thép của Mỹ và các nhà cung cấp thực phẩm từ Mỹ Latinh - họ có thể thay thế Mỹ trên mặt trận cung ứng ngô và đậu tương cho Trung Quốc. Cả người tiêu dùng Mỹ và Trung Quốc đều thua thiệt, bởi vì thẻ giá trong các cửa hàng chắc chắn sẽ tăng lên do cuộc chiến thuế quan.

Những hành động tiếp theo mà các đối thủ của Mỹ có thể thực hiện trong một cuộc chiến thương mại cũng gây ra mối đe dọa cho người Mỹ. Rủi ro lớn nhất đối với Hoa Kỳ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nằm ở khả năng mất năng lực cạnh tranh của đồng nhân dân tệ, vốn đã mạnh lên đáng kể so với đồng đô la trong giai đoạn 2016-2018. Chiến tranh thương mại có thể leo thang thành cuộc chiến tiền tệ và sau Trung Quốc, tiền tệ của EU, Hàn Quốc và Mỹ Latinh cũng có thể bị suy yếu theo.

Tuy nhiên, có nhiều ước tính lạc quan hơn về những gì đang xảy ra. Nhà đầu tư người Mỹ Jim Rogers tin rằng hiện tượng "tái cấu trúc" kinh tế do Washington gây ra là thảm họa đối với Mỹ, nhưng cuối cùng lại có lợi cho những người chơi toàn cầu khác: "Ông Trump làm cho Trung Quốc “vĩ đại trở lại”, nông nghiệp Nga đang bùng nổ, các nước quay lưng lại với đồng đô la vốn được coi là một loại phương tiện thanh toán quốc tế hiệu quả nhất. Rất nhiều biện pháp mà Hoa Kỳ đang thực hiện rốt cuộc chỉ làm lợi cho các nước khác", ông Jim Rogers nhận xét.

Bá Thủy (Theo RT)

toan canh cuoc chien thuong mai my trungCuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn còn xa hồi kết
toan canh cuoc chien thuong mai my trungTrung Quốc ngừng mua dầu thô của Mỹ
toan canh cuoc chien thuong mai my trungCuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang tác động lên giá dầu

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc