Thấy gì từ việc Hà Nội có kế hoạch đấu giá 1.084,8 ha đất?

05:48 | 19/04/2021

186 lượt xem
|
Theo các chuyên gia, việc đưa đất vào đấu giá của các địa phương, nhất là trong giai đoạn thị trường đang có hiện tượng sốt đất như hiện nay cần được các địa phương tính toán một cách kỹ lưỡng.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 và giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn. Theo đó, diện tích đất đấu giá năm 2021 theo kế hoạch là 177,29 ha, thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 dự kiến đạt 23.673,33 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2023, diện tích đất đấu giá dự kiến là 1.084,82 ha, thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất dự kiến đạt 104.002,77 tỷ đồng.

Thấy gì từ việc Hà Nội có kế hoạch đấu giá 1.084,8 ha đất?

Cụ thể, kế hoạch đấu giá đất năm 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ có tổng số 446 dự án (trong đó có 284 dự án chuyển tiếp), tổng chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn trả là 4.882,78 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2022-2023, tổng số dự án đưa vào đấu giá đất là 507 dự án với tổng diện tích đất để đấu giá là 422,07 ha, số tiền trúng đấu giá dự kiến hơn 38,12 nghìn tỷ đồng và chi phí GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn trả dự kiến hơn 6,98 nghìn tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, vừa qua cùng với việc sốt nóng giá đất diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước thì tình trạng sốt nóng đấu giá đất cũng đã diễn ra. Như tại tỉnh Thanh Hóa, vừa qua khi địa phương này tiến hành đấu giá 46 lô đất ở thuộc một vùng quê thì đã có đến hơn 2.000 bộ hồ sơ tham và đặc biệt hơn giá trúng đấu giá đã tăng “sốc” khi khởi điểm ở mức từ 250 triệu/lô đã được người dân đấu lên tới 1,4 tỷ đồng/lô.

Cuộc đấu giá đất tại xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân
Cuộc đấu giá đất tại xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) trở thành tâm điểm của dư luận khi giá trúng đấu giá được đẩy lên gấp nhiều lần giá khởi điểm

Theo nhận định của các chuyên gia thì việc đưa đất vào đấu giá của các địa phương, nhất là trong giai đoạn thị trường đang có hiện tượng sốt đất hiện nay cần được các địa phương tính toán một cách kỹ lưỡng để đảm bảo vừa phục vụ được nhu cầu về đất ở của người dân địa phương cũng như tránh việc có thể vô tình “thêm lửa” cho các cơn sốt giá đất.

Chia sẻ quan điểm với PV, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng trước tiên cần phải xác định việc đưa đất ra thị trường là để phục vụ quá trình đầu tư, phát triển. Việc đấu giá đất không phải để thu tiền mà nó phải căn cứ vào kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương như thế nào.

Cũng theo GS Võ, sau khi đấu giá đất các địa phương cần sớm tổng kết lại hoạt động đấu giá xem thu được bao nhiêu tiền, chiếm bao nhiều % ngân sách của các địa phương, rồi tiền đó được sử dụng vào việc gì, bao nhiêu thửa đất đấu giá xong không được sử dụng...

Chia sẻ quan điểm trên, KTS.TS Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng việc liên tục đấu giá đất, trải thảm đỏ thu hút nhà đầu tư mà chưa căn cứ sát vào định hướng phát triển của các địa phương cũng như nhu cầu của người dân đã từng tạo nên những khu đô thị bỏ hoang, sự lãng phí rất lớn về tài nguyên.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc