5 tội lớn của CIA
Biếm họa về các hình thức tra tấn tù nhân của CIA
Có thể nói những điểm được ghi trong bản báo cáo của Ủy ban tình báo Thượng viện là những gì người dân Mỹ đều đã biết qua những buổi điều trần của các viên chức đặc trách an ninh, tình báo trước quốc hội diễn ra trong 4 năm qua, để giải thích tại sao lại phải áp dụng những kỹ thuật thẩm vấn như nhấn nước, biệt giam, nửa đêm rọi đèn đánh thức tù nhân bắt phải khai báo tin tức...
Tuy nhiên, bản báo cáo vẫn khiến người đọc phải giật mình bởi 5 tội danh mà CIA phạm phải.
1. Hai nhà tâm lý được CIA thuê để đề xuất các biện pháp thẩm vấn tăng cường lại là những người thiếu kinh nghiệm về chống khủng bố, nhưng được trả hơn 80 triệu USD cho dịch vụ của họ. Những tiết lộ được nêu ra trong bản báo cáo nói rõ cả hai nhà tâm lý đều không có kinh nghiệm thẩm vấn, cũng không thể có kiến thức chuyên môn về al-Qaeda, hay có kinh nghiệm về chống khủng bố, hoặc bất kỳ chuyên môn về văn hóa hay ngôn ngữ có liên quan. Thế nhưng hai người này được nói là đã trực tiếp tham gia thẩm vấn một số tù nhân "quan trọng nhất" của CIA.
Được xác định danh tính dưới bút danh Tiến sĩ Grayson Swigert và Tiến sĩ Hammond Dunbar trong bản báo cáo, hai người này được giới truyền thông Mỹ tiết lộ là hai quân nhân về hưu Jim Mitchell và Bruce Jessen. Tiến sĩ Mitchell gia nhập lực lượng không quân vào năm 1974, chuyên về tháo gỡ bom trước khi có bằng tiến sĩ tâm lý chuyên về chế độ ăn uống, tập thể dục và tăng huyết áp. Trong khi đó Tiến sĩ Jessen, có bằng tiến sĩ chuyên về "điều trị tâm lý gia đình" và sau này trở thành một nhà tâm lý tại Trường Không quân chuyên về kỹ năng sống còn và là người chịu trách nhiệm sàng lọc giáo viên hướng dẫn giả làm người thẩm vấn kẻ thù. Cả hai người, được cho là cấp trung tá, đã trở thành chuyên gia của Bộ Quốc phòng về chống thẩm vấn của kẻ thù – thế nhưng các nhà tâm lý đồng nghiệp tỏ ra hoài nghi và thậm chí quan ngại về các biện pháp của hai ông này.
2. Những cuộc thẩm vấn do CIA thực hiện đi quá xa so với những điều được Bộ Tư pháp (dưới thời Tổng thống George W. Bush) đã chấp thuận và quá xa so với những gì đã được công bố cho dân chúng biết. Thí dụ như thủ lĩnh Abe Zubaydah bị thẩm vấn liên tiếp 17 ngày, trong thời gian đó bị nhấn nước 183 lần, kể cả một lần hắn ta bị bất tỉnh, và CIA dự tính thiêu xác hắn ta nếu hắn chết trong thời gian đang bị điều tra. Những chi tiết này không được nhân viên CIA báo cho cấp trên, Ủy ban Tình báo Thượng viện tìm thấy trong những email trao đổi giữa nhân viên thẩm vấn và nhân viên đặc trách y tế của CIA.
3. CIA không báo cáo rõ con số khủng bố bị giam giữ ở những nhà giam bí mật đặt tại châu Âu và châu Á. Báo cáo của CIA gửi cho Hội đồng An ninh Quốc gia cho hay “số tù binh không quá 100 người” trong khi con số thật sự là 119 người, trong đó khoảng 20 tù binh thuộc diện “tình nghi”, tức không nhất thiết phải áp dụng những biện pháp mạnh khi thẩm vấn. Báo cáo của Thượng viện nhắc lại chuyện chính Phó Tổng thống Dick Cheney, người ủng hộ việc phải áp dụng mọi biện pháp miễn để moi được tin tức, từng có lần gặp trở ngại về ngoại giao khi lên tiếng khẳng định với một nhà lãnh đạo đồng minh rằng “chúng tôi không hề giam giữ tù binh trên lãnh thổ nước ông”, nhưng sau đó tài liệu tình báo cho thấy quốc gia mà ông Cheney nhất định nói không là một trong những nước CIA bí mật lập trại giam để nhốt khủng bố.
Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ, Dianne Feinstein
4. Ngay chính Tổng thống George W. Bush cũng không được báo cáo về những kỹ thuật mà nhân viên CIA đã thực hiện khi thẩm vấn những tên khủng bố bị bắt, cho dù ông Bush là người lên tiếng biện hộ cho họ và thẳng thắn nói rằng ông “nhận mọi trách nhiệm” vì đã chấp thuận cho CIA làm những gì “họ thấy cần thiết phải làm” để “bảo vệ an ninh quốc gia và sự an toàn cho người dân”. Tài liệu được ghi trong bản báo cáo của Thượng viện cho thấy mãi đến năm 2006 ông mới được CIA và nhân viên Nhà Trắng báo cáo lần đầu tiên về “kỹ thuật thẩm vấn”, ghi thêm trong buổi họp đó, vị nguyên thủ quốc gia lên tiếng than phiền rằng “ông thấy khó chịu, bực bội khi nhìn thấy hình ảnh tù binh bị xiềng xích treo lên tường, tù binh không được mặc quần áo mà chỉ được mang tã, và tù bình phải tự lê lết vào cầu tiêu, nhân viên điều tra đứng yên không giúp họ”. Một số hình ảnh Tổng thống Bush nói đến, trước đó, được phổ biến trên mặt báo cũng như trên truyền hình.
5. Ngay chính những nhân vật quan trọng trong chính phủ như ông Ngoại trưởng Collin Powell hay ông Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld cũng không được CIA thông báo những chuyện đã làm và đang làm, mãi tới năm 2006 ông Powell và ông Rumsfeld mới được biết. Dẫn chứng được đưa ra là email của ông John Rizzo (đặc trách pháp lý cho CIA) viết rằng “bên Nhà Trắng nhất định không cho nhiều người biết vì không muốn chuyện này bị lộ ra ngoài”. Trong một email khác, ông Rizzo viết rằng “bên Hội đồng An ninh Quốc gia nói đủ cho chúng tôi hiểu rằng họ không muốn cho Ngoại trưởng Powell biết chuyện” vì Nhà Trắng “lo ngại ông Powell sẽ nổi giận khi biết chuyện này”.
Trước khi công bố bản báo cáo, Thượng nghị sĩ Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Diane Feinstein gọi “những việc CIA đã làm một thập niên trước đây là một vết nhơ cho lịch sử và cho những giá trị cao quý của nước Mỹ”. Trình bày trước diễn đàn Thượng viện, bà Feinstein nói thêm rằng kỹ thuật thẩm vấn tù binh mà CIA thực hiện “kinh hoàng hơn những gì mà (CIA) đã cho người dân biết”, gọi đó là hành động cố ý “cung cấp tin tức sai lạc cho dân chúng”.
Nh.Thạch
tổng hợp
-
Thông cáo báo chí về ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương 11
-
Dự kiến thông qua đề án sáp nhập tỉnh trước ngày 20/6
-
Thủ tướng: Đề nghị phía Hoa Kỳ hoãn áp thuế với Việt Nam ít nhất 45 ngày
-
Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng: Linh hoạt chính sách ứng phó thuế quan đối ứng
-
Thủ tướng Chính phủ phê bình 19 Bộ, cơ quan trung ương, 28 địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công