Thủ tướng yêu cầu đưa chủ quyền biển đảo vào SGK mới

07:30 | 06/04/2016

1,274 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc (Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai) về vấn đề đưa chủ quyền biển đảo vào chương trình sách giáo khoa.

Trong văn bản này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm xem xét, bổ sung vấn đề biển đảo vào chương trình sách giáo khoa mới.

Cụ thể văn bản trả lời nêu rõ, nội dung giáo dục về biển đảo (trong đó có chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) đã được đề cập trong các bài học của sách giáo khoa hiện hành môn Lịch sử và môn Địa lý cấp THCS và THPT.

Như vậy, vấn đề giáo dục về biển đảo nói chung đã được đưa vào dạy học khá toàn diện trong nhà trường.

thu tuong yeu cau dua chu quyen bien dao vao sgk moi
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 

Tuy nhiên, do sách giáo khoa THPT được ban hành từ nhiều năm trước nên việc cập nhật bổ sung những vấn đề mang tính thời sự, vấn đề liên quan đến biển đảo (trong đó có chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) còn chưa kịp thời. 

Thủ tướng chỉ đạo: Để thực hiện tốt, Bộ GD&ĐT cần chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường giáo dục lịch sử địa phương ở cấp THCS và cấp THPT, đưa giáo dục biển đảo, chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vào phần giáo dục địa phương của các tỉnh, thành phố.

Bộ GD&ĐT cần thực hiện việc rà soát, bảo đảm tất cả Bản đồ giáo khoa đều có vẽ và ghi tên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này.

Đồng thời, tổ chức tập huấn giáo viên môn Địa lý và môn Lịch sử về nội dung và cách thức lồng ghép giáo dục biển đảo trong các môn học có liên quan.

Bộ GD&ĐT cũng cần tăng cường các hoạt động ngoại khóa về giáo dục biển đảo như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về biển đảo, lồng ghép vấn đề chủ quyền biển đảo vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, chương trình kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị: Bộ GD&ĐT nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới (theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015) một cách đầy đủ, phù hợp các nội dung giáo dục.

Từ đó, tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức dạy học lịch sử nói chung và nội dung biển đảo nói riêng. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo cho các thế hệ học sinh Việt Nam.

 

Huyền Anh