Thực phẩm an toàn - Quản chặt từ gốc

20:31 | 05/08/2017

970 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thực phẩm là nhu cầu thiết yếu trong đời sống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, giống nòi. Do đó, bảo đảm an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng được chính quyền và người dân quan tâm.  Báo Năng lượng Mới chia sẻ nhận định của một số chuyên gia, nhà quản lý, đại diện hội ngành nghề về các giải pháp khả thi quản lý sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, để cộng đồng được hưởng thụ nguồn thực phẩm an toàn.
thuc pham an toan quan chat tu goc

TS.BS Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP HCM: Quản lý hóa chất phụ gia dùng trong thực phẩm như quản lý thuốc chữa bệnh

Sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm là những khâu được kết nối với nhau thành chuỗi rất đa dạng và phức tạp “từ nông trại đến bàn ăn”. Bất kỳ một khâu nào trong chuỗi không an toàn thì sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng cũng sẽ không bảo đảm an toàn. Bằng chứng là nếu thủy sản đầu vào đã bị nhiễm hóa chất độc hại, nhiễm kháng sinh; lợn, gà được nuôi bằng chất tăng trọng hay rau, củ, quả đã bị nhiễm thuốc trừ sâu, kim loại nặng thì dù có chế biến bằng quy trình chuẩn, sản phẩm đầu ra vẫn chứa các chất độc hại, không an toàn cho sức khỏe của người dân.

Vì vậy, kiểm soát chặt chẽ khâu đầu vào có vai trò cực kỳ quan trọng để có được thực phẩm đầu ra an toàn.

Vừa qua, chúng ta phát hiện rau muống ngâm hóa chất tạo màu, người tiêu dùng hoang mang, người trồng rau muống điêu đứng, nhưng rồi cũng không xử lý được đến nơi đến chốn vì không truy xuất được rau mua từ đâu? Cơ sở trồng rau có đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) không? Hóa chất mua từ đâu?... Do đó, cần kiên quyết xử lý nghiêm bất cứ cửa hàng kinh doanh thực phẩm nào không chứng minh được nguồn gốc thực phẩm, để từ đó người bán phải chủ động tìm nguồn hàng có xuất xứ rõ ràng.

thuc pham an toan quan chat tu goc
Ngâm tẩm hóa chất biến thịt heo thành thịt bò

Trước đây, khi nói về vi phạm ATTP là nói đến thực phẩm kém vệ sinh, bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh, gây ngộ độc cấp tính. Nhưng hiện nay, bức xúc lớn nhất của người dân không còn là vấn đề “vệ sinh” nữa mà là vấn đề “an toàn” do thực phẩm có những chất độc hại mà người dân hầu như không có khả năng nhận biết để quyết định lựa chọn. Chất độc hại này có thể từ trong đất, nước, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng, đặc biệt là hóa chất phụ gia đang được sử dụng rất phổ biến trong các khâu của chuỗi thực phẩm nhưng hầu như lại đang ở ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Do đó, bảo đảm ATTP hiện nay chủ yếu là phải tìm cách kiểm soát được việc sử dụng hóa chất phụ gia trong thực phẩm. Vì hóa chất phụ gia dù chỉ sử dụng hàm lượng thấp nhưng sự độc hại lại rất lớn.

Hiện nay, các quy định về quản lý hóa chất phụ gia dùng trong thực phẩm đã có nhiều nhưng thiếu một điều: Chưa xác định hóa chất phụ gia dùng trong thực phẩm là một mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nghĩa là phải có các quy định khắt khe như kinh doanh thuốc chữa bệnh, để quản lý chặt chẽ. Chúng ta hiện chỉ quản lý bằng “vận động” chứ chưa quy định hóa chất phụ gia thực phẩm phải kinh doanh riêng với hóa chất công nghiệp. Vì vậy, khi có vấn đề xảy ra thì không thể xử lý được vì người bán không vi phạm pháp luật, họ cũng không cần phải biết người mua về sử dụng cho mục đích gì và sử dụng như thế nào.

thuc pham an toan quan chat tu goc

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM: Hướng dẫn sử dụng hóa chất dùng trong thực phẩm đúng cách, đúng liều lượng

Qua khảo sát của Hội với một số cơ sở kinh doanh thức ăn sáng như bún, phở, hủ tíu… tại TP HCM cho thấy, 80% các cơ sở nhỏ lẻ có sử dụng hóa chất làm mềm để ninh nấu các loại thịt, xương. Các hóa chất này đều được mua tự do ở chợ Kim Biên và không có sự hướng dẫn.

Do đó, chúng tôi kiến nghị, các chợ buôn bán hóa chất thực phẩm phải có hướng dẫn sử dụng hóa chất để bảo đảm ATTP khi sử dụng, tạo ý thức cho người tiêu dùng trong việc sử dụng hóa chất thực phẩm đúng cách, đúng liều lượng.

thuc pham an toan quan chat tu goc

PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM: Quyết liệt xử lý buôn bán nhập nhằng giữa phụ gia công nghiệp và phụ gia thực phẩm

Việc mỗi người buôn bán nhỏ lẻ tự phát đi tìm các phụ gia, đặc biệt là phụ gia công nghiệp để dùng trong chế biến thực phẩm vì rẻ và đem lại hiệu quả tức thì, màu sắc đẹp đẽ theo ý muốn, giúp thực phẩm dai hơn, giòn hơn, ngon hơn là vấn đề đã tồn tại từ rất lâu.

Trong thời gian tới, chúng tôi đặt ra mục tiêu là phải xử lý quyết liệt vấn đề này, trước hết là giải quyết buôn bán nhập nhằng giữa phụ gia công nghiệp và phụ gia thực phẩm.

thuc pham an toan quan chat tu goc

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP HCM: Phải truy xuất nguồn gốc tất cả hàng hóa từ sản xuất, qua trung gian, đến phân phối:

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ về quản lý ATTP, chúng tôi thấy còn nhiều vấn đề bất cập mà nếu không có sự thống nhất trong quản lý chung thì rất khó. Vì quản lý ATTP hiện phân ra làm 3 mảng thuộc 3 Bộ quản lý là: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế và Công Thương nên có sự chồng chéo, thiếu phối hợp, ví dụ như: 1 cái bánh bao, thịt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tinh bột do Công Thương, phụ gia thực phẩm do Bộ Y tế quản lý.

VISSAN là một trong những doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chế biến lớn và có thương hiệu, nhưng vừa qua đã xảy ra vụ việc nhập 40 con lợn có chất tạo nạc. Các cơ quan chức năng cùng vào cuộc, trong đó có cả công an, nhưng cũng không truy ra đơn vị, cá nhân nào đã cung cấp những con lợn có chất tạo nạc này.

thuc pham an toan quan chat tu goc
Khó truy xuất nguồn gốc rau, củ bán ở các chợ

Vấn đề là từ sản xuất đến phân phối qua rất nhiều khâu, trong đó đặc biệt là khâu trung gian, họ là những người không đăng ký kinh doanh, không phải chịu trách nhiệm với bất cứ vấn đề gì. Và khi qua trung gian, hàng xấu, hàng tốt bị trộn lẫn, dẫn tới việc những người làm tốt, nghiêm túc, đầu tư bài bản, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, có chi phí cao cũng bị đánh đồng với những người làm ăn cẩu thả nên không khuyến khích được người sản xuất làm tốt.

Do đó, giải pháp đưa ra là phải thực hiện việc truy xuất nguồn gốc tất cả hàng hóa từ khi sản xuất, qua các khâu trung gian, phân phối, đến người tiêu dùng cuối cùng, để khi phát hiện vi phạm có thể truy được trách nhiệm của từng khâu, lúc đó công tác xử lý đơn giản, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, phần lớn hàng hóa được tập trung ở các chợ đầu mối sau đó đưa đi các nơi để tiêu thụ, do đó cần đưa ra quy định những hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ thì không được vào chợ và những nhà cung cấp nào khi bị phát hiện có vi phạm cũng bị cấm vào chợ… Phải có những chế tài cứng rắn và nghiêm thì mới đủ tính răn đe và nâng cao trách nhiệm từ nhà sản xuất đến nhà phân phối.

thuc pham an toan quan chat tu goc

Bà Nguyễn Thị Nhã Trúc - Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM: Phát triển và nhân rộng chuỗi cung cấp sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn

ATTP hiện nay còn nhiều tồn tại. Các cơ quan chức năng liên tục phát hiện những vi phạm như: Chất Auramine O (vàng) trong măng, thịt lợn chứa chất tạo nạc, phẩm màu trong ruốc, chất bảo quản, phụ gia không được phép dùng trong bảo quản, sơ chế, chế biển thực phẩm… đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng.

Hiện nay, chỉ có sản phẩm động vật là có giấy chứng nhận kiểm dịch, còn các mặt hàng rau, củ, quả, thủy sản không có giấy chứng nhận theo lô hàng. Do đó, các cơ quan quản lý gặp khó khăn trong giám sát, quản lý và truy xuất nguồn gốc khi có sự cố về ATTP, đặc biệt là sản phẩm nông, thủy sản.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý ATTP giai đoạn 2011-2016, các cơ quan chức năng đã kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm, nhưng chỉ xử lý 136.545 cơ sở, chiếm 20% tổng số các cơ sở vi phạm.

Để quản lý ATTP từ gốc, cần có sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm. Nông sản, thực phẩm sau khi thu hoạch, cơ quan quản lý địa phương cần phải kiểm tra, kiểm soát chất lượng và cấp giấy xác nhận an toàn kèm theo lô hàng; đồng thời yêu cầu các thương lái thu gom ghi chép các thông tin cơ bản của sản phẩm (nơi sản xuất, chủng loại, số lượng) và không trộn lẫn sản phẩm cùng loại của cơ sở này với cơ sở khác để bảo đảm cho việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Các tỉnh, thành phố cần phát triển và nhân rộng chuỗi cung cấp sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn cả về số lượng và chủng loại để đáp ứng yêu cầu của người dân; tổ chức kết nối, tăng cường đưa sản phẩm an toàn vào hệ thống phân phối như: chợ đầu mối, kênh phân phối hiện đại, bếp ăn tập thể… để nhiều người dân có thể tiếp cận được với nguồn thực phẩm an toàn.

thuc pham an toan quan chat tu goc

Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM: Thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, không nghiêm, chưa công khai

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã đẩy đủ để quản lý ATTP. Tuy nhiên số lượng văn bản còn quá nhiều và chồng chéo do các ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cùng ban hành văn bản quản lý đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý gây khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương mặc dù tổ chức thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, không nghiêm, chưa công khai, vẫn còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan.

thuc pham an toan quan chat tu goc
Hóa chất bày bán tại chợ Kim Biên, TP HCM

Tại Singapore, Chính phủ ban hành khung pháp lý và các quy định chặt chẽ về ATTP, liên tục duy trì việc cung cấp thông tin ATTP cho người dân và nhanh chóng xử lý các trường hợp vi phạm.

Tại Thái Lan, Chính phủ thường xuyên thực hiện chương trình quảng bá ATTP và đề ra chiến lược “Từ đồng ruộng đến bàn ăn”.

Tại Hàn Quốc, Luật Vệ sinh thực phẩm được ban hành lần đầu tiên vào năm 1986 và liên tục sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung 12 lần để có được hệ thống chính sách hoàn thiện như hiện nay.

Nhật Bản là một trong những quốc gia kiểm soát chặt chẽ về ATTP và được định chế bởi khung pháp lý như Luật ATTP, Luật Chống gây nhiễm và kiểm soát các loại dịch bệnh, Luật Thương mại… chỉ cho phép nhập khẩu những thực phẩm bảo đảm ATTP.

Các nước EU có hệ thống RASFF cảnh báo nhanh đối với thực phẩm…

Ở Việt Nam, năm 2010, Luật ATTP được ban hành, sau đó các nghị định, thông tư hướng dẫn cũng đã được ban hành để đáp ứng yêu cầu quản lý.

Mai Phương