An ninh bệnh viện:

Thầy thuốc cần phải biết... võ thuật?

07:15 | 11/11/2015

1,083 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo một thống kê của Bộ Y tế, trong 2 năm 2013-2014, đã có 14 vụ hành hung nhân viên y tế xảy ra nghiêm trọng tại các bệnh viện trong cả nước. Còn từ đầu năm 2015 đến nay, tại các bệnh viện trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ lộn xộn liên quan tới an ninh trong bệnh viện, như: người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, côn đồ gây rối bệnh viện, trà trộn giả danh bác sĩ làm “cò mồi”, xộc vào bệnh viện thanh toán ân oán với bệnh nhân… rõ ràng điều đó đã mang đến cảm giác bất an ở nơi mà lẽ ra phải an toàn tuyệt đối để bệnh nhân yên tâm điều trị, y, bác sĩ yên tâm tập trung vào chuyên môn trị bệnh cứu người.

Lo ngại bởi những bất an rình rập

Cái chết đầy đau đớn của bác sĩ (BS) Phạm Đức Giàu ở Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư (Thái Bình) năm 2011 thực sự là một cú sốc đối với đội ngũ những người thầy thuốc. Còn nhớ, một người bạn tôi, BS đang làm việc tại một bệnh viện lớn tại Hà Nội, khi nghe tin dữ này đã cay đắng thốt lên: “Không lẽ, giờ Trường Y lại phải đào tạo thêm cả môn võ thuật!”.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, đêm 15/8/2011, Nguyễn Xuân Dũng (SN 1993) cùng một số người thân trong gia đình đưa anh trai là Nguyễn Văn Hùng (SN 1991), trú tại thôn Nẽ Châu, xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư.

thay thuoc can phai biet vo thuat
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thắp hương viếng BS Phạm Đức Giàu

Do tình trạng nhập viện của Nguyễn Văn Hùng quá nặng, mặc dù được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng nạn nhân không qua khỏi.

Cho rằng ê-kíp cấp cứu, trong đó có BS Phạm Đức Giàu chậm trễ trong việc cấp cứu cho anh trai mình, Nguyễn Xuân Dũng đã luôn miệng chửi bới, đe dọa ê-kíp cấp cứu.

Sau đó, Dũng đi ra ngoài rồi vào phòng bệnh nhân lấy được con dao của người nhà bệnh nhân và quay trở lại phòng cấp cứu đâm BS Nguyễn Ngô Hoàn và BS Phạm Đức Giàu.

Sau khi được cấp cứu, giám định thương tật BS Nguyễn Ngô Hoàn mất 18% sức khỏe, BS Phạm Đức Giàu tử vong.

Đó là chuyện xảy ra ở một bệnh viện tuyến huyện, nhưng ngay tại Hà Nội, ở bệnh viện tuyến Trung ương lớn vào bậc nhất cả nước là Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng chửi bới, gây rối, thậm chí hành hung BS cũng đã từng xảy ra. Khoảng 4 giờ sáng ngày 25/7/2014, Nguyễn Tiến Dũng đưa vợ là chị Nguyễn Thị Hồng Mỹ vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi thăm khám, nhân viên y tế chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa nên tiêm thuốc giảm đau và đề nghị nằm theo dõi.

Thấy vợ vẫn tiếp tục kêu đau bụng, Nguyễn Tiến Dũng cho rằng các BS bỏ mặc chị Hồng Mỹ nên đã to tiếng lăng mạ nhân viên y tế. Tiếp đó, Dũng dùng vật cứng đánh vào người một số cán bộ y tế của Khoa Cấp cứu đang trực và cầm ghế hành hung nữ điều dưỡng Lê Diệp Anh (đang mang thai tháng thứ bảy) khiến chị này ngất tại chỗ.

Không dừng lại ở hành vi côn đồ này, Dũng gọi điện cho một số đối tượng khác đến bệnh viện để uy hiếp y, bác sĩ, nhưng đã bị lực lượng bảo vệ, Công an phường Phương Mai ngăn chặn kịp thời.

thay thuoc can phai biet vo thuat
Lực lượng công an tham gia bảo vệ an ninh bệnh viện

Cũng tại Hà Nội, ở Bệnh viện Thanh Nhàn, theo báo cáo của Bệnh viện, khoảng 22 giờ ngày 20/9/2014, bệnh nhân Nguyễn Gia H, 4 tuổi, ở phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng được người nhà bế vào phòng cấp cứu ngoại trong tình trạng khóc, sưng nề vùng trán. Gia đình bệnh nhân cho biết cháu bị ngã trên giường xuống, đầu đạp xuống nền cứng.

Ngay lập tức, BS Phạm Thanh Tùng, trực cấp cứu ngoại, đã tiến hành thăm khám cho cháu bé. Kết quả thăm khám cho thấy cháu bé tỉnh, không liệt, sưng nề vùng trán, không chảy máu, sờ không thấy lún sọ. Theo nguyện vọng của gia đình, cháu bé được BS Tùng chỉ định cho chụp cắt lớp vi tính sọ não và  đã giải thích với gia đình bệnh nhân cần theo dõi cháu tại khoa cấp cứu. Lúc này nhiều người nhà cháu bé đến và có những lời lẽ thô tục không hợp tác. BS Tùng đã gọi điện thoại liên hệ với phòng chụp của Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội để chụp cho cháu bé và thông báo cho gia đình cháu chuẩn bị kinh phí phải nộp khi chụp phim; đồng thời cử một điều dưỡng hỗ trợ cháu bé đi chụp tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.

Tuy nhiên, do cháu bé sợ hãi không chịu chụp phim nên người nhà đã được giải thích quay trở lại Bệnh viện Thanh Nhàn theo dõi thêm. Nhưng người nhà đã bế cháu bé đi không quay trở lại phòng khám cấp cứu ngoại.

Nửa tiếng sau, một thanh niên khoảng 35 tuổi là người nhà cháu bé đã lao vào chửi và đấm nhiều lần liên tục vào mặt BS Tùng ngay trong phòng khám cấp cứu ngoại khi BS Tùng đang khám cho bệnh nhân cấp cứu khiến anh bị giập xương gò má.

Gần đây nhất, 21 giờ 30 phút ngày 7/10, tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt - Tiệp. Đang nằm trên cáng cứu thương, Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) liền vùng dậy “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với bác sĩ.

thay thuoc can phai biet vo thuat
Những hình ảnh hành hung nhân viên y tế trong bệnh viện (ảnh chụp qua camera)

Hay ngày 18/9, vụ việc bệnh nhân Đào Văn Bính sinh năm 1983, Nam Hải, xã Kênh Giang, Chí Linh, Hải Dương có tiền sử về bệnh thần kinh đã gây náo loạn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mà dư luận trước đó đều cho rằng, bệnh nhân bị ngáo đá. Bệnh nhân Bính đã trèo từ tầng 5 tòa nhà xuống tầng 4 của bệnh viện cầm gậy sắt xông vào phòng bác sĩ, đập phá một số cửa kính và dùng dao làm một người bảo vệ bị thương. Sự việc diễn ra suốt 3 tiếng đồng hồ (từ 8 giờ sáng tới hơn 11 giờ trưa cùng ngày) khiến bệnh viện phải di dời một số bệnh nhân ở những phòng có thể bị nguy hiểm. Lực lượng công an quận và phường phải vào cuộc khống chế bệnh nhân.

Bất an - Vì sao?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên và nhìn trên nhiều phương diện thì nói như PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thì, trước tiên là do việc chưa đáp ứng được nhu cầu của nhau giữa thầy thuốc và bệnh nhân.

Phía đòi hỏi dịch vụ là người bệnh và phía cung cấp dịch vụ chính là thầy thuốc. Tuy nhiên, rắc rối xảy ra khi hai  phía này chưa thỏa mãn nhau, đáp ứng lẫn nhau. Đây là một vấn đề rất nhạy cảm, nó đụng chạm đến từng con người, việc sống còn mà lại đụng chạm trong hoàn cảnh con người ta đau khổ nhất nên dễ trở nên hung hãn nhất.

Phía người bệnh thực chất chưa hiểu về công việc của thầy thuốc. Chẳng hạn, một người được đưa vào trong tình trạng máu chảy ròng ròng, tưởng rằng tính mạng treo đầu sợi tóc nhưng thực ra lại không nguy hiểm bằng những bệnh nhân khác không máu chảy, không xây xát mà nằm im lìm vì chấn thương sọ não hay tai biến. Cũng chính bởi không hiểu, phía người bệnh sẵn sàng trút sự nóng giận lên thầy thuốc. Thêm nữa, phía bệnh nhân bị chi phối bởi yếu tố kinh tế. Vì phía người bệnh muốn chữa bệnh, bệnh viện yêu cầu phải đóng các khoản phí. Người thầy thuốc không thể bỏ tiền túi ra để chi trả thay bệnh nhân được. Và đây cũng là nguyên nhân khiến người bệnh dễ cho rằng, có sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh từ phía thầy thuốc.

Phía người thầy thuốc cũng có nhiều thiếu sót. Người thầy thuốc có thể chỉ chuyên nghiệp về mặt chuyên môn nhưng chưa chuyên nghiệp trong giao tiếp với người bệnh, xử lý tình huống với người bệnh. Và đặc biệt trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, thù lao chưa thỏa đáng và áp lực công việc nên tạo ra những bức xúc ở người thầy thuốc, vượt quá sức chịu đựng của họ. Trong khi đó, người bệnh đòi hỏi không ngừng. Có những thầy thuốc đã trực suốt đêm, mổ một ca kéo dài đằng đẵng 10 tiếng. Thường những sự va chạm hay xảy ra nửa đêm về sáng, thầy thuốc đã mệt mỏi. Thầy thuốc không có thời gian phân tích, nói cho người bệnh hiểu được quy trình khám chữa bệnh và bởi vậy, họ không thể nhận được sự thông cảm.

Một nguyên nhân nữa, đó là kỹ năng xử lý tình huống trong sai sót y khoa của cá nhân mỗi thầy thuốc cũng như của tập thể bệnh viện còn là tự phát, chưa chuyên nghiệp, chưa chú ý đến vấn đề đối ngoại và đối thoại với người bệnh, người chịu thiệt hại bởi sai sót y khoa.

Theo BS Võ Xuân Sơn, dù bác sĩ có giỏi đến đâu cũng không thể không có sai sót. Ngay cả khi các quy trình được kiểm soát chặt chẽ, với đủ các chuẩn mực quản lý như ISO, JCI… với các check list, bảng chỉ thị số hoặc màu… sai sót vẫn cứ xảy ra. Sai sót y khoa là một vấn đề mà không riêng gì ngành y Việt Nam mắc phải và cũng không riêng gì bệnh nhân Việt Nam phải gánh chịu. Ngay tại Mỹ, một quốc gia được đánh giá là tiên tiến thì hằng năm có hơn 4.000 ca mổ (khoảng 16 ca/ngày) bị những sai sót y khoa, chi phí khắc phục lên đến 1,3 tỉ USD (27.500 tỉ đồng). Với dân số Hoa Kỳ là 318,9 triệu người (năm 2014), theo tỷ lệ về dân số, Việt  Nam có thể có khoảng 1.128 ca sai sót phẫu thuật mỗi năm (4,5 ca mới bị mỗi ngày).

BS Sơn cho biết, đa phần do sợ ảnh hưởng tới danh dự, giải quyết các vụ việc bằng thỏa thuận: “Thủng đâu khâu đấy”. Việc vội vàng xử ép cấp dưới của một số lãnh đạo bệnh viện; hoặc dùng tiền để khỏa lấp với người bệnh; hoặc tìm cách đổ lỗi quanh co đều là các cách làm sai, có thể mang lại hậu quả xấu. Lối giải quyết manh mún, sự việc này sẽ liên tục trở thành những vết xe đổ cho nhiều vụ việc tiếp sau và làm xấu đi hình ảnh của người thầy thuốc.

Một nguyên nhân nữa là do chế tài xử lý bằng pháp luật còn yếu và thiếu.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ở nước ta tuy cũng đã có Luật Khám bệnh, chữa bệnh, nhưng hiện nay còn quá nhiều lỗ hổng, chưa đủ sức mạnh để bảo vệ người thầy thuốc - những người ngày đêm đứng bên lằn ranh của sự sống và cái chết để cứu sống hàng triệu con người.

Làm gì để bảo vệ người thầy thuốc?

Giải pháp để đảm bảo an ninh bệnh viện, vấn đề nghe có vẻ to tát nhưng PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lại muốn đề cập đến một việc bắt đầu, có vẻ như là nhỏ. Đó chính là việc thiết kế bệnh viện. Theo ông, muốn làm tốt an ninh bệnh viện, cần phải từ xây dựng thiết kế một bệnh viện. Ở Việt Nam chưa có bệnh viện nào xây dựng được thiết kế chuẩn chuyên nghiệp. Đó là, cần phải thiết kế đường đi của người nhà bệnh nhân và thầy thuốc khác nhau, không để gặp gỡ hỗn độn, đường giao tiếp chỉ là ở giữa.

Có nhiều trường hợp, bệnh nhân đưa vào cấp cứu, người nhà cứ thấy áo trắng, cho đó là BS và phải có trách nhiệm trả lời tất cả các câu hỏi về sức khỏe bệnh nhân. Tuy nhiên, BS đó đang cấp cứu cho một ca khác nguy kịch hơn nên không thể trả lời những câu hỏi của người nhà. Vậy là kết luận, BS gì mà thái độ thế, vậy là xung đột, bực cái thái độ và xông vào hành hung bác sĩ. Hiện nay, Bệnh viện Việt Đức 2 ở Hà Nam cũng đã được thiết kế theo hình thức con đường này.

Điểm mấu chốt nữa là ngoài chuyên môn, người thầy thuốc cần nâng cao chuyên nghiệp trong giao tiếp, hiểu tâm lý người bệnh phải có kỹ năng giải thích cho bệnh nhân thấu đáo, công bằng, dễ hiểu, tránh sự bức xúc, hiểu lầm từ phía người bệnh. Hành lang cấp cứu bao giờ cũng thông thoáng để quan sát, lắp camera.

Theo PGS Hùng, phải làm người bệnh hài lòng và tin tưởng từ khâu đón tiếp khám bệnh, cấp cứu. Điều này, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện được rất tốt. Việc đón bệnh nhân từ xe cáng để bệnh nhân và người nhà cảm nhận được sự quan tâm, tin cậy. Đặc biệt, làm tốt việc phân loại bệnh nhân theo mức độ nặng, nhẹ ngay ban đầu. Cách phân loại rất đơn giản, nhanh. Phân loại bệnh nhân thành 3 nhóm và đưa vào các phòng theo dõi khác nhau. Bệnh nhân nặng được dán giấy đỏ ngay trên người, giấy vàng, giấy xanh để y tá, bác sĩ, điều dưỡng ai cũng biết được để có biện pháp ứng cứu nhanh.

Trong một buổi tọa đàm với chủ đề “Bảo vệ người lao động ngành y”, chống bạo hành trong bệnh viện, do Bộ Y tế và Báo Lao Động diễn ra hồi cuối năm 2014, một đại biểu đến từ Bộ Y tế đã có những phát biểu hết sức tâm đắc về giải pháp tạm gọi là “chỉ số hài lòng của người bệnh”. Ông cho hay: “Giải pháp đầu tiên là người thầy thuốc phải xem lại bản thân mình. Chúng ta chăm sóc và điều trị người người bệnh chứ không phải chỉ điều trị bệnh. Quan điểm ban ơn, làm ơn vẫn còn có và điều này cần phải thay đổi quán triệt, phải coi người bệnh là trung tâm là khách hàng”.

Góp phần đảm bảo an ninh bệnh viện, việc thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) giữa Công an thành phố Hà Nội với Sở Y tế và các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng là một giải pháp hiệu quả. Năm 2014, công an thành phố đã rà soát và xác định có 15 bệnh viện lớn, trọng điểm trên địa bàn thành phố cần tăng cường công tác bảo vệ. Các đơn vị nghiệp vụ công an các quận, huyện, thị xã đã tiến hành điều tra cơ bản, rà soát, thống kê các đối tượng hình sự, cò mồi ở bệnh viện... Công an thành phố đã phối hợp với các bệnh viện, bắt giữ, xử lý 20 vụ cò mồi, gây mất trật tự công cộng tại các bệnh viện, đã xử phạt ở mức cao. Phối hợp cùng với các bệnh viện tiến hành điều tra, xác minh làm rõ 75 vụ trộm cắp tài sản, 4 vụ lừa đảo, thu giữ và trả lại nhiều tài sản có giá trị cho người bị hại. Bắt và xử lý 28 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy trước cổng các bệnh viện, xử lý 92 vụ gây rối trật tự công cộng.

Cùng với đó, công an thành phố đã chủ động nắm tình hình phát hiện, xử lý các hành vi cản trở các hoạt động khám chữa bệnh và công tác chuyên môn nghiệp vụ tại các cơ sở y tế trực thuộc ngành y tế. Trong năm 2014, lực lượng công an thành phố đã kịp thời giải quyết mâu thuẫn giữa nhân viên bảo vệ bệnh viện và người nhà bệnh nhân đến khám bệnh tại các bệnh viện lớn có xảy ra mất trật tự an ninh.

Quan sát ở Bệnh viện Việt - Đức, chúng tôi thấy ngay cổng bệnh viện luôn có 3 đồng chí cảnh sát trực 24/24 giờ. Đó là vị trí phức tạp nhất, ngăn chặn nhiều sự hỗn độn. Hình ảnh người cảnh sát làm nhiệm vụ ở ở cổng bệnh viện khiến cho người bệnh có cảm giác tin cậy và những đối tượng côn đồ khác sẽ chùn bước.

Đề cập đến các giải pháp đảm bảo an ninh bệnh viện, BS Nguyễn Trung cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, lại quan tâm nhiều đến vấn đề luật định. Theo ông, cần xiết chặt hơn nữa những luật định có hiệu lực đủ sức mạnh bảo vệ người thầy thuốc, những người ngày đêm đứng bên lằn ranh của sự sống và cái chết để cứu sống hàng triệu con người.

Ông cũng cho biết thêm, trên thế giới, ở hầu hết các nước tiên tiến, việc ban hành luật về hoạt động của ngành y đã có từ lâu. Trong đó, luật quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người thầy thuốc, những ràng buộc về mặt đạo đức trong khi hành nghề. Ngược lại, luật cũng tạo ra một hành lang pháp lý an toàn nhằm bảo vệ cho người thầy thuốc tránh được những áp lực của xã hội và những hành vi quá khích của bệnh nhân hay thân nhân bệnh nhân.

Đối với người bệnh, khắc phục hậu quả và những thiệt hại cho người bệnh là việc đầu tiên cần làm. Trong trường hợp chưa rõ ràng có sai sót hay không khi chưa có kết luận của Hội đồng khoa học hoặc khi người bệnh và thân nhân chưa hiểu rõ những vấn đề chuyên môn, cần tránh những tranh cãi gây ảnh hưởng đến tâm lý của cả bệnh nhân và nhân viên y tế.

Loan Bùi - Song Thi

Năng lượng Mới số 473