Thư viện của phố phường

11:25 | 12/06/2017

903 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày nay với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, với muôn vàn các đầu sách điện tử, hay ngay cả sách giấy cũng có quá nhiều thể loại khiến cho người đọc trở nên khó xác định rõ mình cần đọc những gì, nhất là các bạn trẻ, trước sự đổ bộ nhiều thể loại sách khác nhau. Nhưng vẫn còn nhiều điểm sáng khiến văn hóa đọc dần trở lại với giá trị vốn có của nó.

Tủ sách bờ tường

Sáng nào cũng vậy người dân ở phố Đặng Tiến Đông đã quen thuộc với hình ảnh bà Phạm Thị Huyền Dung, dù ngày nắng cũng như ngày mưa vẫn dựng ô, bày những quyển sách báo cũ có, mới có lên kệ sách với dòng chữ: “Kính mời nhân dân đọc sách, báo miễn phí”.

Trước đây, bà Dung là cán bộ giảng dạy môn Triết tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Sau ngày được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng thì bà được tặng một tờ báo nhân dân mỗi ngày. Từ đó bà đã rất say mê khi đọc từng bài báo, mẩu tin. Bà nghĩ để làm nên được những bài báo, tin tức là sản phẩm của rất nhiều người. Bà trân trọng nó và muốn chia sẻ cùng với nhiều người, bởi nếu chỉ một mình bà đọc xong rồi bỏ đi thì thực sự rất lãng phí. Nghĩ vậy, bà liền tập hợp những tờ báo được tặng ấy, thu thập thêm nhiều sách báo khác nữa để bày ở khu vực giáp bờ tường khuôn viên gò Đống Đa cho mọi người sáng sớm đi tập thể dục và buổi chiều đi dạo đọc và nghỉ ngơi…

thu vien cua pho phuong
Bà Phạm Thị Huyền Dung và “thư viện” sách của mình

Ban đầu, bà chỉ có vài quyển sách, tờ báo cũ để ở kệ tường, rồi ngày ngày, những người dân trong khu thấy việc làm của bà ý nghĩa nên mỗi người tặng vài cuốn sách. Người tặng thùng đựng sách, kệ sắt để xếp báo là do con trai bà mua lại của đồng nát, anh đem về sơn lại và kê ngay ngắn sát với bờ tường rào của gò Đống Đa để bà có chỗ đựng khi mỗi ngày sách báo được mọi người cho, tặng ngày càng nhiều lên... Bà kể, một hôm có cụ ông khoảng 90 tuổi, đến chỗ bà ngồi từ 8 giờ đến tận 16 giờ, hôm đó trời lại nắng to, nhưng ông cụ vẫn mải miết đọc, đúng lúc đó thì có một anh thanh niên chở ô đi bán ngang qua, bà bảo cậu ấy bán cho một chiếc rồi sau đó đem dựng lên đằng sau lưng ông cụ. Và đấy là chiếc ô đầu tiên bà có để phục vụ cho quầy sách.

Mỗi ngày, lượng người đến đọc sách miễn phí càng đông thêm. Có những ngày trời đổ mưa bất chợt, bà Dung không kịp dọn sách thì người đi đường dừng xe, hàng xóm xung quanh chạy mưa cho bà và những điều đó khiến bà thấy thật cảm động… Sau lần chạy mưa, một người đã đẩy tới một thùng bằng i-nốc có bánh xe có thể chứa được vài trăm cuốn sách đến tặng để bà đựng sách. Nhiều người biếu tiền để bà mua sách, hay đơn giản để bồi dưỡng nhưng bà Dung đều từ chối không nhận và chỉ nói với họ rằng: “Nếu mọi người có lòng thì mang báo đã đọc ra chỗ tôi, hoặc sách mọi người đọc xong không dùng đến nữa, đây là quầy sách miễn phí để mọi người cùng đọc nên cùng nhau đóng góp là việc làm có ý nghĩa nhất”.

Giờ đây, ở “thư viện vỉa hè” của bà Dung đã có nhiều đầu sách hơn, có ô che nắng, nhiều người đã coi cái góc nho nhỏ này của bà trở thành nơi trò chuyện, gặp gỡ, thậm chí bà còn “sắm” cả kính lão để phục vụ những “bạn đọc” cao tuổi đến với quầy sách miễn phí của mình. Bà tâm sự: “Tôi làm việc này không vì lợi ích cá nhân, mà coi đó là niềm vui tuổi già. Việc này có thấm thía gì so với nhiều người khác đang làm nhiều việc thiện. Với tôi, từ quầy sách này tôi có bao nhiêu niềm vui, mà tuổi già rồi, cần nhất là niềm vui, sự khoan khoái, cảm nhận được trong xã hội xô bồ này có biết bao người tốt, biết bao tấm lòng lương thiện…”.

Thư viện miễn phí

Thư viện miễn phí B-Free nằm trong con ngõ nhỏ phố Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội, do hai chàng trai trẻ Nguyễn Trường Giang và Nguyễn Quốc Chiến sáng lập vào tháng 7-2014. Thư viện có hơn 2.500 đầu sách, sắp xếp theo từng lĩnh vực: văn học, tôn giáo, lịch sử, ngoại ngữ, kỹ năng sống, truyện thiếu nhi… Điểm khác biệt của B-Free với thư viện khác ở chỗ, không có “thủ thư”, là mô hình tự quản, độc giả đọc và mượn sách tự giác. Bằng cách làm này, thư viện ngày càng thu hút độc giả ở mọi lứa tuổi. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Chiến và Trường Giang đều băn khoăn với cái tên của nó. Và B-Free với ý nghĩa Book for free (đọc sách miễn phí) được ra đời: “Khi khoảng cách giữa người đọc và sách càng được rút ngắn, sự gần gũi của người đọc, sự tự do của người đọc với sách chỉ là một cái với tay, điều đó sẽ khiến tình yêu với sách, với tri thức càng được tăng thêm”.

Đến với B-Free vào buổi chiều cuối tuần, thư viện không đông lắm. Thoạt nhìn ai cũng nghĩ với không gian nhỏ bé này chắc chỉ được 5-8 người ngồi là cùng, nhưng không phải vậy, những bạn đọc đến với B-Free đều tự chọn cho mình được chỗ ngồi, có thể kiếm một góc riêng để đọc sách. Mọi thứ được sắp xếp gọn gàng, người đọc tự ghi mã sách vào sổ đăng ký. Anh Chiến chia sẻ: “Đến đầu năm nay chúng tôi mới có thủ thư và thủ thư của thư viện lại chính là một bạn đọc vì quá yêu B-Free nên tình nguyện làm thủ thư”.

Trong 3 năm hoạt động, Chiến và Trường Giang tự hào rằng, từng cuốn sách trên giá đều là sự đóng góp của cộng đồng bạn đọc yêu mến, anh Chiến kể: “Vào một buổi chiều, khi mình đang đứng dưới cổng thì có hai mẹ con bác trung niên đèo nhau đến và đưa cho mình một túi, trong đó đựng rất nhiều sách, mình mời bác vào uống cốc nước, bác cũng không vào, cảm ơn thì bác bảo rằng: “Hành động này của các cháu là rất thiết thực, không phải cảm ơn bác làm gì, cứ tiếp tục phát huy là được” và mình lại cảm ơn thì bác mắng: “Bác đã bảo cháu không phải cảm ơn mà!”. Thế là hai mẹ con bác chở nhau về còn mình cứ đứng ngây ra đó nhìn theo.

“Hay có một chị tên là Quỳnh từ Sài Gòn gọi điện ra cho mình và muốn tặng sách cho B-Free…”, anh Chiến kể tiếp: “…Mình có nói rằng, hiện trong Sài Gòn rất nhiều mô hình thư viện miễn phí, mình sẽ cho chị địa chỉ trong đó để chị tặng, nhưng chị nhất định không chịu mà vẫn nhất nhất là phải tặng cho B-Free. Chị bảo rằng, chị là một người yêu sách, không thích cho ai mượn sách, nhưng không hiểu sao khi xem về B-Free chị lại muốn tặng. Vậy là mình nhận và nhắn chị rằng, chị cứ gửi ra cho thư viện, phí vận chuyển để thư viện chịu. Mình nhớ chị chuyển ra gần 40 cân sách và chị lại thanh toán luôn phí vận chuyển với lời nhắn muốn tặng hoàn toàn cho B-Free”.

Đọc những dòng cảm nghĩ về B-Free, những lá thư tay của những người đến với B-Free hoặc chưa bao giờ đến với B-Free tựu chung đều mang một tình yêu với thư viện nhỏ bé này.

Với tâm niệm rằng, sách có thể cũ với người này nhưng là mới với người khác, nên B-Free còn tìm đến những người yêu sách, muốn mở mô hình thư viện sách ở những nơi khác như Thái Bình, Thái Nguyên… để bên cạnh việc “khôi phục” lại văn hóa đọc vốn đã mai một còn lan tỏa tình yêu đối với sách trong mọi người. B-Free đem tặng sách cho những người cần, nhưng không phải chỉ đem sách đến nơi rồi về, mà B-Free còn hướng dẫn họ tạo nên những mô hình thư viện sách, cách quản lý và vận hành sao cho khoa học và ổn định nhất. Chính vì vậy, cứ quá 2.500 đầu sách hai anh Chiến và Giang lại đem sách đến với những nơi cần. Đó là một phần của phương châm của B-Free “Không để sách chết trên giá”.

Diệu Thuần