Thêm nhiều công ty dầu khí của Mỹ phá sản và ngắc ngoải

07:00 | 15/05/2016

1,260 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ trong riêng một tuần qua, 3 công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu khí của Mỹ đã phá sản, ít nhất đang có 4 công ty khác đang ngắc ngoải. Tất cả đều vì giá dầu xuống quá thấp.
tin nhap 20160514225738

Có lẽ Arập Xê út đang mở cờ trong bụng vì chiến lược dìm chết cả doanh nghiệp năng lượng Mỹ bằng giá dầu đang phát huy tác dụng.

Theo Blooberg, trong tuần vừa qua, 3 công ty dầu khí của Mỹ là Chaparral Energy, Penn Virginia và Linn Energy đã tuyên bố phá sản vì nợ nần, tổng cộng là hơn 11 tỷ USD.

Trong khi đó, ít nhất 4 công ty dầu khí khác cũng của Mỹ cũng đang cận kề bờ vực phá sản trong đó có Breitburn Energy và SandRidge Energy.

Cuối tháng 5 vừa qua, công ty năng lượng Ultra Petroleum và Midstates Petroleum cũng nộp hồ sơ xin phá sản theo chương 11 Luật Phá sản Mỹ.

Tính cả năm 2015, 130 công ty dầu khí Bắc Mỹ và công ty dịch vụ đã phải tuyên bố phá sản với khoản nợ tổng cộng lên tới 44 tỷ USD. Tỷ lệ phá sản của các công ty trong ngành năng lượng Mỹ đạt mức kỷ lục 13%. Con số này tăng hơn 6 lần so với mức chỉ 2% cách đây 1 năm.

Tình trạng phá sản của nhiều công ty nhóm ngành năng lượng đang tạo ra một môi trường kinh doanh khó khăn hơn cho những công ty còn lại đang cố gắng tồn tại. Khi số lượng hồ sơ xin phá sản tăng lên, các ngân hàng Mỹ đồng loạt thắt chặt chính sách tín dụng, nâng lãi suất, siết điều kiện vay vốn, thế chấp đối với các công ty năng lượng với lý do triển vọng kinh doanh của họ không sáng sủa.

Chuyên gia phân tích thị trường tại quỹ Invesco, ông Michael Roberts, khẳng định: “Những gì đang diễn ra ở hiện tại không phải đã là điểm cuối của làn sóng phá sản trong ngành năng lượng Mỹ. Rất nhiều công ty năng lượng Mỹ không đủ khả năng duy trì hoạt động nếu giá dầu dưới 45 USD/thùng”.

Một số liệu khác từ Standard & Poor’s ho thấy tỷ lệ phá sản trong doanh nghiệp Mỹ nói chung đã lên mức 3,9% tính đến cuối tháng 4/2016, mức cao nhất tính từ tháng 9/2010. Trong đó, tỷ lệ phá sản đặc biệt cao trong nhóm các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trên thị trường hàng hóa.

Trong khi đó, theo số liệu công bố hồi tuần trước, có đến 79% số giàn khoan dầu ở Mỹ đã ngưng hoạt động so với con số đỉnh điểm 1.609 của năm 2014 trước khi giá dầu bắt đầu lao dốc.

Theo số liệu mới công bố của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes có trụ sở tại Houston (Mỹ), tổng số giàn khoan còn hoạt động tại Mỹ, bao gồm cả các giàn khoan khí đốt, là 420, mức thấp nhất kể từ khi Baker Hughes bắt đầu công bố số liệu nói trên vào năm 1944.

Bang Texas của Mỹ, hiện sở hữu 44% số lượng giàn khoan đang hoạt động ở Mỹ, có hai giàn khoan phải ngừng hoạt động trong tuần trước.

Nhiều doanh nghiệp trên toàn nước Mỹ đã ngừng hoạt động khoan giếng dầu mới nên số giàn khoan còn hoạt động sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Theo nhiều dự báo khác nhau, giá dầu khó có thể đạt 100 USD trong thời gian vài năm tới nên số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đóng cửa có nhiều khả năng sẽ tăng.

Ở Mỹ, chi phí khai thác dầu cao hơn tại Trung Đông. Theo các chuyên gia, giá dầu cần phải được duy trì ở mức 60-65 USD/thùng thì các công ty Mỹ mới có lợi nhuận quay vòng. Với giá dầu hiện tại dưới 50 USD, dự báo số doanh nghiệp dầu khí của Mỹ phá sản sắp tới chắc chắn sẽ còn tăng.

Nh.Thạch

Bloomberg