Thi đua để vượt qua khó khăn

14:11 | 15/08/2015

643 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các Tập đoàn kinh tế khẳng định thi đua góp phần vượt qua khó khăn, thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động.
Thi đua để vượt qua khó khăn
Gắn biển thi đua công trình lắp máy biến áp tại trạm 500kV Thường Tín

Đẩy mạnh tái cơ cấu

Có thể thấy, một trong những công việc quan trọng các Tập đoàn đã thực hiện từ đầu năm đến nay là quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác tái cơ cấu các doanh nghiệp. Nhờ đó tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ tại các đơn vị trực thuộc, đảm bảo hoàn thành Đề án đúng theo tiến độ Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Đơn cử như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã hoàn thiện công tác tổ chức sản xuất, giảm cấp trung gian, cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các lĩnh vực không phải là ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn. Đồng thời, tinh gọn bộ máy chuyên môn, sắp xếp lại tổ chức một số Ban chuyên môn nghiệp vụ theo hình thức sáp nhập và giảm số lượng.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, Tập đoàn đã thực hiện kế hoạch thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại các công ty bất động sản, công ty tài chính; hoàn thành các bước chuẩn bị cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 3. Bên cạnh đó, hoàn thiện Hệ thống văn bản quản lý nội bộ của Tập đoàn phù hợp với Nghị định mới của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN; sửa đổi, bổ sung và ban hành Điều lệ/Quy chế tổ chức hoạt động của các Tổng công ty, các đơn vị hạch toán phụ thuộc.

Ông Lê Nho Thướng, Trưởng Ban Quản lý nguồn nhân lực Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, Tập đoàn tập trung thoái vốn 25/35 đơn vị theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện vốn đầu tư vào các tổ chức tài chính đã thoái hết. Mặc dù thoái vốn nhưng các doanh nghiệp vẫn bảo toàn được vốn Nhà nước và có thặng dư 97 tỉ đồng. Ngoài ra, Vinatex còn đẩy mạnh tiến độ 65 dự án đầu tư với tổng vốn 6.200 tỉ đồng, hiện đã giải ngân được hơn 3.000 tỉ đồng để đón các Hiệp định thương mại sắp được ký kết. Do vậy có nhà máy như Nhà máy may Kiên Giang chỉ sau xây dựng 4 tháng đã hoàn thành.

Đối với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã chủ động từng bước triển khai đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tiễn; thành lập Tổng Công ty Kinh doanh VNPT-Vinaphone; Tổng Công ty Hạ tầng mạng VNPT-Net và Tổng Công ty Truyền thông VNPT-Media; triển khai các phong trào thi đua để vượt qua khó khăn... Mặt khác, bàn giao Cục Bưu điện Trung ương về Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý; đổi mới và hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy tại các đơn vị cho phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh trong giai đoạn hiện nay theo định hướng Đề án tái cơ cấu Tập đoàn.

Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho rằng, những tháng đầu năm nay, Tập đoàn đã thực hiện cổ phần hóa/đa dạng hóa sở hữu Công ty TNHH MTV Lọc Hóa Dầu Bình Sơn, Công ty TNHH MTV công nghiệp Tàu thủy Dung Quất. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý tại Tập đoàn và các đơn vị theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, áp dụng các phương pháp quản trị tiên tiến.

Năm nay, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng tập trung cổ phần hóa 5 công ty, đến năm 2016-2017, cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn; đồng thời đang thoái vốn các ngành nghề như thủy điện.

Mặc dù vậy, 6 tháng đầu năm nay, tình hình sản xuất kinh doanh của 6 Tập đoàn trong Khối đều vượt chỉ tiêu về doanh thu so với cùng kỳ năm trước từ 3-13%. Riêng PVN chỉ bằng 78% so với cùng kỳ. Cả 7 Tập đoàn kinh tế đã nộp ngân sách Nhà nước gần 76.900 tỉ đồng. Không những vậy, các Tập đoàn còn thực hiện tốt Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; tích cực đi đầu trong công tác xã hội, từ thiện với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Thi đua làm động lực tăng trương.

TKV là một trong 7 Tập đoàn thuộc Khối gặp khó khăn nhất trong những tháng đầu năm nay. Bày tỏ những khó khăn mà ngành than đã gặp, điển hình là trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh vừa qua, ông Đỗ Xuân Lý, Phó Trưởng Ban Tổ chức nhân sự TKV cho biết, từ tiêu thụ sản phẩm đến tổ chức sản xuất kinh doanh, tạo nguồn lực để tiếp tục đầu tư, đáp ứng yêu cầu than cho nền kinh tế hết sức khó khăn. Trong khi nghề khai thác mỏ ngày càng xuống sâu và đi xa, chi phí tăng cao. Cùng với chế độ chính sách của Nhà nước về khoáng sản có thay đổi như thuế và phí điều chỉnh khiến giá thành sản xuất than tăng trong khi giá bán thấp, làm sức cạnh tranh của sản phẩm giảm.

“Bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, để khôi phục sản xuất, TKV đã phát động đợt thi đua cao điểm khắc phục sớm đi vào sản xuất và giúp đỡ, hỗ trợ CBCNV sớm khắc phục khó khăn do mất nhà và phải nghỉ việc để chờ khôi phục sản xuất. Hiện một số mỏ khôi phục sản xuất đến đâu thì đã sản xuất đến đó. TKV cam kết đảm bảo than cung ứng cho nền kinh tế nói chung, cho điện và hóa chất nói riêng”, ông Lý nhấn mạnh.

Thi đua để vượt qua khó khăn
Thi đua để vượt khó khăn trên công trình thủy điện Lai Châu.

Trên thực tế, mục tiêu các phong trào thi đua trong thời gian tới của TKV là tập trung xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, từ đó tổ chức sản xuất và áp dụng công nghệ khai thác mới để nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ông Võ Quang Lâm, Trưởng phòng Thi đua khen thưởng PVN cũng cho rằng, giá dầu thế giới giảm liên tục trong thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Mặc dù vậy, sự ký kết hợp tác giữa PVN với các Tập đoàn như EVN, TKV, Vinatex để sử dụng sản phẩm của nhau, đóng góp, hỗ trợ nhau khôi phục sản xuất chính là sự chia sẻ rất ý nghĩa và thiết thực trong bối cảnh khó khăn này.

Do vậy, “PVN đang tiếp tục tìm kiếm mỏ mới, chuẩn bị khánh thành Nhiệt điện Vũng Áng (Hà Tĩnh), khởi công Nhiệt điện Sông Hậu 1 ở Hậu Giang… chính là những nỗ lực của PVN vượt qua khó khăn đó trong thời gian tới”. Ông Lâm bày tỏ.

Cũng bày tỏ những khó khăn trong cạnh tranh kinh doanh viễn thông, ông Triệu Tiến Thắng, đại diện VNPT cho biết, từ nay đến cuối năm, Tập đoàn sẽ hoàn thành quá trình tái cơ cấu để đầu năm 2016 sẽ thực hiện mô hình tổ chức mới với chủ trương là chất lượng và hiệu quả trong kinh doanh. Trong đó, phong trào thi đua là động lực quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ cũng như phải đưa mục tiêu thi đua đến từng người lao động.

Đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng có những khó khăn không kém so với các Tập đoàn khác. Thời gian qua, xuất khẩu cao su thực sự gặp khó, giá dầu thô giảm thì giá sản phẩn cao su cũng giảm theo. Trong khi xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi Trung Quốc liên tục điều chỉnh đồng Nhân dân tệ. Mặc dù vậy, “Tập đoàn đã phát động nhiều phong trào thi đua; trong đó có phong trào thi đua nước rút cuối năm, thưởng nóng cho những đơn vị vượt kế hoạch. Hiện Tập đoàn đã có 49 nông trường cao su đạt Câu lạc bộ 2 tấn và 8 Công ty duy trì Câu lạc bộ 2 tấn”, ông Phan Viết Phùng, Trưởng Ban thi đua nói.

Ông Ngô Sơn Hải, đại diện cho EVN cũng bày tỏ những khó khăn đối với Tập đoàn trong năm nay như 7 tháng qua nước về các hồ thủy điện kém hơn nhiều năm trong khi nhu cầu sử dụng điện lại tăng trưởng 12%, so với mọi năm khoảng 10% nhưng EVN vẫn đảm bảo cung cấp điện cho cả nền kinh tế. Mặt khác, chú trọng thực hiện các chương trình an sinh xã hội, cung cấp điện tới những vùng miền núi xa xôi, biên giới, hải đảo với chi phí rất lớn.

Ông Hải cho biết, thời gian tới, EVN tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, chuẩn bị cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ đi vào vận hành trong năm 2019 sau khi Bộ Công Thương vừa phê duyệt thiết kế chi tiết. Từ đó các khách hàng có thể tự lựa chọn nhà cung cấp điện.

Đại diện Vinatex cho rằng, năng suất lao động của ngành dệt may hiện mới chỉ bằng 70-85% so với một số nước trong khu vực. Vì vậy, tăng năng suất lao động là yếu tố quan trọng nhất khi hội nhập. Nhận thức được điều này, Vinatex đang ra sức thi đua để vượt qua khó khăn, phấn đấu tăng năng suất lao động từ 5-7% từ nay đến cuối năm.

Thay mặt Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, ông Nguyễn Khắc Hà, Vụ trưởng Vụ II cho biết từ nay đến cuối năm, Khối thi đua các Tập đoàn kinh tế tiếp tục tập trung xây dựng các phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị như Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới và Học tập Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, củng cố bộ máy làm công tác thi đua khen thưởng; đổi mới hình thức khen thưởng từ người nông dân, công nhân đến trí thức.