Tin tức kinh tế ngày 11/6: Thương nhân Trung Quốc tranh nhau mua vải thiều Bắc Giang
Doanh số bán xe ô tô tăng 30%
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 5, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 27.373 xe, tăng 30% so với tháng 4/2019, tăng 18% so với tháng 5/2018.Trong đó, bao gồm 19.517 xe du lịch (tăng 36% so với tháng trước); 7.345 xe thương mại (tăng 21%) và 511 xe chuyên dụng (giảm 12%).
Bên cạnh đó, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 15.162 xe, tăng 8% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 12.211 xe, tăng 75% so với tháng trước.
![]() |
Lắp ráp ô tô trong nước |
Thống kê của VAMA cũng cho thấy, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 5 tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch tăng 35%, xe thương mại tăng 0,2% và xe chuyên dụng giảm 39%.
Tính đến hết tháng 5, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 14%, trong khi xe nhập khẩu tăng 210% so với cùng kỳ.
“Ngốn” hơn 881 tỷ đồng của Vicem mà nhiều dự án vẫn dang dở
Theo báo cáo tài chính riêng của Công ty mẹ - Vicem, tính đến cuối năm 2018, Vicem đang bị đọng khoản vốn 881 tỷ đồng tại một loạt dự án lớn đã từng một thời là kỳ vọng của doanh nghiệp xi măng này.
Trong đó, khoản vốn đầu tư dở dang nằm tại dự án Trung tâm Điều hành và Giao dịch Vicem lớn nhất, lên tới 771 tỷ đồng. Dự án xây dựng Khu tổng hợp Vĩnh Tuy cũng tiêu tốn 60 tỷ đồng, Nhà máy kết cấu bê tông - vật liệu xây dựng không nung 45 tỷ đồng. Đáng lưu ý, hầu hết các dự án này đều có thời gian đầu tư trong giai đoạn 2010-2012. Riêng dự án Cảng Vicem Đông Hồi được thực hiện theo Quyết định đầu tư của Vicem vào 4/4/2016, có tổng vốn đầu tư 1.978 tỷ đồng.
Trong số các dự án kể trên, Dự án Trung tâm Điều hành và Giao dịch Vicem được triển khai theo Quyết định phê duyệt số 2208/QĐ-XMVN ngày 30/12/2011 của HĐTV Vicem và Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000884 của UBND TP Hà Nội cấp năm 2010 với tổng mức đầu tư dự kiến 2.744 tỷ đồng, đang trình Bộ Xây dựng đề xuất phương án chuyển nhượng toàn bộ dự án với giá chuyển nhượng không thấp hơn chi phí đầu tư, đảm bảo thu hồi vốn Nhà nước.
Dự án Cảng Vicem Đông Hồi, cuối năm 2018 HĐTV Tổng công ty đã có Quyết định 2146/QĐ-Vicem phê duyệt chấm dứt đầu tư vào tháng 6/2018, với giá trị quyết toán 2.680.806.045 VND. Đồng thời đề nghị Tổng giám đốc Vicem và người đại diện vốn Vicem tại Vicem Hoàng Mai có văn bản báo cáo UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận cho Vicem Hoàng Mai tiếp tục thực hiện dự án. Được biết, Vicem Hoàng Mai đang tiếp tục thực hiện các thủ tục chuyển nhượng Dự án này theo Nghị quyết đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Dự án Nhà máy kết cấu bê tông - vật liệu xây dựng không nung được triển khai theo Quyết định của Ban lãnh đạo Vicem vào năm 2010 với tổng vốn đầu tư ước 819 tỷ đồng, nhưng đến tháng 2 năm nay, HĐTV Tổng công ty đã có quyết định dừng Dự án kể từ 30/6/2018 để chuyển nhượng Dự án cho Vicem Hoàng Mai tiếp tục đầu tư với giá chuyển nhượng không thấp hơn 59,8 tỷ đồng.
Đối với Dự án Khu tổng hợp Vĩnh Tuy có tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng, và TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị H2-4, tỷ lệ 1/2000.
Đầu năm nay, Vicem đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng báo cáo và xin cho Vicem tiếp tục quản lý sử dụng khu đất 122 ha để đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty như hiện trạng cũng như đảm bảo tiến độ cổ phần hóa Vicem.
Hưởng lãi suất 9%, người gửi phải chịu nhiều điều kiện của ngân hàng
Để được hưởng mức lãi suất huy động VND gần 9%/năm, người gửi tiền phải đáp ứng được điều kiện không hề dễ dàng, tức là phải gửi từ 24-36 tháng hoặc với số tiền gửi rất lớn, tới 500 tỷ đồng.
![]() |
Hưởng lãi suất cao, người gửi phải chịu nhiều điều kiện |
Khảo sát thị trường ngân hàng hiện có thể thấy, mặt bằng lãi suất huy động VND lãi suất hiện nay được chia làm 3 nhóm. Nhóm ngân hàng thứ nhất chiếm hơn một nửa tổng nguồn huy động vốn từ thị trường (đó là 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV) và Techcombank (ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân) có mức lãi suất huy động cao nhất chỉ quanh mức 7%/năm.
Ở nhóm thứ hai là các ngân hàng cổ phần tư nhân lớn, có hệ thống mạng lưới giao dịch rộng rãi như Sacombank, HDBank, ACB, MB hoặc các ngân hàng nhỏ hiếm khi gia nhập cuộc đua lãi suất cao như Kienlongbank, MSB và nhóm "0 đồng" là OceanBank, GPBank, CBBank thì lãi suất cao nhất cũng chỉ tới 7,7-7,8%/năm.
Nhóm thứ ba là các ngân hàng lớn thường xuất hiện trong cuộc đua lãi suất cao như Eximbank, VPBank, SCB, Nam A Bank, VIB, TPBank... và các ngân hàng nhỏ khác có lãi suất cao hơn cả, hiện cao nhất phổ biến trên 8%/năm, có trường hợp tới 8,7%/năm.
Tuy nhiên, đối với nhóm có mức lãi suất huy động VND cao nhất thị trường hiện nay, để được hưởng mức lãi suất huy động VND gần 9%/năm người gửi tiền phải đáp ứng được điều kiện không dễ dàng, tức là phải gửi từ 24-36 tháng hoặc với số tiền gửi rất lớn, tới 500 tỷ đồng.
Trong đó, VIB chỉ áp dụng đối với khách hàng gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên với số tiền gửi tối thiểu 500 tỉ đồng. TPBank chỉ áp dụng lãi suất 8,6% cho khách hàng gửi trên 100 tỉ đồng, kì hạn 24 tháng và cam kết không rút trước hạn.
Thanh toán điện tử tại Việt Nam mỗi ngày khoảng 13 tỉ USD
Phát biểu tại hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam" tổ chức sáng 11/6, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng năm ngoái xử lý hơn 73 triệu tỉ đồng, gấp 13 lần GDP. Bình quân mỗi ngày có hơn nửa triệu giao dịch thực hiện thành công với giá trị khoảng 289.000 tỉ đồng, tương đương 13 tỉ USD.
Việt Nam nằm trong nhóm thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới về thanh toán di động, theo khảo sát của hãng kiểm toán PwC. Giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng xấp xỉ 170% so với năm trước.
Nhấn mạnh lợi ích của thanh toán không tiền mặt, Phó thủ tướng cho rằng "sẽ có rất nhiều thứ khác" được ghi nhận nếu tiến tới xã hội không tiền mặt. Cụ thể như giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy nền tài chính minh bạch, cải thiện hiệu quả hoạt động mảng phi tín dụng của ngân hàng...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhắn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán "Thà có lệ phí thấp mà được nhiều người dùng. Đừng nghĩ tới lợi nhuận ngay từ đầu khi làm. Lợi nhuận sẽ tới với cấp số nhân nếu làm nghiêm túc".
