Tết thời bao cấp

07:43 | 24/01/2012

2,516 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Suốt thời bao cấp, tôi là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội, được hưởng những cái tết khó quên. Những năm tháng bao cấp ấy, việc lo cho người Hà Nội một cái tết tươm tất đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải gồng mình lên để lo.

Ngày tết nấu nướng nhiều, nhu cầu chất đốt rất cao trong khi củi, dầu khan hiếm.

Câu phương ngôn cổ “đói ngày giỗ cha no ba ngày tết” quá đúng trong những cái tết thời gian khó này. Công bằng đến từng hộ, kể cả hộ độc thân. Trên ban thờ nhà nào cũng có bánh chưng tự gói lấy, hộp mứt, chai rượu, bao thuốc, gói chè. Tôi có dịp tháp tùng các đoàn công tác tết của ngành thương nghiệp thủ đô đến các tỉnh miền núi ngay từ sau ngày 2/9 để hợp đồng mua cung cấp từ ống giang chẻ lạt, lá dong, củ gừng, củ tỏi, đến con gà con lợn, xe củi, tấn than… để lý giải vì sao Hà Nội không bao giờ thiếu hàng tết theo tiêu chuẩn đã thông báo.

Tôi nhớ có lần Tổng Bí thư Lê Duẩn làm việc với lãnh đạo Hà Nội về phục vụ tết. Thay vì nghe báo cáo này nọ, ông yêu cầu đi thăm xí nghiệp, cửa hàng… Buổi sáng, Giám đốc công ty thực phẩm được báo tin buổi chiều Tổng Bí thư đến thăm cửa hàng thực phẩm chợ Hôm – Đức Viên. Từ công ty thực phẩm đến cửa hàng lo méo mặt, vì theo lịch cung cấp ngày hôm đó không có thịt lợn bởi lò mổ không phân hàng, chỉ có vừng, lạc, đậu phụ, mỡ nước. Cái khó ló cái khôn, ai đó đề xuất vay tạm 1 tạ lợn hơi ở một hợp tác xã ngoại thành về mổ và bán ưu tiên cho phiếu thịt trẻ em… Mọi người thở phào vì đã gỡ được thế bí.

Xếp hàng mua thịt, cá.

Tôi đón nhận tin này vào buổi trưa bèn phóng xe về ngay cơ quan không phải để trao đổi thông tin mà để thông báo nội bộ vụ “bán thịt trẻ em” chiều nay. Mọi người mừng quýnh kéo nhau ra xếp hàng bên cạnh tấm bảng thông báo “hôm nay có bán phiếu thịt trẻ em”, khiến cả chợ sửng sốt, chút nữa bị bảo vệ mời ra. May vì chỉ đạo phải có cảnh xếp hàng mua thịt để lãnh đạo chứng kiến nên mọi việc hanh thông. Các bà, các cô mua được thịt tươi, cân đủ hớn hở lắm. Tất nhiên trong bản tin phát cho các báo đêm ấy có dòng thông báo: “Tổng Bí thư hài lòng về việc trong khi chăm lo chuẩn bị phục vụ tết ngành thương nghiệp Hà Nội vẫn bảo đảm cung cấp nhu cầu tiêu dùng thường xuyên của nhân dân Thủ đô”.

Hàng năm cứ vào dịp tết, các xí nghiệp ở Hà Nội đều lo hàng tết cho công nhân. Tôi đã rất nhiều lần chứng kiến cảnh các bác giám đốc Quynh (Xí nghiệp Dệt 19/5), bác Quyên (Xí nghiệp Dệt Cự Doanh, bác Phong (Xí nghiệp Dệt kim), bác Hội (Xí nghiệp Kim khí) và nhiềâu giám đốc khác thân chinh lo chạy hàng và trực tiếp chỉ huy chặt xương, pha thịt, cân gạo cho từng xuất sao cho thật công bằng. Vốn là khách ruột, tôi cũng có suất như một công nhân xí nghiệp. Khu vực hợp tác xã thì xôm hơn một chút. Ông chủ nhiệm Tân Phong, bà chủ nhiệm Phương Đông 3, chị chủ nhiệm Cờ Đỏ… còn mời các nhà báo thân thiết đến dự bữa tất niên rồi mới nhận xuất quà. Đại thể cũng sêm sêm như của cán bộ liên hiệp xã. Vậy mà có cái tết, chiều 30 đi làm tin về, trong nhà vẫn còn dăm cân thịt. Không biếât làm cách nào hơn tôi bổ lên Hàng Buồm mua vỏ ruột và xăm pết về làm lạp sườn ăn dần.

Mua các mặt hàng thực phẩm khác, chỗ nào cũng đông đúc.

Thời ấy tình người chan chứa thân thương lắm! Một lần đi chạy thịt lợn cho anh em, chúng tôi về xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất lúc ấy là ngoại thành Hà Nội. Xe pháo ẩm ương nên khoảng 16 giờ mới đến nơi. Đã hẹn trước, Chủ nhiệm Lãm tay bắt mặt mừng lôi tuột vào cuộc họp lãnh đạo. Họp thêm một lúc nữa thì chủ nhiệm chốt lại mấy việc lo tết cho gia đình chính sách rồi nhắc cán cán bộ chủ chốt ở lại tiếp khách. Lãm đề nghị tôi nói chuyện thời sự vì sắp Đại hội VI, bao nhiêu chuyện nhân sự muốn nghe tận tai những phóng viên nhà báo mà nói như Lãm là được ra vào nhà các “cụ” thường xuyên… Thế là tôi đành kề cà đem chuyện tháp tùng các cụ ra kể. Nào chuyện cụ Trường Chinh chú ý từng câu, từng chữ, từng dấu phẩy trong mẩu tin. Rồi cụ Lê Duẩn giao cho bác Đốâng Ngạc duyệt nhưng nhớ hạn chế nêu khó khăn khúc mắc. Và chuyện có anh ở tỉnh đang cao trào nói phóng lên là đỗ đại học còn không sợ, sợ gì đỗ lớp 10. Nghe nói, cụ Đỗ Mười xuất hiện… nhưng không chấp vì cứu đê còn quan trọng hơn nhiều. Lại còn chuyện đi theo cụ Lê Thanh Nghị được cụ bà chia quà cho các chú nhà báo, nhà đài, nhà xe…

Chuyện suốt bữa lòng lợn tiết canh mà chưa vào đề xin bắt con lợn. Sau lúc đài tút tút 21 giờ tôi mới kề tai nói nhỏ yêu cầu, Lãm có vẻ cáu vì nói muộn. Tôi tủm tỉm cười trừ, thì ai nói thời sự cho các bố. Thế rồi 5 giờ hôm sau vẫn có con lợn hơn nửa tạ bắt ở nhà chị Mít. Được chủ nhiệm dặn không được cho lợn ăn kẻo nó chết dọc đường nên nó cứ kêu suốt trong cốp xe GAT-69. May về đến tập thể cơ quan ở Mai Hương vẫn chọc tiết đánh được một chậu tiết canh ngon lành trên chiếc chậu men mừng cưới còn nguyên giấy bọc chưa dùng của Hưng, sau về làm phóng viên ở Đồng Nai đến khi nghỉ hưu năm rồi.

Đây là tiêu chuẩn hàng tết nhưng nếu không mua nhanh chân sẽ hết.

Những câu chuyện tết thời bao cấp thật đáng nhớ. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy đôi khi vẫn có những người dè bỉu, chê bôi này nọ một cách đầy ác ý. Họ quên rằng, để có những cái tết tươm tất, công bằng cho mấy chục vạn dân Hà Nội cả trong những ngày sơ tán đến sau giải phóng, khi kinh tế còn khó khăn vì bị cấm vận, khi sản xuất chưa phát triển quả thực là cố gắng lớn lao của đội quân thương nghiệp. Các cụ có câu ngọt bùi nhớ lúc đắng cay mà!

Trần Đình Thảo

Nguyên phóng viên TTXVN tại Hà Nội