Thế giới sẽ hết dầu mỏ trong 27 năm nữa

07:00 | 11/07/2016

9,483 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hôm 6-7 vừa qua, Mỹ trở thành quốc gia có trữ lượng dầu nhiều nhất thế giới, với khoảng 264 tỉ thùng. Mặc dù vậy, với mức sản xuất hiện nay trên thế giới nói chung, khoảng 30 tỉ thùng dầu thô mỗi năm, thế giới sẽ hết dầu trong 27 năm nữa.
tin nhap 20160710230538
Một giàn khoan dầu tại Mỹ

Hãng nghiên cứu Rystad Energy, có trụ sở ở Oslo, Na Uy, mới đây công bố kết quả khảo sát cho biết trữ lượng dầu mỏ của Mỹ ở các mỏ đang khai thác và chưa khai thác có giá trị lên đến 264 tỷ thùng. Con số này lớn hơn trữ lượng 256 tỷ thùng của Nga và 212 tỷ thùng của Arập Xê-út.

Để đưa ra kết luận trên, Rystad Energy đã tiến hành khảo sát 60.000 mỏ dầu trên toàn thế giới trong ba năm. Dữ liệu của Rystad Energy cho thấy, dự trữ dầu mỏ toàn cầu đạt 2,1 nghìn tỷ thùng. Con số này gấp 70 lần mức sản xuất dầu hiện nay là 30 tỷ thùng một năm. Như vậy, với mức khai thác hiện nay, thế giới sẽ hết dầu vào năm 2043. Cũng theo Rystad Energy, kể từ khi con người bắt đầu sản xuất và sử dụng dầu mỏ, khoảng 1.300 tỉ thùng đã được tiêu thụ, tính đến cuối năm 2015.

Các nước xuất khẩu dầu truyền thống như Arập Xê-út từ lâu đã sử dụng trữ lượng dồi dào của mình để gây ảnh hưởng lên toàn cầu, đặc biệt là những nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ. Tuy nhiên, mối tương quan này đã bị đảo lộn trong vài năm gần đây bởi kỹ thuật cắt phá thủy lực và các công nghệ mới khác, giúp Mỹ khai thác nguồn dầu đá phiến khổng lồ và trở nên độc lập hơn về năng lượng. “Tiềm năng khai thác trong tương lai ở Mỹ là rất lớn, trong khi ở nhiều nước khác thì không được như vậy. Ba năm trước, dự trữ dầu mỏ của Mỹ vẫn còn xếp sau Nga, Canada và Arập Xê-út”, Per Magnus Nysveen, chuyên gia phân tích của Rystad Energy cho biết.

Dữ liệu của Rystad Energy cho thấy một nửa trữ lượng dầu mỏ còn lại của Mỹ là dầu đá phiến. Trong đó, chỉ riêng bang Texas đã có hơn 60 tỷ thùng dầu đá phiến. Mặc dù khối lượng dự trữ có vai trò quan trọng, chi phí sản xuất cũng quan trọng không kém, Richard Mallinson, chuyên gia phân tích của Energy Aspects cho biết. “Khối lượng dự trữ có ý nghĩa quan trọng, song còn nhiều yếu tố khác quyết định lợi nhuận ngắn hạn và dài hạn của các công ty hoặc quốc gia sản xuất dầu. Sự nổi lên của Mỹ không làm suy yếu vai trò của Nga và Arập Xê-út, hai nước có chi phí sản xuất dầu thuộc hàng thấp nhất thế giới”-Mallinson nói.

Các quốc gia OPEC, đứng đầu bởi Arập Xê-út, đã đồng ý để cho giá dầu giảm mạnh trong hai năm qua, nhằm duy trì thị phần dài hạn trước sự cạnh tranh của các nước sản xuất dầu chi phí cao khác. Mặc dù việc khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã trở nên khả thi hơn về kinh tế - chi phí sản xuất đã giảm gấp đôi xuống 40 USD/thùng trong hai năm qua, Arập Xê-út và các nước Trung Đông khác vẫn đang bơm dầu với giá thấp hơn 10 USD/thùng. “Các nước OPEC muốn giá dầu đủ cao để tạo ra thu nhập ổn định cho các chương trình chi tiêu xã hội của mình, nhưng không đủ cao để các nước sản xuất dầu chi phí cao có lãi”, Mallinson nói thêm.

Cơn sốt dầu đá phiến ở Mỹ chính là nguyên nhân gây ra sự sụp đổ gần đây của giá dầu, kéo giá dầu Brent từ mức đỉnh 115 USD/thùng vào giữa năm 2014 xuống dưới 30 USD/thùng vào đầu năm nay.

Liên quan đến trữ lượng dầu của Nga, hồi giữa tháng 3 vừa qua, báo Rossiyskaya Gazeta dẫn lời Bộ trưởng Tài nguyên Nga Sergei Donskoi cảnh báo nước này sẽ cạn kiệt dầu mỏ sau 28 năm nữa và sự suy giảm sản lượng khai thác tại các mỏ dầu truyền thống sẽ bắt đầu vào năm 2020. Ông Donskoi tính rằng trữ lượng dầu có thể khai thác của Nga vào khoảng 29 tỷ tấn. Sản lượng khai thác dầu thô không có khí ngưng tụ năm 2015 là gần 505 triệu tấn. Nếu tính "kịch trần" theo các số liệu này, trữ lượng dầu của Nga sẽ đủ để khai thác trong 57 năm.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng trữ lượng dầu đã được các chuyên gia thẩm định chỉ bằng một nửa, tức là khoảng 14 tỷ tấn, nên chỉ đảm bảo khai thác trong vòng 28 năm. Theo ông Donskoi, nếu không phát triển các mỏ dầu mới, sản lượng khai thác dầu sẽ sụt giảm từ năm 2020 do số mỏ dầu khó khai thác tăng lên. Trong trường hợp lạc quan nhất cho các hãng sản xuất dầu mỏ, tăng trưởng sản lượng trong ngắn hạn chỉ có thể tiếp diễn đến năm 2020. Sau thời gian này, sản lượng dầu sẽ hạ và mức hạ thay đổi trong vùng từ 1,2% đến 46%, tùy thuộc vào giá dầu, thuế và sự hiện hữu của lệnh trừng phạt từ phương Tây áp đặt lên Nga. Mức tăng nhẹ trong sản xuất chỉ khả thi với các hãng năng lượng nhỏ hơn như Slavneft và Russneft, trong khi các công ty lớn dẫn đầu thị trường đối mặt với sự sụt giảm. Môi trường thiếu thuận lợi về thuế cũng là một trở ngại khiến sản lượng của các hãng lớn có thể giảm từ 39% đến 61%.

Bộ trưởng Tài nguyên Nga cũng lưu ý đến tình trạng sụt giảm đáng kể hoạt động thăm dò địa chất của các công ty Nga năm 2016 và không kỳ vọng những hoạt động này đạt mức như năm 2015. Thông tin này gây một mối lo cho Moscow khi tình hình giá dầu được cải thiện vẫn rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm năm 2014. Giá dầu giảm khiến kinh tế các nước vốn coi xuất khẩu dầu làm nguồn thu ngân sách chủ yếu lao đao, trong đó có Nga. Một nửa doanh thu của Nga đến từ tiền thuế dầu mỏ và khí đốt.

Nhằm chống đỡ trước cảnh sụt giảm sản lượng, Bộ Năng lượng Nga đề xuất cho phép các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận với dầu ở Bắc Cực, mềm hóa cơ chế thuế và hỗ trợ các công ty độc lập vừa và nhỏ. Nước này cũng sẽ thúc đẩy quá trình xử lý dầu nặng siêu nhớt và nhiều lưu huỳnh với mức thuế ưu đãi. Ngoài ra, Bộ Năng lượng Nga cho biết sự thiếu hụt trên cần được xoay sở bằng cách tăng sản xuất từ nguồn dự trữ.

S.Phương

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc