Năng suất lao động thấp

Thách thức lớn với nền kinh tế

07:00 | 03/04/2019

327 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại Hội thảo “Tăng năng suất lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam” được tổ chức mới đây, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc thông tin: Năng suất lao động của Việt Nam thuộc loại thấp nhất trong khu vực.

Xếp thứ 3… từ dưới lên

Tính theo PPP (sức mua tương đương), năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% năng suất lao động của Singapore, 18,4% của Malaysia, 36,2% của Thái Lan… Thực tế đó cho thấy thách thức lớn mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.

Phân tích về vấn đề này, ông Kumio Umeda - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng rất cao, thu hút nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam lại rất thấp.

thach thuc lon voi nen kinh te
Lao động thiếu kỹ năng chiếm số đông kéo năng suất lao động xuống thấp

Ông Kumio nói: “Đáng tiếc là năng suất lao động của Việt Nam lại đứng thứ 3 từ dưới lên trong khối ASEAN, trong khi người Việt Nam rất cần cù, chăm chỉ. Tôi nghĩ Việt Nam có thể cải thiện được năng suất lao động nếu có chính sách phù hợp”.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét: So với các nước đã đạt được thành tựu kinh tế cao thì Việt Nam chưa trải qua giai đoạn năng suất đủ nhanh để cất cánh. Năng suất lao động của Việt Nam thấp ở hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt năng suất lao động của nhóm công nghiệp và xây dựng có xu hướng chững lại từ khá sớm (từ năm 2000). Hiệu ứng dịch chuyển lao động đang giảm dần khi một phần lớn lao động vẫn nằm trong khu vực nông thôn và có năng suất thấp. Đang có những rào cản đối với dịch chuyển lao động, giới hạn quy mô sản xuất ở ngành có năng suất lao động cao...

Ông Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh nguyên nhân khác khiến năng suất lao động thấp, đó là lực lượng lao động giá rẻ không có kỹ năng của Việt Nam vẫn chiếm số lượng rất lớn và đang bị “kẹt” trong khu vực nông thôn, không thể dịch chuyển sang ngành có năng suất cao hơn. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Thành, thực tế, các con số thống kê đều cho thấy năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cao và cách rất xa so với năng suất lao động của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, năng suất lao động của khu vực DNNN có được lại không nhờ vào hiệu quả hay ưu việt hơn mà nhờ những cơ chế ưu đãi về vốn, công nghệ, độc quyền thị trường, vì thế đầu ra của DNNN tốt hơn. Ngược lại, khu vực tư nhân sử dụng lực lượng lao động khổng lồ, lớn nhất của nền kinh tế, nhưng gần như tất cả các yếu tố ưu đãi đó không có nên đã kéo năng suất lao động của cả nước thấp xuống.

Phong trào năng suất quốc gia

Ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, nguyên nhân của tình trạng đó là do chính sách cải thiện năng suất của Việt Nam hiện mới chỉ tập trung cải thiện năng suất gắn với chất lượng cho DN, trong khi vấn đề nâng cao năng suất lao động là bài toán của cả quốc gia, DN và hộ gia đình.

“Nhận thức về năng suất ở Việt Nam dường như vẫn theo tư duy kế hoạch hóa truyền thống: Lập kế hoạch từ trên áp xuống và ít xuất phát từ nhu cầu cải tiến của từng cá nhân, DN. Các cơ quan hoạt động liên quan đến lĩnh vực năng suất nằm rải rác trong các bộ khác nhau nên quá trình giao tiếp, liên lạc giữa các bên nhiều khi bị cản trở và chậm trễ”, ông Thành nói.

Chuyên gia Phạm Chi Lan đồng quan điểm khi nhận định năng suất lao động Việt Nam thấp ở hầu hết các lĩnh vực và đây là một mối lo lớn, nhất là trong thời kỳ hội nhập và cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Bà Phạm Chi Lan đề xuất: “Để nâng cao năng suất lao động, tôi cho rằng cần có tiếng nói mạnh mẽ của nhiều bộ, ngành. Cần một cơ quan chuyên môn mang tính quốc gia để nghiên cứu, đề xuất để thúc đẩy nâng cao năng suất của Việt Nam”.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định, để có giải pháp căn cơ nâng cao sức lao động của Việt Nam, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cần phát động và triển khai “Phong trào năng suất quốc gia” tại Việt Nam. Phong trào sẽ tập trung xúc tiến mạnh mẽ các hoạt động quảng bá, tạo nhận thức sâu rộng về năng suất, chất lượng; thúc đẩy phong trào năng suất trong các DN, tổ chức kinh tế thông qua Giải thưởng Top 100 DN cải thiện năng suất cao nhất…

“Để làm được điều đó cần xây dựng các công cụ chính sách, cải cách giáo dục - đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, chúng tôi đề xuất chọn 1 tháng trong năm làm Tháng Năng suất quốc gia (dự kiến tháng 11 trong năm) nhằm cải thiện năng suất lao động”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Ông Nguyễn Đức Thành kiến nghị: “Ngay từ năm 2014, chúng tôi đã kiến nghị nâng Viện Năng suất Việt Nam thành Viện quốc gia để xem xét toàn bộ các vấn đề năng suất của Việt Nam, nhưng đến nay chưa thực hiện được. Giờ đây, để nâng cao năng suất lao động, các cơ quan có trách nhiệm nên xem xét, thực hiện kiến nghị này”.

Tính theo PPP (sức mua tương đương), năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% năng suất lao động của Singapore, 18,4% của Malaysia, 36,2% của Thái Lan…
thach thuc lon voi nen kinh teNăng suất lao động của Việt Nam gần “áp chót” trong khu vực
thach thuc lon voi nen kinh teGiải bài toán năng suất lao động

Tú Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc