Thêm nhiều người dân lên tiếng
![]() |
![]() |
Ông Nguyễn Văn Thạc khẳng định không nhận được thông tin từ UBND xã Duyên Thái về việc thu hồi đất vào tháng 6/2021. |
“Tôi có tên trong danh sách thu hồi nhưng không hề biết gì”
Ông Nguyễn Văn Thạc (84 tuổi, thường trú tại thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái) cho biết, ông có 4 mảnh đất lần lượt có diện tích 242m2, 54m2, 79m2, và 62m2. 3/4 các thửa đất này được chính quyền xã công nhận thời hạn sử dụng là “lâu dài", ký ngày 25/9/1999.
Cũng như nhiều hộ dân khác, tháng 6/2023, ông Thạc bất ngờ nhận được thông tin các thửa đất của mình nằm trong Dự án Xây dựng Hạ tầng Kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất khu liền kề Duyên Thái 1 tại xã Duyên Thái (huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội - gọi tắt là Dự án).
Chính quyền xã khẳng định đã tổ chức thực hiện lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 tại xã Duyên Thái (vào tháng 6/2021) theo đúng theo quy định pháp luật và đúng theo chỉ đạo của UBND huyện Thường Tín tại Thông báo số 73/TB-UBND ngày 04/5/2021 của UBND huyện Thường Tín.
Cụ thể ngày 05/5/2021 UBND xã Duyên Thái đã có Thông báo số 47b/TB-UBND Về việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân về hồ sơ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 trên địa bàn xã Duyên Thái. Ngày 1/6/2021 UBND xã cũng đã triển khai hội nghị lấy ý kiến góp ý của cơ quan tổ chức cá nhân đối với hồ sơ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2023 huyện Thường Tín.
Tuy nhiên, ông Thạc phản ánh không hề nhận được Thông báo số 47b/TB-UBND ngày 05/5/2021 của UBND xã Duyên Thái, và cũng không được dự Hội nghị ngày 1/6/2021.
Theo một số người dân trong xã, thời điểm tháng 6/2021 tình hình đại dịch COVID-19 vẫn đang nóng bỏng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, chính quyền rất hạn chế việc tụ tập đông người. Còn những người cao tuổi, có bệnh nền (như ông Thạc) lại càng không dám ra khỏi nhà.
Ngoài ra, trong một số buổi đối thoại gần đây với chính quyền xã, ông Thạc cũng đưa ra hai đề xuất. Một là, đất của gia đình ông và nhiều hộ dân khác, là đất sở hữu lâu dài, không thể “đánh đồng” với các loại đất có thời hạn. Do vậy, cũng không thể áp mức giá bồi thường bất hợp lý như hiện tại. Thứ hai, sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét thông Luật Đất đai (sửa đổi). Đến khi đó hãy mang vấn đề này ra bàn tiếp. Song, hai đề xuất này của ông Thạc đều bị bác bỏ.
Tương tự, gia đình ông Đỗ Đức Khởi, bà Đỗ Thị Xuyên cũng khẳng định không nhận được thông báo gì về Dự án, cũng không được dự họp để cho ý kiến trong năm 2021. Phải mãi đến giữa năm 2023, gia đình mới thấy gọi đi họp. Tuy nhiên, do không đồng ý với phương án đền bù, nên các gia đình trên cũng không ký vào giấy tờ cán bộ xã đưa.
![]() |
"Tôi không biết đọc, chỉ nghe cán bộ xã bảo ký thì tôi cũng ký vào giấy tờ" - bà Lê Thị Liên nói. |
Bà Lê Thị Liên (SN 1955) cho biết, bà đã ra xã họp mấy lần liền. Nhưng khi đến phòng họp thì “không thấy họp hành gì mà chỉ thấy bảo ký vào giấy tờ để nhận đủ số m2 đất của nhà mình. Tôi không biết đọc, chỉ nghe cán bộ xã bảo ký thì tôi cũng ký vào giấy tờ” - bà Liên nói.
Sau khi ký xong, bà mới biết việc này coi như đồng thuận, chấp nhận phương án đền bù, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng cho UBND xã quản lý. Bà Liên khẳng định bà không đồng ý với phương án đền bù của xã.
![]() |
Ông Đỗ Văn Hồng ngỡ ngàng khi biết mình là Ủy viên Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư để thực hiện Dự án. |
“Bỗng dưng” thành Ủy viên Hội đồng!
Trong một diễn biến khác, ông Đỗ Văn Hồng (SN 1950, trú tại Cụm 6 xã Duyên Thái) đã có đơn khiếu nại về việc “bỗng dưng” trở thành Ủy viên Hội đồng bồi thường.
Theo Quyết Định số 5470 QĐ-UBND ngày 26/9/2023 của UBND huyện Thường Tín, về việc thành lập Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư để thực hiện Dự án, thì “Hội đồng bồi thường” gồm có 14 thành viên. Gồm một Chủ tịch Hội đồng, hai Phó Chủ tịch Hội đồng và 11 ủy viên.
Điều đáng nói, ủy viên thứ 11 trong danh sách là ông Đỗ Văn Hồng cho rằng mình bị lấy tên tuổi và uy tín đưa vào Hội đồng nhưng bản thân “không biết gì”, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ông và gia đình.
Cụ thể, theo đơn khiếu nại đề ngày 10/1/2024, ông Hồng cho biết, khoảng cuối tháng 8/2023, đại diện lãnh đạo xã Duyên Thái đã đến nhà vận động ông Hồng tham gia đại diện cho người dân, nhưng ông Hồng kiên quyết từ chối.
Bất ngờ sáng ngày 10/1/2024, ông Hồng vào mạng “Cộng đồng Duyên Thái” mới được biết mình có tên trong danh sách Uỷ viên Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư để thực hiện Dự án, đại diện cho người dân có đất thu hồi tại xã Duyên Thái.
Ngay trong buổi sáng, ông Hồng làm đơn khiếu nại gửi UBND xã Duyên Thái, yêu cầu xoá tên ông khỏi danh sách Hội đồng bồi thường dự án trên. Đồng thời, xác minh làm rõ cá nhân, tổ chức đã đưa tên ông vào Hội đồng. Song, đại diện xã không nhận đơn. Cực chẳng đã, ông phải ra bưu điện để gửi.
Lãnh đạo xã chưa có phản hồi Để có thông tin khách quan, hai chiều về vụ việc trên, chiều ngày 5/1/2024, phóng viên PetroTimes đã liên hệ với Chủ tịch UBND xã Duyên Thái theo số điện thoại người dân trong xã cung cấp. Người nhận cuộc gọi xác nhận và hẹn phóng viên “hôm nào cũng được, hoặc sang tuần” (do khi đó là buổi chiều thứ 6). Tuy nhiên, ngày thứ 2 (8/1/2024), khi phóng viên liên hệ lại để xác định thời gian, địa điểm làm việc thì lãnh đạo xã báo bận họp. Được biết, UBND xã Duyên Thái đã gửi giấy mời một số luật sư đến làm việc vào chiều thứ 4 ngày 10/1/2024, nên sáng cùng ngày, phóng viên tiếp tục liên hệ, gửi giấy giới thiệu cho lãnh đạo xã theo địa chỉ email ghi trên giấy mời. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi. Chiều thứ 5 ngày 11/1/2024, phóng viên tiếp tục liên hệ, song đáp lại chỉ là những tiếng tút dài… |
PetroTimes sẽ tiếp tục thông tin…
Nhóm phóng viên
-
Quảng Ngãi: Tuyến đường hơn 30 tỷ thành... nơi phơi lúa
-
Quảng Ngãi: Cá voi nặng hơn 1 tấn trôi dạt vào bờ
-
Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành trung tâm cai nghiện và công tác cai nghiện với CHDCND Lào
-
Lòng xe điếu - Từ đặc sản hiếm thành cơn sốt mạng xã hội
-
Hải Phòng: Chủ động phòng ngừa, đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động