Thế giới đêm qua - 3/5

09:15 | 04/05/2019

149 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Báo động số người tử vong do đại dịch Ebola tại CHDC Congo. Phiến quân tấn công tại miền Trung Mali, sát hại gần 20 người. Tổng thống Mỹ, Nga điện đàm về hàng loạt vấn đề nóng trên thế giới.
the gioi dem qua 35Mỹ cáo buộc Trung Quốc đưa người thiểu số Hồi giáo vào 'trại tập trung'
the gioi dem qua 35Mỹ lên kế hoạch chuyển 5.000 lính thủy đánh bộ từ Okinawa đến đảo Guam
the gioi dem qua 35Nga thành lập nhóm đối lập tại LHQ bảo vệ Venezuela
the gioi dem qua 35
Nhân viên y tế làm việc tại khu vực cách ly của một trung tâm điều trị bệnh Ebola ở Butembo, CHDC Congo ngày 9/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

1. Báo động số người tử vong do đại dịch Ebola tại CHDC Congo

Ngày 3/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết dịch Ebola đã làm gần 1.000 người ở Cộng hòa dân chủ Congo thiệt mạng, đồng thời cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan.

WHO đã từng lạc quan về khả năng kiểm soát dịch bệnh Ebola, bùng phát hồi tháng 8/2018 ở miền Đông Cộng hòa dân chủ Congo, do sử dụng rộng rãi một loại vắcxin mới. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, giới chức WHO thừa nhận rằng tình hình an ninh bất ổn tại khu vực miền Đông, nguồn tài chính eo hẹp và sự lôi kéo của chính khách địa phương trong vấn đề Ebola đã khiến người dân quay lưng lại với nhân viên y tế, qua đó ảnh hưởng tới nỗ lực khống chế dịch bệnh.

Phát biểu với báo giới tại Geneva, Thụy Sĩ, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp thuộc WHO Michael Ryan nói: "Chúng tôi đang đối phó với tình hình khó khăn và diễn biến phức tạp. Chúng tôi dự đoán nguy cơ virus Ebola tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh".

Tính đến ngày 1/5/2019, hiện đã có 1.510 trường hợp nhiễm Ebola tại tỉnh Bắc Kivu và Ituri của Cộng hòa dân chủ Congo, trong đó đã có 994 trường hợp tử vong. Theo ông Ryan, con số tử vong có thể vượt 1.000 người trong báo cáo cập nhật sắp tới của WHO.

2. Phiến quân tấn công tại miền Trung Mali, sát hại gần 20 người

Giới chức Mali ngày 3/5 cho biết đã có 18 người đã thiệt mạng trong hai vụ tấn công do phiến quân tiến hành tại khu vực miền Trung bất ổn của nước này.

Một quan chức địa phương xác nhận 12 người dân đã thiệt mạng khi họ tới gần khu vực xảy ra một vụ nổ ngày 1/5. Một ngày sau đó, khi những người này không trở về, thêm 6 thành viên nữa của cộng đồng đã lên đường tìm kiếm và cũng bị chính nhóm tay súng trên sát hại. Lực lượng an ninh sau đó đã tìm thấy thi thể của 12 người đầu tiên bị buộc đầy thuốc nổ. Hiện vẫn chưa rõ nhóm người thứ hai bị giết hại như thế nào.

Trong những năm qua, các nhóm vũ trang cực đoan có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda đã hoành hành tại miền Trung Mali. Chính quyền Bamako từng ký thỏa thuận hòa bình với các tổ chức vũ trang năm 2015 nhằm ổn định trật tự nhưng thỏa thuận này không giúp ngăn chặn bạo lực.

Làn sóng chỉ trích dâng cao khi người dân cho rằng chính phủ đã không ngăn chặn được các nhóm khủng bố và các nhóm vũ trang sau khi xảy ra vụ một nhóm vũ trang sắc tộc thảm sát 160 người du mục Fulani hồi tháng Ba vừa qua. Bạo lực leo thang khiến Thủ tướng Mali Soumeylou Boubeye Maiga và toàn bộ chính phủ tuyên bố từ chức hôm 18/4.

3. Tổng thống Mỹ, Nga điện đàm về hàng loạt vấn đề nóng trên thế giới

Ngày 3/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về các thỏa thuận vũ khí hạt nhân, cuộc xung đột tại Venezuela, Ukraine, vấn đề Triều Tiên cũng như bản báo cáo vừa mới hoàn tất của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Phát biểu với các phóng viên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết hai nhà lãnh đạo đã có cuộc thảo luận rất suôn sẻ về các thỏa thuận hạt nhân, bao gồm cả thỏa thuận hạt nhân mới cũng như thỏa thuận được gia hạn, với triển vọng có sự tham gia của Trung Quốc. Tuy nhiên, bà Sanders không nêu cụ thể hiệp ước nào trong bối cảnh Hiệp ước Cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược mới (New START) sẽ hết hiệu lực vào năm 2021.

Về vấn đề Triều Tiên, hai bên tái khẳng định cam kết cũng như sự cần thiết của việc phi hạt nhân hóa. Về tình hình bất ổn tại Venezuela, hai bên thừa nhận có những bất đồng và đang tích cực xem xét. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về tình hình Ukraine và thương mại song phương Nga-Mỹ kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền. Hai bên cũng trao đổi vắn tắt về cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp hệ thống chính trị của Mỹ, trong đó có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

4. Tây Ban Nha lên tiếng về thủ lĩnh đối lập Venezuela đang xin tị nạn

Phát biểu bên lề một hội nghị tại thủ đô Beirut của Liban ngày 3/5, quyền Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell khẳng định nước này sẽ không để Đại sứ quán Tây Ban Nha tại thủ đô Caracas bị biến thành trung tâm hoạt động chính trị cho chính trị gia đối lập của Venezuela Leopoldo Lopez hay bất kỳ ai khác.

Trước đó, ngày 2/5, Tòa án Tối cao Venezuela đã ra lệnh bắt lại thủ lĩnh đối lập Lopez sau khi tự tuyên bố đã được quân đội dỡ bỏ khỏi lệnh quản thúc tại gia trước đó hai ngày. Tòa án trên cáo buộc ông Lopez "vi phạm trắng trợn lệnh quản thúc tại gia".

Ông Lopez, 48 tuổi, bị kết án 14 năm tù vào năm 2014 vì tội kích động biểu tình bạo lực chống Tổng thống Nicolas Maduro khiến 43 người thiệt mạng. Ba năm sau đó, ông bị quản thúc tại gia. Ngày 30/4 vừa qua, ông đã xuất hiện cùng thủ lĩnh đối lập Juan Guaido trong một đoạn video kêu gọi biểu tình chống chính phủ.

Ông Lopez đã tìm cách xin tị nạn tại Đại sứ quán Chile cùng với vợ Lilian Tintori và con gái trước khi đến Đại sứ quán Tây Ban Nha với đề nghị tương tự. Hiện ông Lopez đang cùng vợ và con tị nạn tại Đại sứ quán Tây Ban Nha, sau khi chính quyền Venezuela đập tan âm mưu đảo chính của một nhóm binh sỹ do thủ lĩnh đối lập Juan Guaido dẫn đầu diễn ra vào hôm 30/4 vừa qua.

5. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không tự cô lập khỏi NATO khi mua S-400

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar ngày 3/5 khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - không tự cô lập mình khỏi khối bằng cách có được thỏa thuận với Nga về việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, và Ankara không nên bị loại khỏi dự án mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.

Phát biểu trên kênh truyền hình NTV, Bộ trưởng Akar cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách giải thích để Mỹ và các đối tác khác trong dự án F-35 hiểu rằng các hợp đồng S-400 sẽ không tạo ra mối đe dọa đối với máy bay chiến đấu F-35, đồng thời khẳng định Ankara đã thực hiện mọi giải pháp để ngăn chặn mối đe dọa này. Theo ông, việc loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dự án F-35 sẽ làm gia tăng gánh nặng nghiêm trọng với các đối tác khác trong dự án.

Tuyên bố trên cho thấy lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết theo đuổi hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga bất chấp đe dọa trước đó của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu Ankara thúc đẩy hợp đồng này.

Lâm Anh (t/h)