Tiềm lực quân đội Singapore: Nhỏ nhưng tinh nhuệ

04:30 | 27/05/2012

5,577 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong các nước quanh Biển Đông, Singapore được xem là một quốc gia có tiềm lực quân sự rất mạnh nhờ chính sách phòng thủ từ xa và sự đầu tư lớn của quốc đảo này.

Chiến lược phòng thủ từ xa

Quân đội Singapore có nguồn gốc tương đối khiêm tốn là Lực lượng Tình nguyện Định cư Eo biển (SSVF), thành lập năm 1922. Dần dần, SSVF đã đổi tên thành Quân đội Singapore (SAF). Khi Singapore giành độc lập vào năm 1965, quân đội nước này mới chỉ có 2 trung đoàn bộ binh, được chỉ huy bởi các sĩ quan Anh và gồm phần lớn binh lính là người không sống ở đảo quốc.

Singapore tin rằng, nước này cần một lực lượng lớn hơn, tinh nhuệ hơn để tương xứng với các nước xung quanh nên đã bí mật liên hệ nhờ Israel giúp đỡ. Tel-Aviv đã đồng ý gửi cố vấn quân đội tới giúp Singapore thành lập một đạo quân có mô hình dựa theo một phần Lực lượng Phòng vệ Israel. Theo các nhà phân tích quân sự và chiến lược như Tim Huxley, tác giả cuốn “Bảo vệ Đảo quốc sư tử”, Singapore sử dụng học thuyết quân sự phòng thủ từ xa. Ngay chính tuyên bố chính thức do Bộ Quốc phòng Singapore đưa ra cũng luôn mô tả quân đội nước này là “một lực lượng răn đe”. Sức mạnh răn đe sẽ có tác dụng hỗ trợ hoạt động ngoại giao và nếu 2 yếu tố này không đạt được mục đích, quân đội phải có trách nhiệm đảm bảo chiến thắng nhanh và mạnh trước kẻ thù.

Do đất chật, dân số nhỏ, quân đội Singapore đã tập trung vào việc mua sắm trang thiết bị vũ khí hiện đại và phát triển công nghệ cao, coi đó như phương tiện nhân lên sức mạnh. Quan điểm này đã thể hiện rõ trong trang bị và lực lượng của cả 3 nhánh chính trong quân đội Singapore gồm lục quân, không quân và hải quân.

Lục quân cơ giới hóa cao

Lục quân Singapore hiện có khoảng 70.000 người, với 35.000 người là lính nghĩa vụ. Thành phần lục quân Singapore gồm có lực lượng thiết giáp, pháo, kỹ sư chiến đấu, lính đặc nhiệm, quân cảnh, bộ binh, thông tin. Trang thiết bị vũ khí của lục quân Singapore nhìn chung rất hiện đại. Bộ binh nước này sử dụng súng trường tấn công M16S1 sản xuất theo giấy phép của Mỹ hoặc SAR21 do nước này tự nghiên cứu và sản xuất. Họ cũng được sử dụng súng máy đa dụng FN MAG 7,62mm và súng máy hạng nặng CIS 12,7mm sản xuất trong nước.

Singapore coi việc trang bị hiện đại và huấn luyện kỹ cho người lính là phương thức tốt giúp nhân lên sức mạnh của quân đội quy mô nhỏ. Trong ảnh: Một phi công Singapore

Bộ binh Singapore được cơ giới hóa cao, việc chuyển quân có thể diễn ra nhanh nhờ số lượng hơn 900 xe thiết giáp chở quân M113A2 Ultra 40/50 trang bị súng phóng lựu 40mm. Ngoài ra, lục quân Singapore còn trang bị 132 xe tăng Leopard 2A4 với pháo chính 120mm và hơn 700 xe bọc thép vũ trang Bionix AFV. Đây là loại xe do Singapore nghiên cứu chế tạo, được lắp hệ thống pháo M242 Bushmaster (pháo 25mm, tốc độ bắn nhanh 180 viên/phút), Mk44 Bushmaster II (pháo 30m, tốc độ 200 viên/phút) hay hệ thống súng phóng lựu CIS 40 AGL & CIS 50HMG.

Singapore cũng có hơn 135 xe thiết giáp Terrex AV-81 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Chiếc xe này có phần vỏ hình chữ V với thân xe hai lớp, giúp tăng khả năng sống sót và bảo vệ lính ngồi trong xe nếu vấp mìn. Nó có khả năng chiến đấu cả trên bộ lẫn dưới nước. Số lượng pháo của Singapore không nhiều, chỉ khoảng 400 khẩu, nhưng có một số khá hiện đại, như 18 pháo phản lực nhiều nòng HIMARS. Các lực lượng trên được sự giúp đỡ của một bộ phận hỗ trợ hùng hậu, gồm tình báo quân đội, quân y, kỹ sư, công binh, vận tải và đạn dược.

Không quân “thời thượng”

Singapore đã sắm sửa không ít “đồ chơi” thời thượng cho không quân. Xương sống của không quân Singapore là những chiếc F-16 Fighting Falcon Block 52/52+. Những chiếc máy bay này được trang bị tên lửa đối không tầm xa AIM-120C AMRAAM và hệ thống LANTIRN (dẫn đường, bay thấp, bay đêm và dò mục tiêu bằng hồng ngoại), các loại bom dùng laser dẫn đường và bình dầu phụ để tấn công tầm xa.

Khi Singapore tuyên bố ý định ban đầu sẽ mua tới 70 chiếc F-16 vào tháng 11/2004, nước này nói rằng sẽ tặng 7 chiếc F-16A/B đời cũ cho không quân Thái Lan. Đổi lại, Singapore sẽ có thể đưa người tới huấn luyện tại Căn cứ không sự Udon của Thái Lan trong một số ngày nhất định mỗi năm.

Ngoài ra, Singapore còn có trong tay 24 chiếc F-15SG Strike Eagle, trang bị radar quét chủ động APG-63(V)3 do Tập đoàn Raytheon sản xuất. Loại máy bay này có khả năng bắn tên lửa đối không tầm xa AIM-120C, tên lửa tầm ngắn AIM-9X, bom GBU-38 và vũ khí không đối đất AGM-154 JSOW. Nó cũng có kính nhìn đêm phục vụ việc bay đêm và hệ thống kết nối dữ liệu Link 16.

Singapore đã đặt mua tổng cộng 20 chiếc Apache Longbow AH-64D do Mỹ sản xuất, chia làm 2 lô hàng. Sau thời gian thương thảo kéo dài, 8 chiếc đầu tiên, được trang bị radar kiểm soát bắn hiện đại, đã được bàn giao vào tháng 5/2002. Khả năng cảnh báo sớm được không quân bổ sung hồi năm 1987, khi họ mua 2 chiếc E-2C Hawkeye. Nhiệm vụ tuần tra biển được giao cho phi đội 121, trang bị 5 chiếc Fokker 50 MPA, vốn mang theo tên lửa đối hạm AGM-84 Harpoon và ngư lôi.

Do hạn chế về không phận ở Singapore, không quân nước này đã điều hành các máy bay chiến đấu tại nhiều địa điểm khác nhau. Những chiếc F-16C/D Fighting Falcons, máy bay tiếp dầu KC-135R Stratotanker, trực thăng AH-64D Apache và trực thăng CH-47SD Chinook đều được đặt ở Mỹ. Trong khi đó các máy bay Marchetti S-211, PC-21 và trực thăng Super Puma đặt ở Australia. Còn máy bay TA-4SU Super Skyhawk đặt ở Pháp. Có tới 1/3 vũ khí của không quân Singapore đóng ở nước ngoài.

Hồi năm 2003, Singapore cũng đã tham gia chương trình sản xuất máy bay chiến đấu liên hợp F-35 của Mỹ và có thể sẽ nhận chiếc máy bay đời mới này kể từ năm 2015. Cuối cùng phải kể tới một lượng lớn các máy bay không người lái khác nhau, với số lượng hơn 100 chiếc mà Singapore mua từ Israel.

Tàu chiến hiện đại nhất Đông Nam Á

Là đảo quốc, không khó hiểu khi thấy Singapore trang bị rất mạnh cho hải quân. Sức mạnh chủ lực của hải quân nằm ở 6 khu trục hạm tàng hình loại Formidable, một biến thể khác so với khu trục hạm La Fayette của Hải quân Pháp. Các khu trục hạm này được đánh giá là “những tàu nổi chiến đấu hiện đại nhất Đông Nam Á hiện nay”.

Singapore bắt đầu mua chúng từ tháng 3/2000 và tới tháng 5/2007 đã nhận chiếc tàu đầu tiên. Đến tháng 1/2009, họ nhận chiếc tàu cuối cùng. Các tàu Formidable có cấu trúc giảm tín hiệu radar, được trang bị radar đa năng Thales Herakles cực mạnh, với khả năng giám sát 3 chiều trong bán kính tới 250km. Hệ thống radar giúp tàu có thể tìm kiếm các mục tiêu ở cả trên không và trên cạn.

Các tàu chiến loại Formidable của Singapore được đánh giá là thuộc hàng hiện đại nhất Đông Nam Á

Mỗi tàu Formidable được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng DCNS Sylver với 32 ống phóng, có thể bắn tên lửa Harpoon. Tên lửa Harpoon có tầm bắn 117km và sử dụng hệ thống radar dẫn đường chủ động. Nó mang theo đầu đạn nặng 227kg, đủ sức tiêu diệt hầu hết các loại tàu chiến chỉ sau 1-2 phát bắn trúng đích. Khả năng phòng không của tàu được đảm bảo nhờ các tên lửa Aster 15/30, tầm bắn từ 30-120km.

Ngoài ra tàu còn có một cỗ pháo Oto Melara 76mm dùng để phòng thủ mặt biển, ngư lôi EuroTorp A244/S Mod 3 và radar âm dùng diệt tàu ngầm. Chưa kể tới việc mỗi tàu còn có 1 chiếc trực thăng Sikorsky S-70B, trang bị các hệ thống giám sát đại dương, hệ thống radar sóng âm và hệ thống tìm kiếm mục tiêu, bên cạnh các ngư lôi chống ngầm EuroTorp A244/S Mod 3.

Năm 1995, Hải quân Singapore đã mua 4 chiếc tàu ngầm loại Challenger từ Hải quân Thụy Điển, biến chúng thành nền tảng triển khai hoạt động chiến đấu dưới mặt nước đầu tiên của nước này. Tàu loại Challenger có chiều dài 50m, chiều rộng 6,1m, nặng hơn 1.400 tấn, tốc độ 15 hải lý khi nổi và 20 hải lý khi lặn. Kho vũ khí của tàu gồm 4 ống phóng ngư lôi 533mm và 2 ống phóng ngư lôi 400mm. Giới chuyên gia đánh giá các tàu Challenge chỉ là vũ khí tạm thời, được Singapore sử dụng có kinh nghiệm chiến đấu với tàu ngầm, do nhữngcon tàu này đều đã hơn 40 tuổi.

Tháng 11/2005, Hải quân Singapore đã đặt bút ký hợp đồng mua 2 tàu ngầm loại Archer từ Thụy Điển. Tàu Archer được trang bị hệ thống động cơ đẩy sử dụng luồng khí độc lập, giúp nó có thời gian lặn lâu hơn và giảm tiếng ồn tốt hơn, đảm bảo khả năng tàng hình. Hệ thống radar sóng âm hiện đại giúp nó có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách xa, trong khi các ngư lôi đời mới có thể bắt bám mục tiêu một cách chính xác, biến Archer thành các tàu ngầm cực kỳ lợi hại.

Cuối cùng phải kể tới đội tàu hộ tống loại Victory do Đức thiết kế và sản xuất tại Singapore. Loại tàu này dài 60m, rộng 8m, lượng giãn nước chỉ 600 tấn, nhưng tốc độ khá cao, tối đa tới 38 hải lý/giờ. Tàu đã liên tục được nâng cấp và hiện được trang bị 8 tên lửa diệt hạm Harpoon, 16 ống phóng thẳng đứng VLS để bắn các tên lửa đối không IAI/RAFAEL Barak, bên cạnh các ngư lôi diệt tàu ngầm EuroTorp A244/S Mod 1. Tàu cũng có một pháo 76mm Oto Melara và 4 khẩu súng máy CIS 50MG 12.7mm.

Sức mạnh nằm ở người lính

Ngoài trang thiết bị vũ khí, lục quân Singapore còn đầu tư nhiều vào “phần mềm” – chính là những người lính. Dù là một quốc gia phát triển hiện đại, Singapore vẫn triển khai luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc, theo đó mọi công dân Singapore từ 16 tuổi tới 40 tuổi đều phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Ban đầu thời gian thực hiện nghĩa vụ là 3 năm với các sĩ quan và 2 năm với các quân nhân khác, nhưng sau đó thời gian này giảm xuống còn 2 năm, do sự thay đổi của quy mô dân số và yêu câu về nhân lực.

Xe tăng chủ lực Leopard của Lục quân Singapore

Trước khi đi lính, công dân Singapore sẽ phải tham gia khóa kiểm tra thể chất, để xác định tình trạng y tế của họ. Những người đạt loại A và B về sức khỏe sẽ trải qua 9 tuần huấn luyện quân sự cơ bản, trong đó họ được dạy kỹ năng sinh tồn, bảo dưỡng vũ khí và sống trong lán trại trên chiến trường, tập bắn súng với đạn thật và ném lựu đạn, học vượt chướng ngại vật cơ bản và tập thể dục mỗi ngày. Những người có điểm số cao nhất sẽ được tuyển lựa làm sĩ quan hoặc chuyên viên quân sự. Do sự hạn chế về không gian lãnh thổ ở Singapore, một số chương trình và cơ sở huấn luyện của nước này nằm ở nước ngoài.

Để giúp các quân nhân có đủ kinh nghiệm chiến đấu thực tế, các cuộc diễn tập quy mô lớn tới cấp sư đoàn thường được thực hiện vài lần mỗi năm. Điều này khiến các đơn vị chiến đấu trực tiếp có cơ hội trải nghiệm kịch bản của một cuộc chiến toàn diện, quy mô. Một số cuộc tập trận còn có sự tham gia của hải quân và không quân, để khiến binh lính trên bộ quen thuộc với các hoạt động chiến đấu phối hợp.

Quân đội Singapore là một trong những đạo quân sử dụng rất nhiều công nghệ cao. Công nghệ giúp cho nhiều lực lượng khác nhau của họ có thể chiến đấu cùng nhau. Lục quân, không quân và hải quân giờ đã kết nối với nhau thông qua một hệ thống truyền dẫn dữ liệu rất hiện đại, giúp điều phối các hoạt động tấn công và hỗ trợ của nhiều đơn vị khác nhau.

Với lực lượng quân sự mạnh như vậy, có thể thấy Singapore đã thành công trong việc áp dụng chính sách quân sự mang tính răn đe. Nhưng Singapore còn triển khai song song với các hoạt động ngoại giao. Trong nhiều năm, quân đội nước này đã có những mối quan hệ sâu sắc với quân đội nhiều nước. Vài năm gần đây, Singapore còn tăng cường các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, chống cướp biển và cứu trợ nhân đạo, vốn vừa giúp phô trương sức mạnh và thanh thế, lại giúp tăng cường rất tốt hình ảnh đẹp về quốc đảo này.

Tường Linh (Tổng hợp)

Năng lượng mới số 123, ra thứ 6 ngày 25/5