Tin nóng thế giới hôm nay - 11/1

17:22 | 11/01/2019

387 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thái Lan lùi thời điểm tổng tuyển cử sang tháng 3. Hàn Quốc chi gần 242 tỷ USD nâng cao năng lực quốc phòng. Lực lượng nổi dậy Syria rút khỏi các khu vực đóng quân ở Idlib.
tin nong the gioi hom nay 111 525864Thế giới đêm qua - 10/1
tin nong the gioi hom nay 111 525864Tin nóng thế giới hôm nay - 10/1
tin nong the gioi hom nay 111 525864
Tuần hành ở thủ đô Bangkok phản đối hoãn tổng tuyển cử. (Nguồn: AFP/TTXVN)

1. Thái Lan lùi thời điểm tổng tuyển cử sang tháng 3

Truyền thông Thái Lan ngày 11/1 dẫn lời Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam khẳng định cuộc tổng tuyển cử sắp tới sẽ được tổ chức chậm nhất là trong tháng 3/2019. Tuyên bố đưa ra sau cuộc họp của ông Wissanu với Ủy ban tổ chức lễ đăng quang để thảo luận về việc tổ chức lễ lên ngôi của Nhà vua Rama X.

Trước đó, Văn phòng chính phủ Thái Lan cho rằng giai đoạn sau lễ đăng quang là không còn phù hợp để tổ chức bầu cử vào 24/2 như dự kiến. Ông Wissanu cho biết Ủy ban trên sẽ tiếp tục họp vào ngày 26/1 tới đây và ông tin rằng ngày tổng tuyển cử sẽ được công bố trước đó và dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 3/2019.

Cùng ngày, nhật báo Bangkokpost đưa tin ngày 10/1 đã là hạn chót để công bố sắc lệnh Hoàng gia về thời điểm bầu cử ở Thái Lan nếu như cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào ngày 24/2 tới. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ sẽ công bố sắc lệnh trên.

2. Hàn Quốc chi gần 242 tỷ USD nâng cao năng lực quốc phòng

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 11/1 thông báo nước này sẽ tăng chi tiêu quốc phòng trung bình 7,5% mỗi năm trong 5 năm tới cho mục tiêu xây dựng "những năng lực độc lập nhằm chống lại các mối đe dọa từ mọi hướng." Bộ trên thông báo kế hoạch quốc phòng chi tiết cho giai đoạn 2019-2023, theo đó sẽ chi 270,7 nghìn tỷ won (241,9 tỷ USD), trong đó 94,1 nghìn tỷ won dành cho việc tăng cường những năng lực phòng thủ và phần còn lại sử dụng vào việc quản lý binh sỹ, thiết bị và cơ sở. Theo kế hoạch này, bộ trên sẽ tìm cách tăng ngân sách quốc phòng quốc gia, vốn ở mức 46,7 nghìn tỷ won trong năm nay lên 50,3 nghìn tỷ won vào năm 2020, năm sau đó là 54,1 nghìn tỷ won, tiếp theo 57,8 nghìn tỷ won và 61,8 nghìn tỷ won cho năm 2023.

3. Lực lượng nổi dậy Syria rút khỏi các khu vực đóng quân ở Idlib

Ngày 10/1, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết hàng trăm chiến binh thuộc lực lượng nổi dậy tại Syria sẽ rút khỏi các vị trí đóng quân ở tỉnh Idlib, phía Tây Bắc Syria, trong vòng 24 giờ tới, theo sau thỏa thuận trước đó với lực lượng các phần tử Hồi giáo cực đoan Hayat Tahrir al-Sham (HTS).

Theo SOHR, các chiến binh thuộc Mặt trận giải phóng quốc gia (NLF - một liên minh các lực lượng phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn) sẽ rút khỏi các khu vực đóng quân thuộc tỉnh Idlib và khu vực ngoại ô tỉnh Hama ở miền Trung Syria theo thỏa thuận với HTS.

Các phần tử Hồi giáo cực đoan HTS, vốn là một chi nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda tại Syria, đã gia tăng kiểm soát lãnh thổ tại khu vực Idlib những ngày gần đây.

4. Mỹ cam kết 'một sự khởi đầu mới' với các quốc gia Trung Đông

Ngày 10/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang ở thăm Ai Cập đã cam kết “sự khởi đầu mới” thực sự trong quan hệ giữa Mỹ và các nước Trung Đông, đồng thời lên tiếng chỉ trích chính sách của cựu Tổng thống Barack Obama đối với khu vực này. Phát biểu tại Đại học Mỹ ở thủ đô Cairo, ông Pompeo cho rằng cựu Tổng thống Obama "đánh giá quá thấp bản chất xấu xa và ngoan cố của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan", dẫn tới phó mặc Trung Đông cho các phiến quân Hồi giáo cực đoan, đồng nghĩa với việc "gieo rắc" hỗn loạn tại đây. Theo ông Pomeo, Washington đã nhận ra rằng "khi Mỹ rút quân, sự hỗn loạn thường diễn ra sau đó." Về vấn đề Iran, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh Mỹ và các nước đồng minh sẽ áp dụng biện pháp ngoại giao nhằm hạn chế phạm vi ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông. Ông tuyên bố các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ chống Iran hiện nay nằm trong số những biện pháp mạnh tay nhất trong lịch sử và sẽ tiếp tục siết chặt trừng phạt đến khi Iran thay đổi chính sách.

5. Argentina biểu tình lớn phản đối chính sách ''thắt lưng buộc bụng''

Ít nhất 20.000 người Argentina mang theo đuốc đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Buenos Aires ngày 10/1, bắt đầu một loạt cuộc biểu tình đã lên kế hoạch nhằm phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Tổng thống Mauricio Macri và tình trạng chi phí cho dịch vụ công cộng leo thang. Cuộc biểu tình do một nghiệp đoàn lái xe tải và hiệp hội các nghiệp đoàn lao động phối hợp tổ chức. Tham gia biểu tình có cả một số thành viên các đảng cánh tả. Đoàn biểu tình đã tuần hành từ đài tưởng niệm ở trung tâm thành phố hướng về phía trụ sở Quốc hội, đòi Tổng thống Macri từ chức và chấm dứt chương trình "thắt lưng buộc bụng" của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Trong năm 2018, khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, lạm phát đã lên tới gần 50% và đồng peso mất 50% giá trị, ông Macri đã ký một thỏa thuận với IMF để nhận được khoản vay trị giá 57 tỷ USD, đổi lại là cam kết mạnh tay cắt giảm tình trạng thâm hụt ngân sách kinh niên của nước này. Các khoản trợ cấp cho dịch vụ công và các dịch vụ khác bị cắt giảm, khiến giá điện và khí đốt tăng hơn 2.000% kể từ đầu nhiệm kỳ của ông. Con số này được dự báo sẽ còn tăng trong năm nay. Chính vì vậy, thỏa thuận trợ giúp trên không nhận được sự ủng hộ của người dân.

Lâm Anh (t/h)