Thế giới đêm qua - 18/1

09:08 | 19/01/2019

518 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đánh bom liên tiếp tại Thái Lan, nhiều nhân viên an ninh bị thương. Liên quân Mỹ không kích Syria khiến 20 dân thường thiệt mạng. Mỹ và Triều Tiên tổ chức cuộc hội đàm kín tại Thụy Điển.
the gioi dem qua 181Tin nóng thế giới hôm nay - 18/1
the gioi dem qua 181Thế giới đêm qua - 17/1
the gioi dem qua 181
Hiện trường một vụ nổ bom ở Thái Lan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

1. Đánh bom liên tiếp tại Thái Lan, nhiều nhân viên an ninh bị thương

Nguồn tin cảnh sát Thái Lan cho biết sáng ngày 18/1, một số vụ đánh bom riêng rẽ đã xảy ra tại huyện Su-ngai Padi thuộc tỉnh Narathiwat và huyện Nong Chik thuộc tỉnh Pattani, miền Nam Thái Lan khiến 5 nhân viên kiểm soát quân sự và 2 cảnh sát đã bị thương nặng

Ở huyện Su-ngai Padi, các đối tượng tình nghi là phần tử ly khai đã kích hoạt 2 quả bom cài bên các bụi cây ven đường, khiến 5 nhân viên kiểm soát quân sự bị thương. Tại huyện Nong Chik, một quả bom phát nổ bên đường khiến hai sỹ quan cảnh sát đang làm nhiệm vụ bảo vệ cho các giáo viên địa phương bị thương. Trong khi đó, ở huyện Chanae, một đơn vị kiểm soát quân sự đã bắn hạ một đối tượng tình nghi là phần tử ly khai.

Tình hình an ninh tại một số tỉnh miền Nam Thái Lan diễn biến phức tạp kể từ năm 2004 khi các phiến quân Hồi giáo thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng an ninh và dân thường. Đến nay, các cuộc tấn công do phiến quân thực hiện đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

2. Liên quân Mỹ không kích Syria khiến 20 dân thường thiệt mạng

Theo Tân Hoa xã, hãng thông tấn nhà nước SANA đưa tin ngày 18/1, ít nhất 20 dân thường đã thiệt mạng sau các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu nhằm vào tỉnh Deir ez-Zor ở miền Đông Syria đang được tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kiểm soát.

Các cuộc không kích này nhằm vào thị trấn Baghus, một trong 2 thị trấn cuối cùng vẫn nằm dưới sự kiểm soát của IS tại vùng nông thôn miền Đông tỉnh Deir ez-Zor. Đây là cuộc tấn công mới nhất trong loạt vụ ném bom nhằm vào thành trì cuối cùng do IS kiểm soát ở bờ Đông sông Euphrates thuộc miền Đông Syria.

3. Mỹ và Triều Tiên tổ chức cuộc hội đàm kín tại Thụy Điển

Ngày 18/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Điển, bà Diana Kudhaib cho biết các đặc phái viên của Mỹ và Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui đã tham dự một cuộc gặp cấp cao không được thông báo trước tại Stockholm. Bà Kudhaib nêu rõ đây là các cuộc đối thoại quy mô nhỏ với sự tham dự của cả các chuyên gia quốc tế. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Điển từ chối nêu thêm chi tiết cuộc gặp.

Trước đó, hãng truyền thông TT của Thụy Điển thông báo đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun và Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom cũng tham dự cuộc gặp. Cuộc gặp này được cho là tạo tiền đề cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng Sáu sau đó tại Singapore.

4. Chính phủ Colombia cáo buộc ELN là thủ phạm vụ đánh bom xe

Ngày 18/1, chính phủ Colombia cáo buộc nhóm Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) là thủ phạm gây ra vụ đánh bom xe tại Học viện Cảnh sát quốc gia ở thủ đô Bogota ngày 17/1, khiến 21 người thiệt mạng. Trong tuyên bố đưa ra tại Phủ Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Guillermo Botero đã mô tả vụ đánh bom nói trên là "vụ tấn công khủng bố do ELN gây ra". Theo các báo cáo được công bố, vụ đánh bom xe xảy ra ngay sau buổi lễ bên trong Học viện General Santander, ở phía Nam thủ đô Bogota. Đối tượng điều khiển chiếc xe bom được xác định là Jose Aldemar Rojas Rodriguez. Kết quả khám nghiệm sơ bộ hiện trường cho biết chiếc xe chở khoảng 80 kg chất nổ khi thực hiện vụ tấn công. Đây được coi là vụ đánh bom lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây tại Colombia, đặc biệt sau khi Chính phủ đã ký kết được thỏa thuận hòa bình và giải giáp nhóm Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) sau hơn nửa thế kỷ xung đột. ELN là nhóm vũ trang lớn nhất hiện nay của Colombia sau khi FARC giải giáp.

5. Ukraine thông báo hủy bỏ hàng loạt thỏa thuận với Nga

Ngày 18/1, Ngoại trưởng Ukraina Pavlo Klimkin thông báo 49 thỏa thuận giữa nước này với Liên bang Nga đã bị hủy bỏ, đồng thời cho biết Kiev vẫn đang tiếp tục cân nhắc chấm dứt thêm khoảng 50 thỏa thuận khác với Nga và xem xét toàn bộ cơ sở thỏa thuận pháp lý.

Trước đó, ngày 10/12, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký luật chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa Nga và Ukraine. Văn kiện này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4/2019.

Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa Nga và Ukraine quy định nguyên tắc đối tác, công nhận biên giới hiện có không thể bị phá vỡ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nghĩa vụ song phương không sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nhau. Hiệp ước có thời hạn hiệu lực 10 năm kể từ ngày 1/4/1999 và được tự động gia hạn nếu hai bên không phản đối. Sau khi được gia hạn tự động vào năm 2009, hiệp ước này đang có hiệu lực đến năm 2019.

Lâm Anh (t/h)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc