THẾ GIỚI 24H: Google Map sẽ xóa tên gọi Trung Quốc đối với Scarborough?

06:00 | 13/07/2015

4,844 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Hỡi tập đoàn Google, các vị không phải là Liên Hiệp Quốc, không phải là Trung Quốc, chẳng phải là Philippines. Các vị không có quyền phân bổ độc đoán đất đai của các nước có chủ quyền cho những quốc gia khác”.

Đó là một trong số vô vàn kiến nghị của cư dân mạng Philippines yêu cầu bộ phận phụ trách bản đồ của tập đoàn tin học Google xóa bỏ tên gọi Trung Quốc ghi trên đảo san hô Scarborough hiện đang có tranh chấp, mà Philippines gọi là Panatag (hoặc Bajo de Masinlóc), ở Biển Đông (Manila gọi là biển Tây Philippines).

Theo báo Philippine Star, chỉ riêng ngày 11/7, đã có hơn 400 người ký kiến nghị, được đăng tại địa chỉ Change.org. Các kiến nghị viết: bộ phận phụ trách bản đồ của Google (Google Map), đã coi đảo san hô, nằm ở ngoài khơi Zambales như là một phần của quần đảo Trung Sa-Zhongsha Trung Quốc (tên quốc tế Macclesfield Bank). Khu vực này bao gồm nhiều bãi đá chìm và đảo san hô là nơi tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước, kể cả Philippines. Trong khi đó, đảo san hô Panatag nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Theo bản kiến nghị, các đòi hỏi lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc dựa theo bản đồ 9 đoạn là bất hợp pháp và đang tạo ra căng thẳng giữa các nước.

Khi kêu gọi Google Map xóa bỏ tên Trung Quốc ghi trên đảo san hô Scarborough, cư dân mạng Philippines đề nghị áp dụng giải pháp trung lập, dùng tên gọi quốc tế là Scarborough thay cho tên gọi của Philippines là Panatag hoặc tên gọi của Trung Quốc là Hoàng Nham đảo.

Một cư dân mạng nhấn mạnh, việc dùng tên Hoàng Nham đảo cổ vũ các hành động vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, nếu như Trung Quốc tiếp tục đưa ra các đòi hỏi phi pháp.

Hiện cả Google Map và Trung Quốc chưa có phản ứng gì về bản kiến nghị trên của người dân Philippines. Trước đây, Google cũng đã vài lần phải sửa tên các địa danh trên Google Map, đặc biệt là những nơi đang tranh chấp chủ quyền.

Nhật cảnh báo nguy cơ Trung Quốc xây dựng giàn khoan mới

Phát biểu tại Ủy ban phụ trách an ninh của Hạ viện, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tướng Gen Nakatani nói rằng việc Bắc Kinh xây dựng một giàn khoan mới tại nơi đang có những hoạt động thăm dò khai thác khí đốt, tuy thuộc lãnh thổ Trung Quốc, nhưng gây nhiều lo ngại và có thể trở thành một vấn đề an ninh đối với Nhật Bản.

Bởi vì, theo lãnh đạo quốc phòng Nhật Bản, Trung Quốc “có thể lắp đặt trên giàn khoan mới này một hệ thống radar hoặc sử dụng cơ sở này như một bãi đỗ trực thăng, máy bay không người lái, tiến hành các hoạt động tuần tra trên không” ở biển Hoa Đông.

Trung Quốc đã và đang tiến hành bồi đắp, tôn tạo các đảo nhân tạo trong vùng quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông, để xây dựng sân bay và lắp đặt các hệ thống thông tin, radar. Do vậy, các động thái mới của Trung Quốc ở biển Hoa Đông có thể cũng đi theo hướng quân sự hóa vùng biển này.

Tháng 11/2013, Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông, nhưng hệ thống radar của Trung Quốc đặt trên đất liền không thể theo dõi được toàn bộ vùng này. Chính vì thế, theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, nếu hệ thống radar được đặt trên dàn khoan mới thì sẽ hỗ trợ cho Trung Quốc nâng cao khả năng cảnh báo, giám sát các hoạt động của quân đội Nhật Bản.

Cho đến nay, đường phân định gianh giới trên biển giữa Nhật Bản và Trung Quốc không rõ ràng. Bắc Kinh đã cho xây dựng giàn khoan bên phía Trung Quốc gần sát đường phân định này.

Năm 2004, Trung Quốc đã đơn phương tiến hành thăm dò khai thác khí đốt tại bốn địa điểm trong khu vực này: đó là Xuân Hiểu (tiếng Nhật là Shirakaba), Thiên Ngoại Thiên (Kashi), Long Tỉnh (Asunaro) và Đoạn Kiều (Kusunoki).

Tháng 6/2008, hai nước thỏa thuận khai thác chung tại vùng phân định và hợp tác khai thác khí đốt ở Shirakaba, nằm trên đường phân định. Các cuộc đàm phán về việc cùng khai thác ba địa điểm còn lại vẫn đang được tiến hành nhưng ít tiến triển.

Ai thân Putin sẽ bị Mỹ theo dõi

Báo chí Đức ngày 12/7 đưa tin, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã theo dõi ông Gerhard Schröder ngay cả khi ông này không còn làm Thủ tướng Đức với lý do được cho là ông Schröder có mối quan hệ mật thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Dẫn các nguồn thạo tin từ Mỹ, báo Đức cho biết sau khi ông Schröder rời phủ Thủ tướng Đức vào năm 2005, NSA vẫn tiếp tục quan tâm tới chính trị gia Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) này và đã do thám ông trong nhiều năm.

Lý do ông Schröder rơi vào tầm ngắm của NSA là vì ông này đã nhanh chóng chuyển sang làm việc trong lĩnh vực năng lượng của Nga.

Cựu Thủ tướng Schröder đã làm việc cho dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc phần lớn thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom. Đặc biệt, mối quan hệ của ông Schröder với Tổng thống Putin cũng là điều tình báo Mỹ quan tâm.

Theo truyền thông Đức, thông qua vị cựu Thủ tướng Đức, NSA đã tiếp cận được những lĩnh vực thường rất kín kẽ của ông Putin. Ngay cả Giám đốc quản lý dự án Dòng chảy phương Bắc, ông Matthias Warnig, một người thân tín của Tổng thống Putin, cũng là mục tiêu mà Mỹ để mắt tới.

Tuy nhiên, hiện không rõ NSA đã theo dõi được những gì cũng như hiện còn theo dõi hai nhân vật này hay không.

IS tính đầu độc nguồn nước ở Kosovo

Cảnh sát Kosovo hôm qua cho hay đã cắt nguồn cung cấp nước uống tại hầu hết các nơi trong thủ đô Pristina, sau khi bắt giữ 5 nghi can có quan hệ với lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị cáo buộc âm mưu đầu độc một hồ chứa nước ở thành phố này.

Cơ quan lo về nước uống tại thủ đô Pristina, nêu lên “những vấn đề an ninh”, nói đã ngưng cung cấp nước uống vào sáng sớm ngày 11/7 và các cuộc thử nghiệm đang được tiến hành để quyết định xem nước có bị nhiễm độc hay không.

Một phát ngôn viên của cơ quan cấp nước cho biết việc bơm nước vẫn bị ngưng lại cho đến khi có kết quả thử nghiệm.

Nhà cầm quyền nói việc bắt giữ xảy ra sau khi cảnh sát tuần tra gần hồ chứa nước Badovac thấy 3 nghi can có thái độ đáng nghi ngờ. Hai nghi can khác bị bắt giữ tại một nơi khác ở Kosovo.

Thông tấn xã Reuters trích lời một nguồn tin cảnh sát cho biết hai trong số các nghi can đã bị bắt vào năm ngoái vì bị nghi tìm cách đến Syria.

Hồ chứa nước Badovac cung cấp nước uống cho gần một nửa trong số 200.000 cư dân Pristina.

Hình ảnh ấn tượng

Một đám đông giận dữ ném đá và chai lọ vào Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic, buộc ông phải bỏ dở buổi lễ tưởng niệm 20 năm ngày diễn ra thảm họa Srebenica khiến 8.000 người Hồi giáo thiệt mạng ở Bosnia hôm 11/7.

G.K

Năng lượng Mới