Tây Tạng - một cực của thế giới

13:03 | 10/02/2024

2,044 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Là khu vực có cao độ lớn nhất trên trái đất, Tây Tạng được mệnh danh là “nóc nhà thế giới”, hay là “cực thứ ba”. Đây cũng là một trong những vùng đất linh thiêng và huyền bí nhất của thế giới.
Tây Tạng - một cực của thế giới

Tu viện trên vách núi

Linh địa Tây Tạng

Khi được hỏi những vùng đất nào đáng được coi là “linh địa” giữa muôn vàn những cảnh quan kỳ vĩ trong lịch sử trái đất, Kỹ sư Đặng Hoàng Xa (1947-2017) - tác giả của nhiều cuốn sách về lịch sử và văn hóa trả lời rằng ông luôn nghĩ đến 4 vùng đất.

Thứ nhất, Đất thánh Jerusalem, nơi khởi nguồn của ba tôn giáo là Do Thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo. Thứ hai, Ấn Độ và dãy núi thiêng Himalaya, với đời sống, tôn giáo và nền triết học đa dạng đầy màu sắc, nơi giao thoa của Đông và Tây, cũng là nơi ra đời của hai tôn giáo lớn là Ấn Độ giáo và Phật giáo. Thứ ba, Nhật Bản với chuỗi quần đảo nằm dọc vành đai núi lửa Thái Bình Dương và núi Phú Sĩ hùng vĩ, có đạo Shinto (Thần Đạo) cùng tinh thần võ sĩ đạo Samurai. Cuối cùng, là Tây Tạng huyền bí và đầy màu sắc rực rỡ, như trong những câu chuyện không tưởng.

Tây Tạng là một khu vực cao nguyên tại châu Á, ở phía Bắc và Đông của dãy Himalaya. Đây là quê hương của người Tạng cũng như một số dân tộc khác như Môn Ba, Khương, Lạc Ba và hiện nay cũng có một số lượng đáng kể người Hán và người Hồi sinh sống.

Kề liền với dãy núi thiêng Himalaya ở phía Tây Nam, Tây Tạng được coi là một trong những vùng đất linh thiêng và huyền bí nhất của thế giới, là thánh địa kiên cố khôn cùng của Phật giáo. Chính trên vùng đất này, Phật giáo từ lâu đã đi sâu vào tâm hồn, vào sinh hoạt của tất cả mọi người dân Tây Tạng, từ lúc chào đời cho đến lúc chết đi, từ tâm tư cho đến ngôn ngữ, lời nói, cử chỉ, tất cả đều thấm đẫm tinh thần từ bi của Phật giáo. Bởi vậy, nói đến Tây Tạng là nói đến văn hóa Phật giáo Tây Tạng, vì thế mới có thể nắm bắt được cốt tủy của văn hóa Tây Tạng và cũng chỉ như thế mới có thể khắc họa lên được một diện mạo hoàn hảo của văn hóa Tây Tạng.

Tây Tạng - một cực của thế giới
Thượng tọa Thích Minh Hiền - Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Hương và các học trò tại Tây Tạng

Kỹ sư Đặng Hoàng Xa đã dành rất nhiều thời gian trong 3 năm để nghiên cứu về Bardo và nghệ thuật sinh tử bàn về sự sống và cái chết, dựa trên những phát hiện mới của khoa học hiện đại phương Tây và kiến giải của Phật giáo Tây Tạng qua những trải nghiệm hành trì thiền định của các bậc Tối thượng Du-già Tantra (hành trì: thực hành và tiếp tục; Du-già: Yoga; Tantra: theo nghĩa rộng có thể hiểu là “mật truyền” hay “bí truyền” - dùng để chỉ chung các truyền thống hay các phép tu luyện bí truyền trong nền văn minh tâm linh Ấn Độ).

Bardo và nghệ thuật sinh tử cũng là một chủ đề rất nóng trong những tranh luận tâm linh hiện tại, đặc biệt là ở phương Tây. Những trải nghiệm của các vị Đạt-lai Lạt-ma, các Rinpoche Mật tông… và các bậc Tối thượng Du-già Tantra, dường như là một chất xúc tác, một thách thức với khoa học phương Tây trong việc tìm kiếm câu trả lời cho nan đề “Tôi là ai”, “Tôi từ đâu đến” và “Tôi sẽ đi về đâu sau khi chết”… Những tranh luận này vẫn chưa hết và còn đang tiếp tục. Trong cách nhìn thoáng đãng và dung dị của người Tây Tạng, cái chết không chấm dứt gì cả: nó mở ra cho chúng ta những cuộc phiêu lưu bất tận…

Kề liền với dãy núi thiêng Himalaya, Tây Tạng được coi là một trong những vùng đất linh thiêng và huyền bí nhất của thế giới, là thánh địa kiên cố khôn cùng của Phật giáo.

Cao nguyên Tây Tạng

Tây Tạng là vùng đất cao nguyên nằm ở vị trí hiểm trở, biệt lập với thế giới bên ngoài. Nhờ thế mà dù bao nhiêu niên kỷ đã đi qua, nó vẫn bảo tồn được tinh hoa của một nền văn minh cổ xưa rất khác với những nền văn minh mà chúng ta đã được biết đến. Không ai đặt chân vào Tây Tạng mà không ít nhiều chịu ảnh hưởng của nó và không ai chấp nhận giam mình vào một đời sống chật hẹp khi đã nhìn thấy những cảnh hùng vĩ, bao la của rặng Tuyết Sơn. Lịch sử cũng đã chứng minh như thế.

Vậy vùng đất Tây Tạng và con người của nó có bản sắc gì đặc biệt, tới mức mỗi khi đề cập đến vùng đất cao nguyên này mọi người đều sử dụng hai từ “huyền bí” để biểu lộ sự ngưỡng mộ của họ? Về địa chất địa lý, khoảng 300 triệu năm trước, Tây Tạng còn nằm dưới đáy biển Tethys nguyên là một đại dương mênh mông bao trùm cả diện tích châu Á và Ấn Độ. Do quá trình va chạm dữ dội của hai khối siêu lục địa cổ Gondwana và Laurasia mà tạo nên cơn địa chấn, với sức ép khổng lồ từ khối đất Ấn Độ đẩy lên phía bắc, tạo nên dãy núi Himalaya và cao nguyên Tây Tạng.

Tây Tạng - một cực của thế giới
Cao nguyên Tây Tạng là hình ảnh của những thảo nguyên mênh mông với núi cao và lũng sâu, bầu trời lúc nào cũng trong xanh như ngọc (ảnh: Sơn Nam)

Theo trục ngang, Tây Tạng thuộc lục địa châu Á, phía Bắc và Đông tiếp giáp Trung Hoa, Tây tiếp giáp Ấn Độ, Nam tiếp giáp Bhutan, Tây Nam tiếp giáp Nepal, bao lọc bởi núi non hiểm trở. Theo trục đứng, Tây Tạng là khu vực có cao độ lớn nhất trên trái đất với độ cao trung bình 4.900m, được mệnh danh là “nóc nhà của trái đất”, hay còn gọi là “cực thứ ba” - hai cực kia là Bắc Cực và Nam Cực. Đứng ở độ cao này giữa thiên nhiên hùng vĩ, ta cảm giác như có thể vươn tay với được tới trời, giống như một sự giao hòa nào đó giữa con người, trời và đất. Thật thế, từ bao đời nay, con người ở đây, từng phút, từng hơi thở, tận hưởng một đời sống tâm linh thật thà và giản dị, bao la như trời và gần gũi như đất vậy.

Văn hóa Tây Tạng phát triển dưới ảnh hưởng rất lớn của các quốc gia và các nền văn hóa láng giềng như Nepal, Ấn Độ và Trung Hoa, nhưng chính sự cô lập của cao nguyên Tây Tạng cùng với sự che chắn của các dãy núi xung quanh đã tạo nên cho Tây Tạng một nền văn hóa rất tách biệt. Tất cả những phong tục, tập quán, tôn giáo… của các nước xung quanh khi du nhập vào Tây Tạng đều được tùy chỉnh và tô điểm với những màu sắc rực rỡ của một vùng cao nguyên đầy nắng. Cũng thế, sau khi du nhập vào Tây Tạng, Phật giáo Mật tông của Ấn Độ cũng đã được thay đổi, tiếp thu và dung hợp với tôn giáo và văn hóa bản địa, hình thành nên một hệ phái Phật giáo Mật tông Tây Tạng đượm màu huyền bí.

Lịch sử Tây Tạng có thể nói là một bức tranh phức hợp, trong đó thần thoại đan xen với sự thật, tôn giáo đan xen với chính trị, tuy nhiên đứng trên hết vẫn là Phật giáo. Người Tây Tạng đánh dấu những sự kiện quan trọng dựa theo thời điểm Phật giáo du nhập và phát triển trên vùng đất cao nguyên này của họ. Việc tu tập Phật pháp xen kẽ gần gũi với đời thường đến nỗi người Tây Tạng nhìn những cảnh giới tâm linh siêu hình cũng hiện thực không kém gì cảnh giới vật chất. Họ suy nghĩ bằng những biểu tượng và ẩn dụ, qua lại, khiến cho hai chiều tâm linh và vật chất dường như không hề có gì khác biệt.

