Tiểu thương “khóc ròng” vì… nhiều người dân ngừng ăn thịt lợn!

15:00 | 26/03/2019

553 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Khi dịch tả lợn châu Phi chưa lắng xuống thì mới đây thông tin nhiều người bị nhiễm sán dây lợn càng khiến người dân hoang mang… tạm ngừng ăn thịt lợn. Sức mua thịt lợn tại các chợ truyền thống vì thế cũng giảm mạnh mặc dù đây là một trong những loại thực phẩm phổ biến trong bữa cơm gia đình.  
tieu thuong khoc rong vi nhieu nguoi dan ngung an thit lonThừa Thiên - Huế: Tiêu hủy 38 con lợn rừng nhiễm bệnh tả lợn châu Phi
tieu thuong khoc rong vi nhieu nguoi dan ngung an thit lonSức mua lẻ thịt lợn vẫn chưa phục hồi
tieu thuong khoc rong vi nhieu nguoi dan ngung an thit lon81 trẻ Bắc Ninh dương tính với sán lợn, Bộ Y tế cảnh báo phòng bệnh trong cộng đồng

Chị Nguyễn Thị Thanh H., ngụ quận 10, TP HCM cho biết, khoảng 2 tuần nay thực đơn của gia đình chị hoàn toàn không có thịt lợn mà chuyển sang ăn cá, thịt bò, thịt gà. “Mặc dù biết thịt lợn nấu chín sẽ an toàn nhưng vẫn cảm thấy sợ” chị H. chia sẻ.

Chị Ngọc Tiên, kinh doanh thịt lợn tại Chợ Thiếc (quận 11, TP HCM) cho biết, chưa bao giờ việc buôn bán thịt lợn lại ế ẩm như hiện nay. Người đi chợ tấp nập nhưng các hàng thịt lợn rất thưa thớt khách. Mặc dù, bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện trên địa bàn nhưng người dân vẫn lo ngại. Chưa kể nhiều người còn sợ nhiễm sán lợn nên không dám ăn. Do vậy, lượng thịt bán ra ở các cửa hàng giảm mạnh, ước tính khoảng 30 - 50%.

tieu thuong khoc rong vi nhieu nguoi dan ngung an thit lon
Các cửa hàng thịt lợn ở Chợ Thiếc vắng khách

Chủ sạp thịt lợn trên đường Nguyễn Duy Trinh (phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM) phân trần, người tiêu dùng đang e dè với thịt lợn nên sức mức giảm rõ rệt. Trung bình một ngày sạp chị bán 2 con lợn, thậm chí là hơn vì vừa bán lẻ vừa bỏ mối cho các quán ăn. Nhưng 1 tuần nay đã phải giảm lượng hàng xuống khoảng 1 con/ngày. Vậy mà buôn bán cũng rất chậm.

Buôn bán quá ế ẩm, một số tiểu thương phải tạm nghỉ bán. Anh Tú, bán thịt lợn ở khu vực ngoài chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP HCM) cho biết, trước đây mỗi buổi chiều anh nhập về một con lợn để bán và bán hết rất nhanh, nhưng những ngày gần đây ngày nào cũng tồn lượng lớn hàng nên phải tạm nghỉ chờ những thông tin bất lợi lắng xuống, thị trường phục hồi mới bán trở lại.

tieu thuong khoc rong vi nhieu nguoi dan ngung an thit lon
Theo các tiểu thương sức mua thịt lợn trên thị trường đang giảm mạnh

Nhìn chung sức mua mặt hàng thịt lợn trên thị trường đang trầm lắng, tuy nhiên giá cả mặt hàng này vẫn ở mức cao. Đơn cử, thịt lợn đùi dao động từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, ba rọi có giá 120.000 - 130.000 đồng/kg (tùy loại), sườn non 170.000 đồng/kg…

Không chỉ các cửa hàng thịt lợn tươi sống bị tác động trực tiếp, mà các hàng ăn cũng bị ảnh hưởng theo vì nhiều người không ăn thịt lợn. Chị Thu Thảo, bán cháo lòng ở đường Lê Đại Hành, quận 11, TP HCM cho biết, bình thường hàng chị bán rất đông khách, mỗi buổi sáng chị bán cả trăm tô cháo, nhưng mấy ngày gần đây khách thưa thớt dần, giờ chị phải chuyển đổi sang bán bún bò vì tâm lý ngại ăn thịt lợn của người tiêu dùng hiện nay.

Khác với chợ truyền thống, sức mua thịt lợn ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn cao, bởi nhiều người dân chuyển sang mua thịt lợn ở siêu thị để an tâm hơn về nguồn gốc, chất lượng.

Theo Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), hệ thống bán lẻ của đơn vị này gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food trên cả nước không những chưa bị ảnh hưởng mà còn ghi nhận sức mua thịt lợn tăng lên. Mức tiêu thụ thịt lợn trong hệ thống những tuần qua tăng trung bình hơn 20%. Các ngày thông thường tiêu thụ trung bình 45 - 50 tấn thịt lợn/ngày, các ngày cuối tuần tiêu thụ trung bình 60 - 70 tấn/ngày.

tieu thuong khoc rong vi nhieu nguoi dan ngung an thit lon
Nhiều người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn thịt lợn ở siêu thị

Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, ngay khi có thông tin về bệnh dịch, hệ thống đã tăng cường áp dụng các biện pháp kiểm soát nguồn thịt lợn, tăng kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm bất ngờ tại các siêu thị để đảm bảo an toàn khi bán đến tay khách. Nguồn thịt lợn đang bán tại hệ thống chủ yếu nhập hàng trực tiếp từ các đầu mối uy tín hàng đầu Việt Nam như Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy, SagriFood… và hầu hết thịt lợn từ các nguồn này đều đạt chuẩn VietGAP nên người tiêu dùng có thể an tâm.

Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng không nên quá hoang mang mà phải dừng ăn thịt lợn, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh buôn bán của tiểu thương và ảnh hưởng đến người chăn nuôi. Người dân nên chọn mua thịt lợn ở những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đồng thời nên tuân thủ ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh hay các món ăn từ thịt lợn chưa được chế biến kỹ để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Mai Phương