Tìm kiếm giải pháp tạo môi trường Internet an toàn trong trường học
Ngày 11/3, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - NIC (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp tổ chức hội thảo “Môi trường Internet an toàn: Giải pháp trong trường học”.
Quyết định 830/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” hướng tới mục tiêu kép là bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, ngăn chặn các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó chú trọng trang bị hệ miễn dịch số cho các em; duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.
Toàn cảnh hội thảo |
Ứng dụng công nghệ thông tin, internet trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã tạo ra những chuyển biến và đổi mới quá trình dạy và học. Việc khai thác và sử dụng mạng internet trong học tập đã giúp các em học sinh có cơ hội tiếp cận được với nguồn tri thức khổng lồ và các phương pháp học mới một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Theo kết quả khảo sát của Google trong năm 2022, ở Việt Nam, độ tuổi trung bình trẻ em sở hữu điện thoại là 9 tuổi, trong khi độ tuổi mà trẻ em được trao đổi an toàn trên mạng là 13 tuổi (các nền tảng mạng xã hội quy định). Do vậy, trong quá trình trẻ em tương tác trên môi trường mạng mà thiếu các kỹ năng về an toàn mạng, có thể dẫn đến nguy cơ rủi ro cao.
Theo các chuyên gia, cùng với các giải pháp công nghệ cần trang bị để quản lý, bảo vệ các hệ thống Internet và tạo ra môi trường hoạt động an toàn, lành mạnh trong nhà trường thì giáo dục ý thức và đồng hành cùng các em khi hoạt động trên môi trường mạng là vô cùng quan trọng.
Các đại biểu chia sẻ hội thảo “Môi trường Internet an toàn: Giải pháp trong trường học” |
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững Nguyễn Phương Linh cho rằng, một khi trẻ em lên mạng thì đã trở thành những công dân số rồi và các em đã phải có những ý thức, kiến thức, trách nhiệm liên quan đến hình ảnh, vai trò và tương tác của mình trên không gian mạng. Chính vì thế nếu như các em vào Internet từ sớm và chưa có những kiến thức, kỹ năng phù hợp, chưa có những chương trình để có thể kích hoạt sự phát triển của các em thì sẽ rất dễ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý cũng như sức khoẻ của các em.
Bà Nguyễn Phương Linh chia sẻ, các em phải được giáo dục, trang bị các kiến thức để trở thành các công dân số chuẩn, có kiến thức, kỹ năng, tư duy phản biện và thấu cảm để bảo vệ bản thân mình trước các rủi ro trên môi trường mạng, vừa tận dụng những lợi thế mà công nghệ mang lại để phát triển toàn diện. Các thầy cô và cha mẹ cần là người đồng hành hướng dẫn trẻ trong tiến trình trưởng thành này bằng sự tôn trọng, hỗ trợ để con trẻ làm chủ cộng nghệ, vừa sẵn sàng đồng hành và tìm giải pháp khi con gặp các vấn đề trên môi trường mạng.
Theo bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch hội đồng trường - Hệ thống trường Phổ thông liên cấp Edison cho rằng: “Lựa chọn và áp dụng như thế nào tuỳ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất và giảng dạy của mỗi trường. Tại Edison, một ngôi trường tiên phong trong đổi mới sáng tạo, đặc biệt chú trọng phát triển công nghệ thông tin trong dạy và học, Internet là một phần không thể thiếu trong giảng dạy và vận hành trường học thì việc đảm bảo không gian mạng an toàn và bảo mật là yếu tố then chốt".
Bà Lê Tuệ Minh cho rằng công thức để có một môi trường không gian mạng an toàn và bảo mật hiệu quả bao gồm: sự quản lý chặt chẽ của đội ngũ quản trị viên, tường lửa (firewalls) và phần mềm kiểm soát nội dung. Đối với học sinh, để trang bị kiến thức và nâng cao ý thức của các em khi sử dụng Internet, nhà trường đã áp dụng nhiều biện pháp giáo dục, mang lại hiệu quả cao như: đưa nội dung an toàn mạng vào môn học công nghệ thông tin, môn kỹ năng sống, ban hành bộ quy định về việc sử dụng mạng xã hội dành cho học sinh, tổ chức các hội thảo về an toàn mạng có sự đồng hành cùng các chuyên gia và cha mẹ học sinh… Đặc biệt, nâng cao nhận thức về sử dụng mạng an toàn chính là cách bảo vệ trẻ hữu hiệu nhất.
Theo ông Tô Hồng Nam - Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT), có bốn giải pháp nhằm đảm bảo an toàn không gian mạng trong các trường học: Các nhà trường xây dựng thể chế, quy tắc sử dụng mạng Internet dựa trên khung quy định của Bộ GD&ĐT; Tăng cường các hoạt động đa dạng để tuyên truyền nâng nhận thức của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về nguy cơ tiềm ẩn trong không gian mạng và hậu quả do nó gây nên; Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các nhà trường, học sinh để tự phòng chống, xử lý hậu quả khi nó xảy ra; và chú trọng hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ và nhận sự hỗ trợ trong việc tìm các giải pháp hiệu quả hơn đảm bảo an toàn không gian mạng.
N.H
“Em an toàn hơn cùng Google” - Sáng kiến bảo vệ trẻ em trên mạng |
Ra mắt Hệ sinh thái tín nhiệm mạng |
-
Cần thúc đẩy nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam
-
Giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư để phát triển giao thông xanh bền vững
-
Chuyên gia khuyến nghị từng bước điều tiết giá điện theo cơ chế thị trường
-
Tiềm năng tiết kiệm điện trong sản xuất công nghiệp còn rất lớn
-
Cấp thiết đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon