Tết an tâm - Xuân lành mạnh
Cũng không khí ấy, công việc ấy nhưng tết Đinh Dậu này có những mối lo toan khác với mọi năm. Chẳng thế mà Chỉ thị của Ban Bí thư yêu cầu quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt ở miền Trung, sớm ổn định đời sống và hoàn thành việc đền bù, hỗ trợ cho người bị thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển. Báo cáo từ các địa phương vùng lũ cho biết, nếu không được sự quan tâm giúp đỡ, bà con một số nơi không có tết.
Ngay tháng 1-2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất hơn 10 ngàn tấn gạo cứu đói cho bà con xã nghèo ở 12 tỉnh cũng nhằm giúp bà con “no ba ngày tết”. Cả hệ thống chính trị vào cuộc với các đoàn thiện nguyện mang tiền, hàng quà tết uý lạo dân nghèo các nơi góp phần cho bà con thêm niềm vui ngày tết. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh còn có việc tặng vé tàu xe cho công nhân về quê ăn tết… cũng là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ không được để người dân mất tết vì giao thông.
![]() |
Đường hoa Nguyễn Huệ |
Tết này Ban Bí thư yêu cầu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không đi thăm, chúc tết địa phương; các địa phương không chúc tết Trung ương. Chỉ đạo của Ban Bí thư và của Chính phủ nghiêm cấm tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức. Các địa phương không bắn pháo hoa, dành thời gian và kinh phí chăm lo tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách.
Việc phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an toàn giao thông, nghiêm chỉnh thực hiện nghiêm chủ trương cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân; bảo đảm các phương tiện giao thông để nhân dân đi lại được thuận lợi, mức độ an toàn cao, giảm đến mức thấp nhất tai nạn giao thông trong dịp tết.
Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phải bảo đảm nhân dân an tâm về thực phẩm sạch, không mua nhầm hàng giả, hàng nhái. Cố gắng sao cho người dân an tâm về thực phẩm tết.
Khác với các tết trước, năm nay, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng đặc biệt. Ở Đà Nẵng có việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị, nếu để xảy ra mất an toàn vì thực phẩm bẩn. Ở thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong tết này người tiêu dùng có thể truy nguyên nguồn gốc thịt gia súc bán trên thị trường bằng điện thoại thông minh. Vì một cái tết an toàn cho cả hai phía chính quyền và người dân về an ninh, an toàn, vui vẻ, tiết kiệm và liêm chính trở thành yêu cầu của cuộc sống.
Sau tết là lễ hội. Dịp này đã có các hội lễ đầu tiên của 8.000 lễ hội từ cấp thôn làng đến cấp quốc gia đã khai hội. Cũng như thông lệ, hầu như năm nào Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng có những chỉ đạo khá cụ thể về việc quản lý và tổ chức lễ hội ở địa phương.
Theo các chuyên gia, mối quan ngại của người dân về những biến tướng của lễ hội là thương mại hóa. Không hiếm nơi xem lễ hội là cơ hội tăng thu cho địa phương đã khoán doanh thu từ tiền bán vé đến các dịch vụ khác như trông giữ xe, vận chuyển, ăn uống khiến lễ hội trở nên nhôm nhoam, xô bồ, mất hết vẻ đẹp truyền thống. Rất nhiều những hành vi phản cảm vô văn hóa diễn ra trong một số lễ hội khiến dư luận cán bộ, nhân dân hết sức bất bình. Còn gì bực mình và bức xúc hơn vì bị hành xác, bị chặt chém khi đi lễ hội. Một số lễ hội lớn như hội chùa Hương, hội Gióng (Hà Nội), hội chọi trâu (Hải Phòng) có quy mô lớn, tuy có cố gắng nhưng vẫn bộc lộ nhiều thiếu sót lặp đi lặp lại.
Năm nay, theo chỉ đạo, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội. Nhất thiết không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh và dừng tổ chức đối với những lễ hội tuy đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội.
Trong quản lý và tổ chức lễ hội, các địa phương kiên quyết không để các hành vi tranh cướp lễ vật, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ... diễn ra trong lễ hội. Phải bảo đảm dịch vụ thuận tiện, không gây cản trở, ùn tắc giao thông; niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá, không bán thịt động vật hoang dã, cấm các đồ chơi có tính bạo lực, cấm cờ bạc dưới mọi hình thức. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: có phương tiện thu gom rác thải hợp lý, thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội.
Các lễ hội có hoạt động diễn ra trên sông nước phải có kế hoạch đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội và du khách. Chỉ đạo ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội phải có phương án quản lý hòm công đức, thu gom kịp thời các loại tiền lễ; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Một cái tết tiết kiệm, an toàn, một mùa lễ hội lành mạnh sắp bắt đầu. Mọi cố gắng của cơ quan quản lý sẽ không đem lại kết quả nếu không có được sự đồng thuận và tự giác thực hiện của người dân.
Bảo Dân
-
Tổ chức tín dụng chính thức có quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu
-
Quyết định nhiều nội dung quan trọng về tổ chức bộ máy, pháp luật và phát triển kinh tế - xã hội
-
Khơi thông nguồn lực, chấp nhận rủi ro, thúc đẩy sáng tạo
-
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển ngành năng lượng nguyên tử, điện hạt nhân
-
Miễn học phí cho học sinh công lập trên cả nước