Tin kinh tế ngày 11/7: Quỹ vắc xin phòng Covid-19 tiếp nhận 8.080 tỷ đồng
Yêu cầu giảm lãi suất ngân hàng trong tháng 7
Nhằm triển khai Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp trực tuyến để bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19.
Tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết thực tế, doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn và theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường không phải nhỏ do sức chống chịu không còn.
“Cho tới thời điểm này, dịch vẫn tiếp tục phức tạp, doanh nghiệp vẫn tiếp tục và ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm. Vì thế, năm 2021 vẫn cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc ngay từ đầu năm và theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng”, ông Tú cho biết.
Do đó ông Tú nhấn mạnh, mọi hoạt động của ngân hàng phải làm sao hài hoà song hành giữa 2 mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, song vẫn đảm bảo an toàn một cách cao nhất cho hệ thống ngân hàng nói chung và cho từng tổ chức tín dung nói riêng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn.
Quỹ vắc xin phòng Covid-19 tiếp nhận 8.080 tỷ đồng
Tính đến 17h ngày 11/7 quỹ đã tiếp nhận được 8.080 tỷ đồng, số tiền đã chuyển vào quỹ kể trên do 425.658 tổ chức, cá nhân tham gia đóng.
![]() |
Tính đến 17h ngày 11/7, Quỹ vắc xin phòng Covid-19 đã tiếp nhận được 8.080 tỷ đồng |
Để bảo đảm minh bạch, công bằng, Ban Quản lý Quỹ vắc xin phòng Covid-19 đã công khai đầy đủ các đơn vị, tổ chức, bao gồm cả những đơn vị đã chuyển tiền hoặc đã cam kết nhưng sẽ chuyển sau. Các đơn vị doanh nghiệp đã chuyển tiền đóng góp đều có xác nhận rõ ràng, thống kê đầy đủ.
Đây là một cơ sở để cơ quan thuế thực hiện tính chi phí được khấu trừ khi xác định thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị định 44/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19
Hiện nay, Ban Quản lý Quỹ vắc xin phòng Covid-19 đã mở 21 tài khoản tiếp nhận cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước và 6 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, Agribank và TPBank.
Việc quản lý, sử dụng quỹ, mở tài khoản tiền gửi Kho bạc Nhà nước được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, số tiền ủng hộ được Kho bạc Nhà nước tổng hợp và thông tin rộng rãi hằng ngày.
Đồng Bitcoin có thể xuống 10.000 USD/đồng
Theo nhà đầu tư nổi tiếng Scott Minerd, không nên mua Bitcoin vào lúc này bởi giá đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới có thể tụt xuống 10.000 USD/đồng.
Trả lời phỏng vấn CNBC, Scott Minerd - Chủ tịch Công ty quản lý tài sản và tư vấn đầu tư toàn cầu Guggenheim Investments - cảnh báo thị trường Bitcoin đang đối mặt rủi ro lớn.
Theo ông, rất có thể giá đồng mã hóa phổ biến nhất thế giới sẽ lao dốc xuống ngưỡng 10.000 USD/đồng. Đối với ông Minerd, không có lý do gì để các nhà đầu tư liều lĩnh chọn mua Bitcoin vào thời điểm này.
“Nhìn lại lịch sử của tiền mã hóa, chúng ta sẽ biết rõ mình đang ở đâu. Bitcoin thật sự đang đối mặt với rủi ro lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc giá trị đồng mã hóa có thể sụt giảm 70-80%, tương đương với việc chạm mốc 10.000-15.000 USD/đồng”, ông Minerd khẳng định.
Hiện tại, Bitcoin đang giao dịch ở mức khoảng 33.000 USD/đồng, thấp hơn 50% so với mức cao kỷ lục gần 64.000 USD/đồng hồi tháng 4.
Giá Bitcoin lao dốc sau khi chính quyền Trung Quốc mở chiến dịch trấn áp tiền mã hóa triệt để. Chính phủ Anh và Mỹ cũng có những động thái hạn chế tiền mã hóa.
Ông Minerd từng nhiều lần dự đoán về giá Bitcoin. Vào tháng 12, ông chia sẻ với Bloomberg rằng giá Bitcoin có thể “chạm tới mốc 400.000 USD/đồng”. Hồi tháng 5, ông Minerd mô tả “tiền mã hóa là Tulipmania”, ý nói đến bong bóng đầu cơ hoa tulip hồi thế kỷ 17.
Doanh nghiệp chế biến, chế tạo hoạt động ổn định trong quý III
Tổng cục Thống kê cho biết, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dự kiến quý III/2021, có 39,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 38,6% doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 22,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn so với quý II/2021.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, sản xuất công nghiệp trong quý II/2021 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 11,45% so với cùng kỳ năm trước.
6 tháng đầu năm 2021, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,42%, đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Hiện, các tập đoàn lớn quan tâm đầu tư tại Việt Nam chủ yếu là trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử. Bên cạnh đó một số năng lực mới tăng bổ sung cho nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021.
Cụ thể, Nhà máy sản xuất hàng may mặc công nghệ cao của Công ty cổ phần May 40 ở Thái Bình với năng lực thiết kết 3 triệu sản phẩm/năm; Công ty TNHH Giày Ngọc Tề ở Hưng Yên với 2 triệu sản phẩm/năm; Khu nhà máy may, sản xuất sợi tại Nam Định với 15 nghìn sản phẩm/ngày; Nhà máy may mặc xuất khẩu Apparel Tech Hà Tĩnh với 100 nghìn sản phẩm/năm; Công ty TNHH Techworld Industries Việt Nam (sản xuất thiết bị điện chiếu sáng) với 958 nghìn sản phẩm/năm…
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,16%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,75%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,61% làm giảm 0,25 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Thép cán, ô tô, linh kiện điện thoại, điện thoại di động, phân hỗn hợp NPK, sữa bột, vải dệt từ sợi nhân tạo...
M.C
-
Tin tức kinh tế ngày 5/4: Standard Chartered nâng dự báo tăng trưởng GDP quý I lên 7,7%
-
Thủ tướng: Tiếp tục giải quyết các quan tâm của phía Hoa Kỳ bằng biện pháp thuế quan và phi thuế quan
-
Ứng phó việc áp thuế mới từ Hoa Kỳ: Bình tĩnh, chủ động, khôn khéo thì sẽ vượt qua thử thách
-
Tổng thống Trump thảo luận về thuế quan với Việt Nam, Ấn Độ, Israel; kỳ vọng về một kết quả tích cực trước thời hạn
-
Hoàn thuế GTGT tăng 8% so với cùng kỳ