Thương nhân Trung Quốc tranh nhau mua vải thiều Bắc Giang
![]() |
Vải thiều Bắc Giang đắt giá |
Dù dựng lên nhiều rào cản với quả với quả vải khi xuất vào thị trường Trung Quốc, nhưng khoảng 260 thương nhân của nước này vẫn đang tranh nhau mua vải thiều Bắc Giang. Theo đó, loại quả đặc sản này hiện có giá bán cao kỷ lục.
Đầu tháng 6 vừa qua khi vải thiều đặc sản bắt đầu bước vào vụ thu hoạch rộ, lãnh đạo huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, phía Trung Quốc đưa ra khá nhiều quy định để quả vải thiều Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này. Cụ thể muốn xuất khẩu sang thị trường này phải được cấp mã số vùng trồng. Mã số này do doanh nghiệp đủ điều kiện đóng gói và được phía Trung Quốc xác nhận tiến hành đóng gói chứ không phải do nông dân tự đóng gói. Đồng thời, tất cả công ty muốn xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc phải được phía nước bạn cấp mã và không phải đơn vị nào muốn xuất khẩu sang thị trường này cũng được…
Thế nhưng vẫn có khoảng 260 thương nhân Trung Quốc đang có mặt ở Bắc Giang để mua vải thiều.
Dù có rất nhiều quy định khắt khe, song Giám đốc Sở Công Thương Bắc GiangTrần Quang Tấn cho biết, vải thiều của tỉnh đang tiêu thụ rất ổn định, giá cao kỷ lục. Có thể nói là chưa năm nào giá vải cao như năm nay và tiêu thụ lớn sang Trung Quốc.
SOS: Tiết kiệm năng lượng
Có 2.409 doanh nghiệp trong danh sách sử dụng năng lượng trọng điểm và 108 giải pháp để tiết kiệm năng lượng.
Với công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được đánh giá có tiềm năng tiết kiệm năng lượng rất lớn. Kết quả kiểm toán năng lượng do các chuyên gia đến từ Hàn Quốc và Tổng công ty Bảo dưỡng - Sửa chữa công trình dầu khí (PVMR) thực hiện từ ngày 26/11/2018 đến ngày 21/12/2018 cũng đã khẳng định suy nghĩ nói trên.
Có 25 giải pháp bao gồm lắp đặt thêm bộ tách nóng, thu hồi và tận dụng nhiệt thải, sử dụng hệ thống phát điện độc lập PRT đã được các chuyên gia đề xuất cho BSR với chi phí đầu tư dự kiến sơ bộ khoảng 78,2 triệu USD. Kết quả, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được 27,3 Gcal/h nhiên liệu và 22,5 MW điện năng, tương đương 51,4 triệu USD và thời gian hoàn vốn từ 0,3-5,7 năm.
Ngoài BSR, còn 9 doanh nghiệp khác cũng được Dự án Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam lựa chọn để kiểm toán năng lượng, nhằm đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng phù hợp.
Đó là Công ty Giấy An Hòa, Công ty Xi măng Bỉm Sơn, Công ty Gang thép Cao Bằng, Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty Cao su Đà Nẵng, Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty Nhiệt điện Phả Lại, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng và Tổng công ty Việt Thắng. Đây đều là những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn, được lựa chọn sau khi Dự án gửi phiếu khảo sát tới 400 doanh nghiệp và nhận được sự sẵn sàng tham gia của 94 doanh nghiệp.
Tổng năng lượng mà 10 doanh nghiệp này đang tiêu thụ là 3.635.305 TOE/năm với chi phí lên tới 672.768 USD/năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở 10 doanh nghiệp này là 173.412 TOE/năm (khoảng 77.752 USD/năm) với chi phí đầu tư dự kiến là 199.621 USD/năm và thời gian hoàn vốn bình quân là 2,6 năm, cũng như giúp cắt giảm 606.000 tấn CO2/năm.
Nguyễn Anh
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025
-
Tin tức kinh tế ngày 16/4: Đồng USD rơi xuống sát đáy 3 năm
-
Tin tức kinh tế ngày 15/4: Thanh long soán ngôi “vua” trái cây
-
Tin tức kinh tế ngày 14/4: Vốn từ Trung Quốc tăng tốc vào Việt Nam
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng