Thực phẩm an toàn cần minh bạch

07:20 | 15/12/2018

624 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế 2018 diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) - đã kiến nghị cần thành lập một cơ quan kiểm nghiệm thực phẩm độc lập. Vậy, động thái này sẽ tác động như thế nào tới “nội lực” của nông nghiệp Việt? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hồng Minh về vấn đề này.  

PV: Bà có thể cho biết vài nét về AFT?

thuc pham an toan can minh bach
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh: Đây là hiệp hội mới được thành lập nhằm kết nối những nhà sản xuất và thương mại nông sản, thực phẩm theo các chuẩn mực an toàn vệ sinh và hữu cơ. AFT hoạt động theo phương châm sẵn sàng minh bạch thông tin để xây dựng niềm tin, từ đó xây dựng một thị trường thực phẩm lành mạnh, an toàn, trước vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay. Khẩu hiệu của AFT là: “Thực phẩm an toàn cần minh bạch”.

PV: Vì sao bà đề xuất thành lập cơ quan kiểm nghiệm thực phẩm độc lập?

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh: Ai cũng thấy rõ an toàn thực phẩm đang là vấn đề “nóng”, gây bức xúc hiện nay ở nước ta, nhất là với hàng nông sản. Theo tôi, đây là vấn đề lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam hiện tại. Là một người trong ngành, tôi hiểu rất rõ vấn đề này và chỉ đơn cử một ví dụ của Công ty Xuất khẩu thực phẩm Á Châu, chuyên xuất khẩu sản phẩm chế biến giá trị gia tăng cao. Công ty Á Châu đã điêu đứng và thiệt hại không ít tiền vì hàng nông sản xuất khẩu không bảo đảm an toàn thực phẩm. Công ty Á Châu đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua rau, củ, quả tại các siêu thị, kể cả của những doanh nghiệp có giấy chứng nhận VietGAP để xuất khẩu. Nhưng trong 2 năm trời, 100% mẫu kiểm nghiệm các chủng loại nông sản này đều có dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép và phía nước bạn hủy đơn hàng nhập khẩu trị giá tới 5 tỉ đồng.

Điều đáng nói, mẫu hàng nông sản đã được Công ty Á Châu thực hiện kiểm nghiệm trong nước tại một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Đáng ra kết quả ở doanh nghiệp trong nước phải trùng hợp với cơ quan kiểm nghiệm quốc tế, nơi mà nước bạn kiểm nghiệm mẫu của Công ty Á châu, hoặc sai số rất ít. Nhưng, một bên dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép, một bên vẫn trong chỉ số an toàn. Kết cục, doanh nghiệp xuất khẩu thiệt hại lớn.

PV: Là người trong ngành, bà có thể cho biết, có nhiều doanh nghiệp gặp rủi ro như Á Châu không?

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh: Không ít doanh nghiệp gặp phải rủi ro như Á Châu. Bởi sau khi thiệt hại như vậy, họ đã đến AFT để cầu cứu, khẩn thiết đề nghị làm thế nào tìm được nguồn nông sản sạch để thu mua, xuất khẩu. Nhưng tiếc thay, thực tế rất... khó làm được vậy. Sản xuất nông nghiệp ở nước ta đang lệ thuộc quá nhiều vào phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, phụ gia, hương liệu… đến mức không kiểm soát được.

thuc pham an toan can minh bach
Sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu

PV: Theo bà, sự lệ thuộc quá nhiều đó nhằm mục đích gì?

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh: Theo tôi, chỉ có một nguyên nhân duy nhất là trục lợi.

PV: Đó là lý do bà đề nghị với Chính phủ về việc phải thành lập một cơ quan kiểm nghiệm thực phẩm độc lập?

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh: Đúng vậy. Vì tôi cũng từng làm việc tại một cơ quan kiểm nghiệm và tôi biết, kết quả kiểm nghiệm không phải lúc nào cũng như thực tế. Việc phải thành lập một cơ quan kiểm nghiệm thực phẩm độc lập, bên cạnh bảo đảm chỉ số khách quan, còn bảo đảm cho doanh nghiệp, cho cả một nền nông nghiệp và quan trọng hơn hết là bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, dù họ ở đâu.

PV: Thưa bà, hàng nông sản không bảo đảm an toàn ảnh hưởng như thế nào tới sản xuất nông nghiệp nói chung, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do?

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh: Các hiệp định thương mại tự do là cơ hội tốt để mở rộng thị trường. Nhưng để bước qua những cánh cửa đã mở rộng, mỗi ngành hàng, mỗi cộng đồng sản xuất sản phẩm cần phải có nội lực. Tôi xin nhấn mạnh, nội lực này là của một ngành hàng, một cộng đồng cùng sản xuất một sản phẩm chứ không phải chỉ dựa trên thực lực của một vài doanh nghiệp hay nhà đầu tư. Đó là nội lực có khả năng tự sinh để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, chủ động về sản lượng và chất lượng, hiện đại hóa và đổi mới, chủ động trong cân đối cung cầu, trước các biến động chính trị - kinh tế, có đủ năng lực để thực hiện các hoạt động: Xây dựng thương hiệu, nghiên cứu và phát triển thị trường, marketing sản phẩm…

Thế nhưng, mặc dù xuất khẩu nông nghiệp luôn tăng trưởng, năm nay kim ngạch có khả năng đạt 40 tỉ USD, song chất lượng hàng nông sản của nước ta đang góp phần làm cho ngành nông nghiệp mất dần đi thế mạnh. Chưa kể đến nhiều ngành sản xuất không có khả năng tự điều chỉnh, dễ bị vỡ trước biến động cung cầu của thị trường. Nông dân phần lớn đang sản xuất theo mô hình “copy”, không có một định hướng nào về thị trường, mạnh ai người nấy làm, thiếu liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp… Vì vậy, theo tôi, nội lực nông nghiệp của Việt Nam chưa mạnh, rất khó được hưởng những ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do.

PV: Vậy phải làm như thế nào để có thể nâng cao nội lực của nông nghiệp cũng như giải quyết được vấn đề an toàn thực phẩm của hàng nông sản?

Bà Nguyễn Thị hồng Minh: Theo tôi, có 4 giải pháp cần phải thực hiện.

Thứ nhất, hiện nay chúng ta vẫn còn đang loay hoay trong quản lý an toàn thực phẩm. Rõ ràng, tổ chức hệ thống kiểm soát và cách tiếp cận chưa đúng, chưa hiệu quả. Tốt nhất là hãy học tập cách thức tổ chức quản lý an toàn thực phẩm của các nước khác và quyết tâm thay đổi. Ngay lúc này, để có đánh giá đúng đắn về tình trạng an toàn thực phẩm, Chính phủ có thể bỏ ra một khoản kinh phí thuê một tổ chức độc lập lấy mẫu các loại nông sản thực phẩm bán trên thị trường đưa đến kiểm nghiệm tại những phòng thí nghiệm độc lập để có kết quả khách quan, chính xác. Bởi phải bảo đảm được an toàn thực phẩm thì nông sản mới tiêu thụ và xuất khẩu tốt được. Đó là yêu cầu tối thiểu. Tôi nhấn mạnh, trách nhiệm xã hội, đánh bắt có trách nhiệm, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng… là những tiêu chuẩn còn cao hơn cả an toàn thực phẩm.

Thứ hai, Chính phủ cần nhất quán về vai trò, vị trí và trách nhiệm của các hiệp hội ngành hàng nông nghiệp theo cách tiếp cận mới. Các hiệp hội không chỉ dừng ở việc phản biện, đề xuất chính sách, kết nối doanh nghiệp một cách chung chung như hiện nay, mà phải có trách nhiệm phát triển ngành sản xuất cả về chất và lượng, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, cân đối cung cầu trên thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và phát triển thị trường.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách tín dụng có mục tiêu, hỗ trợ những hộ sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu.

Thứ tư, Chính phủ cần tiếp tục phát triển các mô hình mới của nông dân được các tổ chức nước ngoài hỗ trợ như: Tôm sinh thái Cà Mau được tổ chức SIPPO Thụy Sỹ tài trợ; nông dân trồng cà phê Khe Sanh, Quảng Trị sử dụng app để quản lý trang trại do World Vision tài trợ… Tất cả đều rất hiệu quả.

PV: Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Sản xuất nông nghiệp ở nước ta đang lệ thuộc quá nhiều vào phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, phụ gia, hương liệu… đến mức không kiểm soát được. Nguyên nhân duy nhất là trục lợi.

Tú Anh

thuc pham an toan can minh bachThực phẩm an toàn - Quản chặt từ gốc
thuc pham an toan can minh bachXây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn: Quá khó!
thuc pham an toan can minh bachThực phẩm an toàn sẽ được trợ giá
thuc pham an toan can minh bachCách lựa chọn thực phẩm an toàn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc