Tin tức thế giới 25/3: Phát hiện 64 thi thể chết ngạt trong container tại Mozambique

18:12 | 25/03/2020

801 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Phát hiện 64 thi thể chết ngạt trong container tại Mozambique; Mỹ nhất trí gói cứu trợ 2.000 tỷ USD vì đại dịch Covid-19; Nhiều nước dừng xuất khẩu lương thực, đe dọa nguồn cung toàn cầu… là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 25/3.
tin tuc the gioi 253 phat hien 64 thi the chet ngat trong container tai mozambique
Chiếc xe tải chở 64 người nhập cư Ethiopia bị chặn lại ở tỉnh Tete, Mozambique. Ảnh: DW.

Phát hiện 64 thi thể chết ngạt trong container tại Mozambique

Tổ chức nhập cư quốc tế (IOM) của Liên Hợp Quốc ngày 24/3 cho biết, 64 thi thể được phát hiện trong thùng container hàng hóa bị chặn lại ở tỉnh Tete, Mozambique, cùng với 14 người còn sống sót và đều là nam giới. Nguyên nhân tử vong được xác định ban đầu là do ngạt khí. Hiện thời tiết ở Mozambique khá nóng với nhiệt độ trung bình trên 32 độ C. Những người sống sót cho biết, họ là công dân Ethiopia và đang trên đường đến Nam Phi.

Phát ngôn viên Cơ quan di trú tỉnh Tete của Mozambique, bà Amelia Direito, cho biết tài xế và phụ xe đã bị tạm giữ để điều tra. Tài xế khai rằng sẽ nhận được thù lao khoảng 500 USD để vận chuyển những người này. Cảnh sát địa phương đã vào cuộc để truy tìm đối tượng trung gian đứng sau việc đưa các công dân Ethiopia này nhập cảnh trái phép vào Mozambique.

Mỹ nhất trí gói cứu trợ 2.000 tỷ USD vì đại dịch Covid-19

Nhà Trắng và lãnh đạo Thượng viện Mỹ sau cuộc đàm phán tới nửa đêm 24/3 đã đạt được thỏa thuận về một gói cứu trợ kinh tế trị giá khoảng 2.000 tỷ USD sau nhiều ngày đàm phán. Hiện chi tiết gói cứu trợ chưa được công bố, song Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow gọi đây là gói cứu trợ "lớn nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ".

Gói cứu trợ được cho là có trị giá lên tới khoảng 2.000 tỷ USD. Trong đó, 500 tỷ USD được trích ra để hỗ trợ các ngành kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khoảng 250 tỷ USD dành để hỗ trợ tiền mặt trực tiếp lên đến 3.000 USD/hộ cho hàng triệu hộ gia đình ở Mỹ, 350 tỷ USD cho chương trình hỗ trợ cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ, 250 tỷ USD hỗ trợ người thất nghiệp và 130 tỷ USD cho các bệnh viện, 150 tỷ USD hỗ trợ các chính quyền địa phương ứng phó dịch.

Hơn 1.000 người chết vì Covid-19, Pháp trở thành "ổ dịch" thứ 5

Pháp ngày 24/3 ghi nhận thêm 240 ca tử vong vì Covid-19, con số nhiều nhất từ trước đến nay kể từ khi dịch bùng phát, đưa tổng số ca tử vong lên 1.100. Tổng cục trưởng Y tế Pháp cho biết, con số này chỉ tính những ca tử vong tại bệnh viện, không bao gồm các viện dưỡng lão. Với con số này, Pháp trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới có số người chết vì Covid-19 vượt ngưỡng 1.000, chỉ sau Italia, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Iran.

Cùng ngày, Pháp có thêm gần 2.500 người mắc Covid-19, nâng tổng số lên 22.304 ca nhiễm, nhiều thứ 7 thế giới. Theo giới chức y tế Pháp, số người nhiễm bệnh thực tế có thể cao hơn con số thống kê vì thường chỉ những người có triệu chứng nặng mới được xét nghiệm. Để đối phó với tình hình dịch Covid-19 lan rộng, quân đội Pháp đã lập một bệnh viện dã chiến ở thành phố miền Đông Mulhouse, bệnh viện chính thức hoạt động từ ngày 24/3.

Nhiều nước dừng xuất khẩu lương thực, đe dọa nguồn cung toàn cầu

Một số nước đang thực thi các biện pháp bảo đảm nguồn cung lương thực trong nước tại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, hãng tin Bloomberg cho biết. Kazakhstan, một trong những nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã quyết định cấm xuất khẩu sản phẩm này… Trong khi đó, nhiều nước đang tìm cách chất đầy kho dự trữ chiến lược như Trung Quốc, Algeria, Turkey, Maroc…

Tim Benton, Giám đốc nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Chahham House (Anh) nhận định, nếu các chính phủ không đồng lòng hợp tác để bảo đảm nguồn cung toàn cầu, nếu các nước chỉ biết đặt quốc gia lên trên hết, mọi thứ sẽ tệ hại hơn với tất cả các bên. Chi phí cho lương thực tăng còn có tác động tiêu cực về mặt xã hội. “Nếu thiếu nguồn cung lương thực, các xã hội sẽ tan vỡ”, Benton bình luận.

Giới đầu tư cảnh báo về ý định mở cửa trở lại nền kinh tế của Tổng thống Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/3 tuyên bố muốn Mỹ sẽ "mở trở lại" các hoạt động kinh tế vào dịp lễ Phục sinh (ngày 12/4). Phát biểu của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh 17 bang của Mỹ đã ban hành lệnh "ở nhà" ngày 25/3 (giờ Mỹ) nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Ông Trump cho biết khi thời gian "giãn cách xã hội" 15 ngày kết thúc, Chính phủ sẽ quyết định hướng đi tiếp theo.

Một số chuyên gia đầu tư đã cảnh báo ý định mở cửa lại nền kinh tế trong khi dịch Covid-19 vẫn có dấu hiệu lây lan có thể phản tác dụng. Theo các chuyên gia, các biện pháp đóng cửa nghiêm ngặt mới chỉ bắt đầu được thực hiện tại Mỹ, nên cần có thời gian để lấy đà và giảm tình trạng lây nhiễm virus. Hơn nữa thông tin Mỹ mở cửa kinh tế trở lại sẽ không được giới đầu tư chào đón khi họ vẫn còn lo ngại dịch bệnh và Mỹ sẽ trở nên lạc lõng.

H.T (t/h)