Tiền mặt vẫn là "vua" tại Việt Nam

15:29 | 24/09/2020

260 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ông Richard D. McClellan, cố vấn cao cấp về chiến lược kinh doanh và phát triển kinh tế RMAC Advisory, LLC cho hay, tiền mặt vẫn chiếm ưu thế và vẫn là "vua" tại Việt Nam.

Việt Nam hiện đã có 70 tổ chức tín dụng và chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán, như ví điện tử… đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300 nghìn tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động.

Giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng trên 21% so với cùng kỳ 2019. Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng 81,32% về số lượng và tăng 145,32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trong 20 ngày đầu tháng 4/2020, giá trị giao dịch trung bình qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,85% so với cùng kỳ năm trước.

Tiền mặt vẫn là "vua" tại Việt Nam
Thanh toán điện tử đang là xu thế tại Việt Nam.

Tuy nhiên, dù có bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng, tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn cao. Theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hàng ngày sử dụng tiền mặt.

Tại chương trình tập huấn với chủ đề “Thanh toán không dùng tiền mặt: Kinh nghiệm quốc tế và xu hướng phát triển tại Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng nay (24/9), ông Richard D. McClellan, cố vấn cao cấp về chiến lược kinh doanh và phát triển kinh tế RMAC Advisory, LLC cũng đưa ra nhận định, ở Việt Nam, các yếu tố chính như quy định, nhân khẩu, sự thâm nhập của Internet, thương mại điện tử, PSP… đang dần trở nên phù hợp hơn, tuy nhiên, tiền mặt vẫn chiếm ưu thế. "Tiền mặt vẫn là "vua" tại Việt Nam" - ông Richard D. McClellan nói.

Ông Richard D. McClellan cho hay, theo Báo cáo Capgemini về thanh toán toàn cầu 2019, khối lượng giao dịch phi tiền mặt tăng 12% trong khi lượng tiền mặt lưu thông vẫn ổn định. Còn theo Báo cáo FIS World Pay về thanh toán toàn cầu 2020, thương mại điện tử tăng trưởng hai con số trên toàn cầu. Thương mại di động chỉ mới tồn tại 10 năm, nhưng đã chiếm hơn nửa khối lượng giao dịch thương mại điện tử tại nhiều quốc gia. Ví điện tử là xu hướng toàn cầu, ước tính chiếm 52% các phương pháp thanh toán vào năm 2023. Tuy nhiên, các giải pháp chỉ ở tầm địa phương hoặc khu vực. Tại Việt Nam, hiện có 20 giao dịch thanh toán điện tử/người lớn/năm. Tiền mặt vẫn chiếm ưu thế, kể cả cho các giao dịch online.

Nguyên nhân khiến thanh toán tiền mặt vẫn chiếm ưu thế tại Việt Nam, theo ông Richard D. McClellan là do vẫn còn nhiều cá nhân chần chừ trong việc thay thế tiền mặt. Trong khi đó, ví điện tử hiện chỉ dùng cho người có tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, cũng bởi hiện các ngân hàng truyền thống chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Fintech vẫn chưa phát triển về cả kích cỡ và bộ khung pháp lý; chưa triển khai hệ thống thanh toán theo thời gian thực cho tín dụng.

Mặc dù thói quen sử dụng tiền mặt đã ăn sâu vào ý thức người Việt Nam cùng với đó hiện vẫn còn có khá nhiều trở ngại để hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng trưởng song giao dịch phi tiền mặt vẫn tăng mạnh sức thâm nhập thị trường thương mại điện tử và di động.

Theo ông Richard D. McClellan, trên thế giới, ngành công nghiệp TTKDTM đang tăng trưởng nhanh, đồng thời trải qua sự gián đoạn, cải tiến, cạnh tranh, các hình thức hợp tác mới đáng ngạc nhiên và những thay đổi về cơ cấu. Nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn, những thay đổi về quy định và sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kỹ thuật số đang thúc đẩy sự tăng trưởng này, với Fintech, ví điện tử và các giải pháp phi ngân hàng khác, lấp đầy khoảng trống mà các ngân hàng truyền thống để lại.

Cùng với đó, các ngân hàng truyền thống đang cố gắng theo kịp, phát triển nền tảng của riêng họ và tích cực hợp tác hơn với khách hàng và các định chế phi ngân hàng; mục tiêu cuối cùng là định hình hệ sinh thái tài chính tương ứng của riêng họ.

Các thị trường mới nổi đang ở tuyến đầu của những thay đổi này, cả về tăng trưởng và cải cách; điều này là do họ có khả năng (và nhu cầu) vượt qua “hệ thống ngân hàng truyền thống kiên cố” và chuyển thẳng sang việc xác định mô hình mới.

“Trên thế giới, việc chuyển sang giao dịch không dùng tiền mặt rất quan trọng, tái tạo toàn cảnh ngành ngân hàng thông qua cạnh tranh và hợp tác triệt để” - ông Richard D. McClellan nói.

Nhằm đưa ra giải pháp cho vấn đề TTKDTM tại Việt Nam, ông Richard D. McClellan cho hay, cơ hội để gia tốc phát triển kinh tế thông qua nhiều thanh toán hơn, nhanh và rẻ hơn. Từ góc độ Chính phủ cần có lời giải cho việc làm thế nào để thiết kế cấu trúc hạ tầng phù hợp để đảm bảo tính khả dụng và động lực để chuyển sang TTKDTM. Mặt khác, cần thiết lập chính sách phù hợp, cơ chế khuyến mại để hướng dẫn và khuyến khích người bán cũng như người tiêu dùng sử dụng.

Cách tích hợp ngân hàng mở vào các lộ trình tương lai, kết hợp các khuôn khổ được xác định rõ ràng và đủ các biện pháp bảo vệ cho người dùng; cách đảm bảo khả năng tiếp cận các hệ thống thanh toán trung tâm cũng là những vấn đề mà ông Richard D. McClellan nêu ra nhằm tìm giải pháp để có thể đẩy mạnh tăng trưởng thanh toán điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới.

Minh Lê

Bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tửBổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử
Doanh nghiệp “né” thanh toán điện tử vì chi phí caoDoanh nghiệp “né” thanh toán điện tử vì chi phí cao
Cần xử lý nghiêm sàn thương mại điện tử cố tình làm Cần xử lý nghiêm sàn thương mại điện tử cố tình làm "méo mó" thị trường để thúc đẩy thanh toán điện tử