Tiếng lóng làng Đa Chất: Nét đẹp văn hóa đang dần mai một

10:00 | 10/11/2022

574 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Làng Đa Chất (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) từ lâu được biết đến là làng nghề đóng cối tre truyền thống và lưu giữ một thứ ngôn ngữ cổ do chính dân làng sáng tạo, truyền khẩu qua nhiều thế hệ. Thế nhưng, xã hội ngày càng phát triển, thứ ngôn ngữ ấy đang dần chìm vào quên lãng.

Ngôn ngữ cổ độc đáo

Làng Đa Chất trước đây gọi là Tông Chất là ngôi làng cổ cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km về phía nam. Nằm giữa ngã ba sông Lương và sông Nhuệ, làng Đa Chất vốn yên bình như bao làng quê nông thôn miền Bắc khác với cây đa, bến nước, sân đình và cả sự hồn hậu trong mỗi con người thôn quê.

Làng Đa Chất đặc biệt bởi nghề đóng cối tre truyền thống và sở hữu ngôn ngữ đặc biệt chỉ người dân trong làng hiểu với nhau gọi là “Tõi Xưỡn”.

Ngôn ngữ này đã gắn liền với đời sống sinh hoạt của bà con từ xa xưa và được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Ông Nguyễn Văn Sớm, bậc cao niên thành thạo tiếng lóng nhất làng.
Ông Nguyễn Văn Sớm, bậc cao niên thành thạo tiếng lóng nhất làng.

Ông Nguyễn Văn Sớm, 89 tuổi, là người thợ đóng cối tre thông thạo tiếng lóng nhất làng. Thời thanh niên ông từng rong ruổi khắp các vùng miền, chủ yếu là Tây Bắc để đóng cối. Bởi lẽ, rừng Tây Bắc sẵn tre sẵn nứa thuận lợi cho người thợ hành nghề.

Ông Sớm cho biết: “Nghề đóng cối là do tổ tiên để lại, không rõ có từ bao giờ, chỉ biết từ khi có cây lúa nước là có nghề. Từ nhỏ, thế hệ chúng tôi đã theo cha ông đi đóng cối, được cha ông truyền nghề và dạy cho thứ ngôn ngữ độc lạ chỉ người thợ đóng cối biết với nhau”.

Tiếng lóng sinh ra từ nghề đóng cối đã trở thành “mật ngữ” riêng của làng mà chỉ dân làng nghe và hiểu được.

Ông Sớm chia sẻ, đi đóng cối phải đi đường xa, thường sẽ đi 2 người một nhóm trong vòng một đến vài ba tháng và trên đường đi anh em sẽ bảo ban, giúp đỡ lẫn nhau. Nếu thấy kẻ gian định móc túi sẽ nói “đồi ỏn ngáo bái” nghĩa là hãy kiểm tra lại tư trang có kẻ đang móc túi. Nếu thấy có chủ mời vào đóng cối sẽ nói “dươi vào sấn vụ” nghĩa là chủ nhà đang mời vào đóng cối.

Khi đến gặp chủ nhà, 2 người thợ có thể thoải mái trao đổi công việc, phương án thương lượng, bàn nhau trả giá ngay trước mặt chủ nhà mà chủ không hề hay biết.

Trong quá trình đóng cối xay tre, người làng Đa Chất còn có nhiều câu ca dao, tục ngữ gắn liền với nghề rất thú vị như:

"Ăn cơm với cà, thợ ra cối hỏng

Ăn cơm với cá, cối phá không ra".

"Thịt gà chuối xanh cối vừa nhanh vừa chín".

"Thợ cối nước chè, tò te cối chảy

Cối không có rượu, cối liệu cối đi".

(Ám chỉ tuỳ theo ứng xử của từng gia chủ mà người thợ đóng cối có những thái độ tận tâm, tận lực với công việc khác nhau).

"Kêu như sấm

Chảy như sét

Rộng như con ong

Chín như bóc chắt

Nhẵn như kiến bò phải lăn.".

(Những cách kiểm tra cối xay tre khi đóng xong tốt đến mức độ nào).

"Hỡi cô thắt lưng bao xanh

Có về Đa Chất với anh thì về

Đa Chất có cây bồ đề

Có đình tám mái có nghề cối xay".

(Ca dao vừa là lời mời gọi vừa giới thiệu về làng với khách đến thăm).

Tiếng lóng không chỉ xuất hiện trong các từ ngữ liên quan đến nghề đóng cối mà xuất hiện trong những từ ngữ sinh hoạt thường ngày của người dân. Mọi sự vật, hiện tượng đều có từ tương ứng như một hệ thống ngôn ngữ riêng biệt.

Một số tiếng lóng phổ biến hay sử dụng như:

“lõng” - làng; “xấn đìa” - làm ruộng; “xấn tới” - đánh cá; “quần ớt” - chặt tre, bổ củi; “hối ủng” - ăn cơm; “sởn dực” - đi học; “đồ dồ” - thức ăn nhiều, “thít mận” - vào uống nước…

Khi có khách đến chơi nhà, người chồng sẽ nói với vợ: “xì nhát sẩn du tớp sườn tóp đồ dồ” nghĩa là “mẹ nó hãy lấy xe đi chợ mua thức ăn đãi khách”.

Khi nhà có người già ghé thăm, cha mẹ có thể nhắc nhở con cái “dươi xì xuộm” nghĩa là hãy chào cụ già; “gành thít thu” nghĩa là lấy chén uống nước chè để tiếp đón khách.

Tiếng lóng Đa Chất không có bảng chữ cái, không có quy ước phát âm hay cấu tạo ngữ pháp. Trong một số tài liệu về ngôn ngữ Đa Chất sẽ dùng bảng chữ cái tiếng Việt để phiên âm và dịch nghĩa các từ này. Dù không có quy ước chung nhưng người Đa Chất lại có thể nói nhuần nhuyễn ngôn ngữ này dựa theo phương pháp truyền khẩu và áp dụng vào tình huống cụ thể.

Tiếng lóng làng Đa Chất: Nét đẹp văn hóa đang dần mai một
Đình làng Đa Chất.

Không ai biết tiếng lóng Đa Chất đã tồn tại từ bao giờ. Theo lời các cao niên trong làng, đình Đa Chất chính là nơi thờ tự Trung Thành Đại Vương - tướng chỉ huy thuỷ quân thời Vua Hùng, được coi là gốc tích của tiếng lóng. Trong cuộc chiến giữa nhà Thục và vua Hùng, sau khi đánh thắng trận trở về, ngài đã cư trú tại vùng đất này. Nếu xét như vậy, ngôn ngữ này sẽ có niên đại gần 1 nghìn năm.

Đình làng Đa Chất còn được coi là đình anh cả của 172 đền thờ. Hàng năm, vào ngày 12/8 âm lịch, tại sân đình sẽ diễn ra hội làng. Các xã, thôn sẽ tập trung về đây để lễ Thánh và cùng nhau tham gia các hoạt động văn hoá truyền thống.

Bảo tồn và phát huy ngôn ngữ

Theo ông Nguyễn Văn Tuyên, trưởng thôn làng Đa Chất, tiếng lóng làng Đa Chất đang ngày càng mai một dần. Trong khi các thế hệ cao tuổi thông thạo tiếng lóng trong làng đang ngày một già yếu, kém minh mẫn thì thế hệ trẻ lại không mặn mà, tìm tòi học hỏi tiếng cổ nữa.

Tiếng lóng làng Đa Chất: Nét đẹp văn hóa đang dần mai một
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng thôn làng Đa Chất.

Ông Tuyên chia sẻ: “Thế hệ trẻ ngày nay chỉ biết một số từ ngữ thông dụng chứ không thể giao tiếp bằng tiếng lóng như các bác, các ông được”.

Từ năm 2010, máy xay xuất hiện, năng suất cao hơn từ đó thay thế hoàn toàn vị trí của cối xay xưa. Nghề đóng cối cứ như vậy chìm dần vào quên lãng và chỉ xuất hiện trong kí ức của những người thợ già.

“Mất nghề là mất tiếng”, ông Nguyễn Văn Sớm bộc bạch.

Tiếng lóng làng Đa Chất: Nét đẹp văn hóa đang dần mai một
Cuốn sách ghi chép về văn hoá làng Đa Chất và các từ lóng thông dụng.

Tiếng lóng Đa Chất hiện đã được ghi chép lại thành sách với trên 300 từ, cụm từ thông dụng. Số lượng từ này vẫn là quá ít và chỉ có thể sử dụng để giao tiếp cơ bản.

“Do đây là ngôn ngữ truyền khẩu nên việc dạy tiếng lóng cho lớp trẻ cần phải áp dụng vào môi trường, tình huống cụ thể. Hằng ngày các cháu phải được giao tiếp, ứng dụng vào cuộc sống nếu học theo cách học cơ bản 300 từ trong sách thì vẫn chưa đủ và rất nhanh quên”, ông Tuyên nói.

Ông Tuyên cho biết thêm, tiếng lóng từ lâu đã gắn liền với nghề đóng cối tre và trở thành nét văn hoá đặc trưng riêng biệt của làng Đa Chất. Ngoài những cố gắng, nỗ lực của chúng tôi trong việc truyền dạy cho lớp trẻ, rất mong các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện giúp cho làng chúng tôi trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy ngôn ngữ này. Bảo tồn được ngôn ngữ là gìn giữ được một nét đẹp văn hoá của làng Đa Chất nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Minh Đức