Thực hành tiết kiệm khó quá!

07:15 | 21/04/2016

1,084 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ông cha ta xưa có câu “Buôn tàu, bán bè không bằng ăn dè, hà tiện”, ý nói rằng, buôn lớn như buôn bán trên tàu, trên bè ngày xưa cũng không bằng biết tiết kiệm trong chi tiêu. Cái gì cần thì tiêu, cái gì không cần thì nhất định không bỏ tiền ra tiêu.

Ở các nước, người ta cũng thi hành tiết kiệm khá gắt gao. Công chức thu nhập lương hằng tháng thường dành ra một phần để tiết kiệm. Không những họ tiết kiệm cho mình mà còn lo cho các con, mỗi người một sổ tiết kiệm để đến khi con cái trưởng thành (18 tuổi trở lên) thì họ giao sổ tiết kiệm đó cho các con họ, rồi đến lượt các con họ lại dành tiền tiết kiệm vào cuốn sổ đó để khi cần mua xe ôtô hoặc mua nhà thì đem ra dùng.

Ở Nhật Bản, mọi công chức thường tiết kiệm tới gần một nửa số lương hằng tháng cho vào sổ tiết kiệm để mỗi năm đi du lịch quanh thế giới một lần hoặc để mua xắm xe cộ, nhà cửa, các thiết bị hiện đại. Người Trung Quốc cả ở lục địa cũng như ở Đài Loan, họ hết sức tiết kiệm để hằng năm cả gia đình có thể làm một chuyến du lịch dài ngày tới các nước lân cận hoặc tới khám phá các châu lục khác.

thuc hanh tiet kiem kho qua

Ở nước ta, việc tiết kiệm cũng được đặt ra thường xuyên từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Bác Hồ đã nhiều lần kêu gọi toàn dân “Cần, kiệm, liêm, chính…”, Bác coi tiết kiệm là rất quan trọng, đứng thứ hai sau cần cù sản xuất, kinh doanh. Nhiều lần Bác nhấn mạnh, tiết kiệm là quốc sách, tiết kiệm là kiến quốc. Hồi cách mạng mới thành công, Bác tổ chức diệt giặc đói bằng hũ gạo tiết kiệm hằng ngày. Việc làm gương của Bác đã dấy lên phong trào hũ gạo tiết kiệm mà sau này trong kháng chiến, phát triển thành hũ gạo nuôi quân. Làm theo lời kêu gọi của Bác, nhiều phong trào thi đua tiết kiệm xây dựng đất nước đã diễn ra sôi nổi trong cả nước và đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong những năm còn khó khăn, gạo không đủ ăn, vải không đủ mặc.

Từ ngày đổi mới đến nay, chúng ta làm ra nhiều của cải xã hội, chúng ta từ một nước nghèo tiến lên một nước có thu nhập trung bình, từ một nước phải nhập khẩu lương thực thành một nước xuất khẩu lương thực nhất nhì thế giới, cùng với nhiều mặt hàng xuất khẩu khác nữa, nền kinh tế của chúng ta khởi sắc đi lên hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ người nghèo và cận nghèo ở nước ta vẫn còn rất cao (khoảng 20% số dân), bộ phận dân cư này đang còn gặp nhiều khó khăn hằng ngày về đời sống vật chất và tinh thần. Họ còn phải lo ăn hằng ngày, con cái chưa được học hành tới nơi tới chốn. Cơm áo, gạo tiền, nhà cửa đối với họ vẫn còn là chuyện phải chật vật tính toán.

Trong khi đó, tại các cơ quan Nhà nước, các vùng đô thị, vùng ven thành phố và vùng sản xuất công nông nghiệp trong cả nước, tình trạng lãng phí của cải diễn ra ở nhiều nơi. Nhiều dự án treo hàng chục năm trời, gây lãng phí của cải, đất đai, tài nguyên; nhiều dự án chi phí quá tốn kém do điều hành sai, do tham nhũng, do không tiết kiệm gây ra. Nhìn chung cả nước, số tiền lãng phí lớn gấp nhiều lần số tiền thất thoát vì tham nhũng, hối lộ. Vừa qua, có một vài đại biểu Quốc hội nói rằng, nếu chúng ta chú ý tới vấn đề tiết kiệm các khoản chi công hoặc đầu tư công thì chúng ta có thể nâng lương cho cán bộ, công nhân, viên chức lên tới nhiều lần mức lương hiện đang hưởng.

Cán bộ, công chức ngày nay có một bộ phận sống quá mức lương của mình, thậm chí họ còn đi vay ngân hàng để đua nhau mua xe hơi, mua biệt thự sang trọng, vậy có phải là sống tiết kiệm không? Tuy thu nhập còn thấp, vậy mà công chức cả nam lẫn nữ gần như người nào cũng dùng Iphone, Ipad hoặc những điện thoại thông minh trị giá cả chục triệu đồng. Nữ công chức ngày nay hầu như ai cũng đi xe tay ga chứ không thích xuống đi xe số nữa. Một bộ phận lớn nam công chức ngày nay mắc bệnh nhậu nhẹt vào các buổi chiều muộn tại các quán bia hơi, “dzô lên dzô” chán chê mới chịu về nhà với cái bụng đầy bia, rượu.

Đúng là không tiết kiệm đã gây ra lãng phí rất nhiều của cải, tài nguyên. Kẻ tham nhũng thì phải có chức, có quyền. Mà không phải ai có chức, có quyền cũng tham nhũng. Kẻ tham nhũng chỉ là con số nhỏ. Chúng thừa biết hành động tham nhũng của chúng có thể bị phát hiện và bị tố cáo, có thể ngồi tù. Nhưng thực ra số tiền bị tham nhũng cũng không phải là lớn so với lãng phí của công, không tiết kiệm công quỹ.

Ngày nay nhìn vào đâu ta cũng thấy lãng phí, không tiết kiệm. Việc mua sắm hàng ngàn chiếc xe công đã gây lãng phí hàng chục ngàn tỉ đồng của công quỹ và nhân dân. Việc cứ thay thủ trưởng là thay xe mới, mà mỗi xe mới đều tiền tỉ cả chứ đâu phải ít. Việc xây các trụ sở mới của chính quyền các cấp quá hoành tráng là không tiết kiệm. Nạn “cái gì cũng phải nhất Đông Nam Á” khiến không tiết kiệm trong xây dựng nhiều công trình công cộng.

Trên đất nước này có hàng nghìn chợ xây mới nhưng không có người tới họp, có hàng vạn nhà văn hóa thôn, xã xây xong khóa cửa bỏ đấy cả năm mới sinh hoạt một vài lần. Việc để cho nhiều dự án kéo dài hàng chục năm, như dự án các đường vành đai 1, 2 ở Hà Nội suốt mấy chục năm qua đã làm lãng phí bao nhiêu công của. Việc lấy một phần đất lúa để làm sân golf đã gây tổn hại biết bao nhiêu tài nguyên, đất đai, đẩy người nông dân vào thế không còn đất để sản xuất. Việc xây sân golf bừa bãi, xây lấy được cũng là một sự lãng phí lớn. Nước Pháp giàu sang như thế mà chỉ có hơn 40 sân golf, còn nước ta dân còn nghèo và cận nghèo như vậy, đời sống còn nhiều khó khăn như vậy, mà xây tới 144 sân golf!

Cách đây mươi năm, tỉnh nào cũng xây nhà máy xi măng lò đứng, tỉnh nào cũng xây nhà máy bia, nhà máy đường, trường đại học… Bây giờ phần lớn các nhà máy đó đều bỏ xó hoặc đóng cửa, lãng phí biết bao nhiêu tiền bạc của dân? Hơn 100 tổng công ty và tập đoàn kinh tế lớn chỉ có vài chục tổng công ty và tập đoàn làm ăn có lãi, số còn lại thì lỗ to, vậy mà chúng vẫn được tồn tại, vẫn kinh doanh ra ngoài ngành của mình với số vốn trên dưới 30% tổng tài sản, như vậy chẳng phải là một lãng phí lớn hay sao?

Chúng ta còn có thể kể ra nhiều dạng, nhiều kiểu lãng phí của công như vậy. Mong sao Quốc hội sắp tới và Chính phủ siết chặt kiểm soát, kiên quyết mạnh tay với những lãng phí lớn đó và có biện pháp tiết kiệm gắt gao việc chi tiêu công để hạn chế nạn thiếu hụt ngân sách, nạn nợ công tăng cao, để đồng tiền bỏ ra phải có ích lợi cho dân, cho nước, công trình xây xong phải phát huy tác dụng của nó.

Việc tiết kiệm, chống lãng phí này không chỉ là việc cần làm trong thời gian kinh tế khó khăn mà phải làm thường xuyên, làm quyết liệt, làm vào bất kỳ thời gian nào để bảo vệ của công, bảo vệ tài nguyên cho đất nước, góp phần xây dựng đất nước ta sớm giàu mạnh, dân ta sớm được hưởng cuộc sống trung bình cao, khá giả, con cháu chúng ta có điều kiện tốt để học hành tới nơi, tới chốn như mong muốn của Bác Hồ trước lúc đi xa.

Nguyễn Kim

Năng lượng Mới số 515