Tin nóng thế giới hôm nay - 29/11

20:35 | 29/11/2018

829 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nga bác bỏ tin phong tỏa các cảng của Ukraine trên biển Azov. Tổng thống Ukraine đề nghị NATO điều tàu tới biển Azov hỗ trợ. Italy thông qua sắc lệnh an ninh và kiểm soát nhập cư cứng rắn.
tin nong the gioi hom nay 2911Tin nóng thế giới hôm nay - 28/11
tin nong the gioi hom nay 2911Tin nóng thế giới hôm nay - 27/11
tin nong the gioi hom nay 2911Tin nóng thế giới hôm nay - 26/11
tin nong the gioi hom nay 2911
Tàu neo tại cảng Mariupol trên biển Azov, ngày 16/8/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

1. Nga bác bỏ tin phong tỏa các cảng của Ukraine trên biển Azov

Cơ quan cảng biển Bán đảo Crimea, Liên bang Nga ngày 29/11 tuyên bố cáo buộc của chính quyền Kiev về việc Nga phong tỏa các cảng của Ukraine trên biển Azov không cho tàu ra vào qua eo biển Kerch là không đúng sự thực. Cơ quan cảng biển Bán đảo Crimea khẳng định: "Không ai chặn giữ bất kỳ tàu nào”. Cơ quan này cho biết theo thủ tục, tất cả các tàu phải nộp đăng ký được qua eo biển Kerch trước 48 giờ và chờ được xác nhận trong vòng 24 giờ. Trước đó, ngày 28/11, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Vladimir Omelyan cáo buộc Nga phong tỏa các cảng Ukraine là Mariupol và Berdyansk trên biển Azov không cho tàu ra vào. Ông này cho rằng 35 tàu đang bị phong tỏa, di chuyển chỉ được thực hiện theo hướng các cảng của Nga trên biển Azov.

2. Tổng thống Ukraine đề nghị NATO điều tàu tới biển Azov hỗ trợ

Theo AFP và Reuters, ngày 28/11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đề nghị các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó có Đức, điều tàu hải quân tới biển Azov nhằm hỗ trợ Kiev trong bất đồng hiện nay với Nga. Trả lời nhật báo Bild của Đức, ông Poroshenko nêu rõ: "Đức là một trong những đồng minh thân cận nhất, và chúng tôi hy vọng các nước trong NATO sẵn sàng bố trí các tàu hải quân tới biển Azov để hỗ trợ Ukraine và cung cấp an ninh". Trước đó cùng ngày, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định các lực lượng Nga đã đúng khi bắt giữ 3 tàu Ukraine hồi cuối tuần qua. Tuy nhiên, ông Poroshenko cáo buộc người đồng cấp Putin "chỉ mong muốn chiếm giữ vùng biển này. Ngôn ngữ duy nhất ông ấy hiểu là sự đoàn kết của thế giới phương Tây".

3. Italy thông qua sắc lệnh an ninh và kiểm soát nhập cư cứng rắn

Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của phe đối lập, ngày 29/11, Hạ viện Italy đã thông qua sắc lệnh an ninh và kiểm soát nhập cư cứng rắn, do Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini đệ trình. Hạ viện đã thông qua sắc lệnh, vốn tạo thuận lợi hơn cho việc trục xuất người di cư và hạn chế cấp giấy phép cư trú, với 396 phiếu thuận và 99 phiếu chống. Sắc lệnh trên sẽ nới lỏng các quy định về trục xuất người nhập cư, cho phép tước quyền công dân Italy của người nhập cư nếu bị buộc tội khủng bố. Bên cạnh đó, sắc lệnh cũng bãi bỏ việc cấp giấy phép cư trú vì lý do nhân đạo, thay thế bằng các giấy phép cư trú theo diện "bảo vệ đặc biệt" hay "thảm họa tự nhiên ở quê hương".

4. Đánh bom tại Kabul gần khu tổ hợp an ninh của Anh, 10 người chết

Một quả bom xe đã phát nổ gần một khu tổ hợp an ninh của Anh ở thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 28/11, tạo ra một cột khói đen dày trên bầu trời đêm. Sau vụ nổ, có nhiều tiếng súng. Theo Reuters, một người phát ngôn của Bộ Y tế Afghanistan cho biết có ít nhất 10 người thiệt mạng và 19 người bị thương trong vụ tấn công này. Một quan chức của Bộ Nội vụ Afghanistan cho hay một số tay súng đã xâm nhập khu tổ hợp an ninh nói trên sau khi một bom xe phát nổ gần đó và đã đụng độ với các lực lượng an ninh. Hiện chưa có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận thực hiện vụ đánh bom.

Vụ việc xảy ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani phát biểu tại một hội thảo do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở Geneva (Thụy Sĩ) nêu các kế hoạch của Chính phủ Afghanistan nhằm đạt thỏa thuận hòa bình với lực lượng nổi dậy Taliban.

5. EU hối thúc các nước thành viên tiên phong chống biến đổi khí hậu

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, ngày 28/11, Ủy ban châu Âu (EC) đã giới thiệu một đề án về chiến lược khí hậu từ nay đến năm 2050 của Liên minh châu Âu (EU) nhằm thúc đẩy các nước thành viên tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đây sẽ là cơ sở cho các nghiên cứu và thảo luận trong thời gian tới của các thành viên EU. Theo đề án này, trên cơ sở các quyết định được đưa ra liên quan đến tỷ lệ năng lượng tái tạo trong số các nguồn năng lượng hỗn hợp hoặc liên quan đến tiêu chuẩn khí thải trong ngành vận tải, hiện EU đang đi đúng hướng để có thể hoàn thành mục tiêu tốt hơn dự kiến. EU từng đặt mục tiêu giảm 40% lượng khí thải từ nay đến năm 2030 so với thời điểm năm 1990, song thực tế tỷ lệ này còn có thể đạt được tới 45%. Với chiều hướng này, nhiều khả năng EU sẽ đạt được mục tiêu giảm 60% lượng khí thải từ nay đến năm 2050.

Lâm Anh (t/h)