Thấy gì từ việc truy tặng danh hiệu cho "bác trưởng thôn"?

16:19 | 17/09/2013

935 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thông tin Chủ tịch nước đã chính thức ký quyết định truy tặng danh hiệu NSƯT cho nghệ sĩ Văn Hiệp đã làm nức lòng biết bao khán giả yêu mến “bác trưởng thôn mẫn cán”.

Ấm lòng tình nghệ sĩ

Ngày 14/9, quyết định của Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu NSƯT cho nghệ sĩ Văn Hiệp đã được gửi về Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Thông tin này đã được NSND Doãn Nho, NSND Lê Tiến Thọ công bố ngay tới gia đình, bạn bè đồng nghiệp... của cố nghệ sĩ Văn Hiệp để mọi người được chung niềm vui này.

Còn nhớ, trong đám tang của người nghệ sĩ già cách đây hơn 5 tháng, tất cả đồng nghiệp của ông đồng loạt ký vào lá đơn đề nghị truy tặng danh hiệu NSƯT cho ông.

Hơn hai tháng sau khi lá đơn được gửi đi, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nghệ sĩ cũng như xem xét những đóng góp của cố nghệ sĩ Văn Hiệp đối với nền nghệ thuật nước nhà, Bộ VH-TT&DL đã quyết định thành lập Hội đồng xét đặc cách truy tặng danh hiệu NSƯT đối với cố nghệ sĩ Văn Hiệp.

Chủ tịch nước đã ký quyết định chính thức phong tặng NSƯT cho nghệ sĩ Văn Hiệp

Trước đó, người bạn chí cốt của ông là NSƯT Doãn Châu, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam từng lên tận Bộ Văn hóa để “đòi” danh hiệu cho ông. Nhưng lý do mà hội đồng xét duyệt đưa ra là “bác trưởng thôn” là diễn viên nghiệp dư, lại không đủ huy chương để phong tặng.  

Việc chưa được phong tặng danh hiệu đã khiến nhiều đồng nghiệp của nghệ sĩ Văn Hiệp phải trăn trở. Nên, khi nhận được quyết định này, ai cũng vui mừng. Đó là món quà vô giá mà các nghệ sĩ làm được cho người đồng nghiệp đã khuất của mình.

Không giấu được xúc động, NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ rằng: "Hiện chúng tôi đang nóng lòng chờ Bộ khẩn trương đứng ra chủ trì một buổi công bố quyết định trang trọng, để chính thức vinh danh cho nghệ sĩ Văn Hiệp. Ngay khi nhận được quyết định tôi muốn thông báo ngay cho anh em trong nghề để có thể vui sớm hơn vài ngày. Chúng tôi đã chờ danh hiệu NSƯT cho anh Văn Hiệp quá lâu rồi”.

Trước đó, trường hợp các nghệ sĩ nỗ lực “đòi” danh hiệu NSND cho diễn viên Phương Thanh cũng là một minh chứng điển hình cho chữ “tình” trong giới nghệ sĩ.

Không ai muốn... truy tặng

Khi nghệ sĩ Văn Hiệp nằm xuống, đã có nhiều ý kiến cho rằng: Khi sống, người nghệ sĩ này đã không màng đến danh lợi. Chi bằng hãy cứ để ông được an nghỉ bởi người hâm mộ không cần ở ông một danh xưng nào. “Người nghệ sĩ của nhân dân” đã là hình ảnh đẹp mà đông đảo công chúng khi nhớ đến ông đều ghi dấu trong lòng.

Bởi những gì ông cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà là không thể phủ nhận. Với sân khấu kịch, nghệ sĩ Văn Hiệp cùng với những tên tuổi khác như: NSND Trọng Khôi, NSND Đoàn Dũng, NSND Thế Anh, NSND Doãn Châu… đã làm nên thương hiệu “Anh cả đỏ” của nền kịch nghệ nước nhà. Với điện ảnh, ông có cả trăm vai diễn để đời. Đó là còn chưa kể đến việc kinh qua rất nhiều vai trò từ diễn viên đến viết kịch bản hay đạo diễn sân khấu... Thử hỏi có danh hiệu nào “gồng gánh” đủ những cống hiến đó!

Diễn viên Phương Thanh được truy tặng NSND sau 3 năm khuất bóng

Tuy nhiên, việc đề nghị xét tặng danh hiệu cho người nghệ sĩ vẫn là một việc nên làm. Nó không phải là những hào nhoáng của danh vọng, chức tước... mà nó phần nào ghi dấu cống hiến của người nghệ sĩ cho nền nghệ thuật nước nhà.

Vẫn biết danh hiệu không phải là những thứ mà người nghệ sĩ màng tới, vì hoạt động nghệ thuật là phục vụ niềm đam mê. Cũng chẳng ai muốn khi mất đi rồi những thành quả của mình mới được công nhận. Mà người còn sống, việc phải xét... truy tặng theo kiểu có “xin” mới có “xét” cũng là điều không ai muốn.

Nhưng sự thật rằng, cơ chế xét duyệt danh hiệu của ta còn quá nhiều bất cập và quá tuân thủ vào các tiêu chí. Riêng việc làm thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ cũng không ít nhiêu khê. Xét cho cùng thì mục đích của việc phong tặng danh hiệu là để tôn vinh các nghệ sĩ. Nhưng trớ trêu thay, để có những tấm danh hiệu đó thì họ phải tự làm đơn kê khai thành tích các nhân, rồi xin dấu xác nhận của xã, phường. Điều đó liệu chăng, có làm tổn thương đến các nghệ sĩ? Đó là chưa kể thực tế, đã có tiền lệ, khi người nghệ sĩ khuất bóng rồi thì việc đề xuất danh hiệu cho họ mới được “khơi lên”.

Làm gì cho cụ Cầu thì cũng đã muộn...

Còn nhớ một tâm sự có phần chua chát của NSND Khải Hưng khi trình đơn xét duyệt cho nghệ sĩ Văn Hiệp rằng: “Tôi chưa rõ hiệu quả tới đâu nhưng tôi tin, việc đề xuất một sự tôn vinh nào đó dành cho người đã khuất bao giờ cũng "thuận" hơn là đề xuất cho người đang còn trên dương thế”.

Điều đó đúng và thực tế là chúng ta đã có cả loạt các nghệ sĩ được “vinh danh” sau khi họ đã khuất núi. Diễn viên Phương Thanh sau 3 năm về với đất mẹ mới được phong tặng NSND, Ca sĩ Y Moan trước khi mất một tháng mới được vinh danh một cách muộn màng và vội vàng. Còn trường hợp nghệ nhân Hà Thị Cầu lúc cụ còn sống, một khoản trợ cấp cho nghệ nhân dân gian đặc biệt như đúng mong ước của những người yêu mến cụ cũng không hề có. Để đến khi cụ mất đi rồi thì những dự định mãi mãi chỉ là dự định mà thôi.

Câu trả lời phải làm sao thì có lẽ những nhà chức trách là rõ hơn ai cả. Người nghệ sĩ vẫn cứ sống và cống hiến mà chẳng mấy ai lại vác đơn đi xin danh hiệu cho mình. Nên thiết nghĩ, việc công nhận để kịp thời động viên họ là điều cấp thiết và đáng quý hơn cả.

Huy An

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...