Thi vào lớp 10 “khó hơn cả thi vào đại học”!

08:28 | 04/06/2024

1,940 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tháng 6, lại đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, một kỳ thi “khó hơn cả vào đại học” như nhiều vị phụ huynh than phiền. Chuyện này đã kéo dài trong mấy năm nay, chưa có giải pháp nào khả dĩ, mà ngày càng “ách tắc”.
Hà Nội tuyển sinh bổ sung hơn 3.200 chỉ tiêu vào lớp 10Hà Nội tuyển sinh bổ sung hơn 3.200 chỉ tiêu vào lớp 10
Hà Nội lập 19 đoàn kiểm tra các điểm thi vào lớp 10Hà Nội lập 19 đoàn kiểm tra các điểm thi vào lớp 10
Thi vào lớp 10 “khó hơn cả thi vào đại học”!
Ảnh minh họa

Khó hơn còn vì một lẽ khác, không phải vì đề thi khó, đòi hỏi kiến thức rộng, mà là vì số học sinh đăng ký thi ngày càng đông hơn, tỉ lệ “chọi” vào lớp 10 ngày càng cao hơn, nhất là ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chúng ta thường nói đến giải pháp căn cơ, lâu dài, nhưng đụng đến việc phải làm ngay thì lúng túng. Có người nói một cách hình ảnh, cần phải tổ chức cho trẻ học bơi là đúng rồi, nhưng nếu ngay lúc này đò đắm, trẻ không biết bơi thì làm thế nào?

Còn vài ngày nữa học sinh các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ bước vào cuộc đấu trí. Theo thông báo của Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội, năm học 2024-2025 có khoảng 23.000 học sinh tốt nghiệp THCS tại thành phố này không tham dự kỳ thi lớp 10 công lập. Thế nhưng sức ép vẫn còn rất lớn. Trong số khoảng 133.000 học sinh học xong lớp 9 có hơn 110.000 em đăng ký thi vào lớp 10 công lập. Trong khi đó, khả năng tuyển sinh của các trường THPT trong toàn thành phố chỉ bảo đảm khoảng 80.000. Như vậy sẽ có khoảng 30.000 học sinh không được vào trường công lập.

Tình hình ở TP Hồ Chí Minh cũng “nóng” không kém. Năm học này, tại 113 trường THPT công lập, Sở Giáo dục & Đào tạo thành phố sẽ phân bổ 71.020 chỉ tiêu lớp 10. Trong khi đó số học sinh hoàn thành chương trình lớp 9 năm học này là 114.601 học sinh.

Để dễ hình dung, ta có phép so sánh, ở cả hai thành phố lớn, cứ 20 em đi thi thì chỉ có 10 đến 12 em được vào học. Tức là đủ điểm mà vẫn... trượt (!).

Có một tín hiệu tích cực, năm học này nhiều học sinh không chọn con đường vào trường công lập, mà chọn học nghề, đi du học, học ở các trường tư thục, trường quốc tế, học ở trung tâm giáo dục từ xa... Ở Hà Nội, ngay từ tháng 4/2024, Sở Giáo dục & Đào tạo đã giao cho 85 trường THPT tư thục tuyển 29.600 chỉ tiêu vào lớp 10 năm học tới. Lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo ở các thành phố lớn đều khẳng định, nghiêm cấm các trường vận động, ép buộc phụ huynh học sinh không cho con dự thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập.

Đó là những giải pháp thiết thực nhưng vẫn là... tình thế. Người ta ví như người đi câu đã có cần câu dài mà cước thì quá ngắn. Nỗi lo mất ăn mất ngủ cho cả cha mẹ và các con vẫn chưa hết. Tình trạng phụ huynh xếp hàng dài từ 3 giờ sáng để tìm chỗ học cho con tại các trường công lập vẫn kéo dài trong nhiều năm. Ông đeo huân chương đỏ ngực đi xin cho cháu nhập học “trường tốt”. Bố đi xe lăn đến trường mong miễn xếp hàng. Thật là những hình ảnh đáng suy nghĩ trong tiến trình đổi mới giáo dục.

Muốn trị bệnh thì phải rõ bệnh. Vậy căn bệnh thiếu trường thiếu lớp do đâu? Nguyên nhân cơ bản là, THPT không phải là bậc học phổ cập, hệ thống trường THPT công lập ở các thành phố lớn mới đáp ứng được khoảng 65% học sinh tuyển vào lớp 10. Điều dễ hiểu là không thể để một chàng trai vạm vỡ mặc cái áo quá chật của cậu bé.

Và không phải chỉ do thiếu trường lớp. Ở đây có câu chuyện phân luồng, lựa chọn hướng học tiếp sau khi các em học xong THCS, sẽ học tiếp ở trung tâm giáo dục thường xuyên, học trung cấp nghề, hay học dân lập? Tâm lý chung của các bậc phụ huynh là muốn con mình học THPT. Học ở đó vừa đàng hoàng, có nền nếp, vừa đỡ tốn kém. Nếu như đóng học phí cho học sinh lớp 10 trường dân lập mất khoảng 6 triệu đồng/tháng, thì học phí “trường công” chỉ khoảng 300 đến 400 nghìn đồng. Gia đình nào có hoàn cảnh đỡ khó khăn cũng không muốn “ném tiền qua cửa sổ”.

Bây giờ chúng ta cùng bàn đến chuyện lâu dài để khỏi lặp lại tình trạng quá tải trước cổng trường mỗi mùa thi. Đây là vấn đề khó, nhưng nói như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, việc này “không bàn lùi, chỉ bàn làm”, phải tiến hành ngay công tác quy hoạch một cách tổng thể, đồng bộ.

Ở các thành phố lớn, dứt khoát quy hoạch phát triển các khu đô thị phải đồng bộ với các dịch vụ về giáo dục, y tế, đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe của người dân. Dân số tăng cơ học chóng mặt, kéo theo tăng số lượng học sinh. Chung cư mọc lên như nấm mà không có trường học và công trình công cộng là sao? Quy hoạch ấy là do con người, chứ không phải từ trên trời rơi xuống.

Về chuyện “phân luồng”. Vẫn biết học trò thời nay không chỉ có mỗi con đường độc đạo học hết phổ thông - vào đại học - sau đại học - trở thành công chức nhà nước, mà có nhiều con đường khác nhau (học bổ túc THPT; học nghề hoặc trung cấp; tham gia vào thị trường lao động). Trong đó, việc học nghề và trung cấp nghề rất nên khuyến khích vì giúp xã hội có thêm nhiều lao động có tay nghề tốt đã qua đào tạo. Trong cuộc sống có không ít người đi tắt mà thành công. Có nhiều người thành đạt xuất thân ban đầu chưa học tới THPT, có chí thì nên, biết đi bộ trước khi chạy, trở thành đại gia tên tuổi. Có người học chính quy về sau đi làm thuê cho người rẽ ngang, rẽ tắt, âu cũng là chuyện bình thường.

Thế nhưng, không thể trông chờ may rủi, số phận. Cần có hệ thống trường nghề chất lượng; có một thị trường lao động việc làm rộng lớn, đa dạng, để các em lựa chọn con đường tương lai. Chớ nên làm gì cũng theo phong trào, vận động, “ép” học sinh chọn trường nghề, mất cơ hội học hết bậc phổ thông, trong khi các em còn ít tuổi, chưa thể hiện rõ sở trường, năng khiếu.

Hải Đường

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Cappadocia - Thành phố ngầm kỳ lạ nhất thế giới

Cappadocia - Thành phố ngầm kỳ lạ nhất thế giới

(PetroTimes) - Cappadocia là thành phố ngầm nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ. Phong cảnh cổ tích, nhà ở hang động với vẻ đẹp tuyệt mỹ là những nét riêng có của thành phố kỳ lạ này.