Tây Tạng - một cực của thế giới
Cờ LungTa
Tất cả những phong tục, tập quán, tôn giáo… của các nước xung quanh khi du nhập vào Tây Tạng đều được tùy chỉnh và tô điểm với những màu sắc rực rỡ của một vùng cao nguyên đầy nắng.

Cờ Lungta

Đi dọc Tây Tạng, Nepal, Bhutan…, hình ảnh những lá cờ Lungta xanh - đỏ - tím - vàng bay phấp phới trên nền trời xanh có lẽ là điều đầu tiên thu hút khách thập phương khi du lịch qua vùng Himalaya. Đó là hơi thở của Himalaya cũng như Tây Tạng. Lungta là “ngựa gió”, chính vì lẽ đó cờ Lungta còn được gọi là cờ “phong mã”. Trong quan niệm của người dân sống lâu đời trên thảo nguyên bạt ngàn, ngựa và gió là phương tiện vận chuyển, vừa mang lời cầu nguyện của con người lên trời, vừa đem những điều tốt đẹp từ trên trời xuống nhân gian.

Những lá cờ Lungta thường được làm bằng vải hình chữ nhật nhỏ 5 màu, được xâu chuỗi và treo dọc theo các sống núi, các đỉnh cao của dãy Himalaya. Trên cờ trang trí những hình ảnh, thần chú và các lời cầu nguyện. Biểu tượng chính của lá cờ là hình ảnh ngựa gió ở chính giữa, đại diện cho Tam Bảo và quyền năng của Phật giáo. Ở 4 góc của lá cờ là hình những linh thú như con chim huyền thoại Garuda, rồng, sư tử tuyết và hổ. 4 linh thú này đại diện cho 4 phẩm chất thiêng liêng: Trí tuệ (chim thần Garuda), quyền lực (rồng), lòng tin (hổ) và vô úy - không sợ hãi (sư tử tuyết). 4 con vật này mang theo gió lời chúc phúc đến 4 phương trên trái đất.

Về nguồn gốc lá cờ Lungta, có quan điểm cho rằng, nó bắt nguồn từ Bon giáo. Bon giáo chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, coi thế giới gồm 5 thành phần (ngũ đại) và lấy 5 màu cơ bản để làm cờ đại diện. Khi Phật giáo hội nhập Tây Tạng thì 5 màu cơ bản ấy tương đương với Ngũ trí Phật, cũng tương ứng với 5 vị Độ Mẫu chuyên cứu độ loài người. Có loại Lungta in hình Phật, có loại in hình các linh thú chuyên chở kinh Phật, và trên nền luôn là các bài kinh hoặc chân ngôn Mật Tông.

Các lá cờ xếp theo thứ tự vàng, xanh dương, đỏ, trắng và xanh lục. Theo chiều thẳng đứng thì màu vàng ở dưới cùng và màu xanh lục ở trên cùng. Theo chiều ngang thì thứ tự có thể đi từ phải sang trái hoặc từ trái sang phải. Sự cân bằng của ngũ đại mang lại sự hài hòa với môi trường, cũng như sức khỏe cho cơ thể và tâm trí.

Người Tây Tạng tin rằng, khi gió thổi đến, những lời cầu nguyện và chân ngôn được ghi trên lá cờ sẽ lan tỏa khắp không gian và mang phước lành tới cho tất cả chúng sinh. Khi những ngọn gió lướt trên bề mặt của các lá cờ vốn rất nhạy cảm với sự chuyển động của không khí, không gian sẽ được minh chú tịnh hóa và trở nên tràn đầy phúc lành. Chính vì những quan niệm đẹp đó mà tục treo cờ Lungta trở thành một nghi thức tâm linh, vừa đơn giản lại vừa thiêng liêng.

Tây Tạng - một cực của thế giới
Tây Tạng một thế giới

* Theo “Tây Tạng huyền bí và Nghệ thuật sinh tử”, Đặng Hoàng Xa, Omega Plus và NXB Thế giới, tái bản năm 2020, với sự cho phép của đại diện tác giả Đặng Hoàng Xa và Omega Plus.

Kỹ sư Đặng Hoàng Xa (1947-2017) tốt nghiệp Đại học San Francisco, kỹ sư trưởng của nhiều dự án phát triển phần mềm của các công ty tin học tại Thung lũng Silicon. Các đầu sách đã xuất bản tại Việt Nam của ông gồm “Phật giáo và Tâm thức” (2014), “Câu chuyện Do Thái: Lịch sử và thăng trầm của một dân tộc” (2015), “Câu chuyện Do Thái: Văn hóa, truyền thống và con người” (2016), “Tây Tạng huyền bí và nghệ thuật sinh tử” (2017).

Trần Thế Vinh

Petrotimes.vn

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps