Tăng trưởng nhu cầu dầu chậm lại ở Ấn Độ báo hiệu điều gì?

08:00 | 27/09/2023

354 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhà phân tích thị trường John Kemp của Reuters mới đây cảnh báo rằng, tăng trưởng nhu cầu dầu chậm lại của Ấn Độ có thể là lực cản đối với giá dầu mặc dù tiêu thụ gần đây đã đạt mức cao kỷ lục.
Tăng trưởng nhu cầu dầu chậm lại ở Ấn Độ báo hiệu điều gì?

Ngành dầu mỏ của Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ khi tiêu thụ tăng khoảng 255.000 thùng/ngày trong 7 tháng đầu năm nay, song dự kiến ​​chậm lại trong những tháng còn lại của năm. Các nhà phân tích hàng hóa cũng đã bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự suy giảm nhu cầu khi giá dầu tiếp tục tăng.

"Tôi nghĩ cần thấy giá dầu thô ở mức 100 - 110 USD/thùng trong khi giá xăng tăng lên tới 4 - 4,25 USD/gallon để người tiêu dùng thay đổi thói quen lái xe dẫn đến sự phá hủy nhu cầu. Chúng tôi tin rằng sẽ có sự sụt giảm đáng kể về nhu cầu ở mức giá trên 95 USD/thùng đối với dầu WTI. Điều này sẽ đẩy giá dầu trở lại phạm vi hợp lý", Andy Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates cho hay.

Trên thực tế, những lo ngại giảm giá này có thể là quá mức, ít nhất là về phía Ấn Độ. Dữ liệu mới nhất của S&P Global cho thấy, tăng trưởng nhu cầu dầu ở Ấn Độ thực sự đã tăng lên 270.000 thùng/ngày trong tháng 8 so với năm ngoái, tức 6% nhờ nền kinh tế mạnh hơn dự kiến. Nhu cầu dầu của Ấn Độ dự kiến ​​sẽ tăng trở lại trong quý tính từ tháng 10 đến tháng 12 do mùa lễ hội bắt đầu sau khi gió mùa ở Ấn Độ qua đi.

Tăng trưởng nhu cầu dầu của Ấn Độ dự kiến ​​đạt trung bình 239.000 thùng/ngày trong năm 2023, cao hơn 7% so với mức của năm 2019, với tăng trưởng nhu cầu vào năm 2024 dự kiến ​​sẽ cao hơn 11% so với năm 2019.

Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã chiếm phần lớn trong tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu nhờ sự bùng nổ kinh tế của đất nước. Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy cỗ máy tăng trưởng của Trung Quốc cuối cùng đã trượt dốc và có thể không bao giờ quay trở lại thời kỳ huy hoàng.

Những yếu tố giúp duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khó có thể được lặp lại trong thập kỷ tới, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng bất động sản và đầu tư của chính quyền địa phương. Quả thực, suy thoái kinh tế của Trung Quốc chủ yếu biểu hiện ở sự suy giảm của lĩnh vực bất động sản, điều này hầu như không gây ngạc nhiên khi ngành này chiếm tới 20 - 25% GDP vào thời kỳ đỉnh cao. Thật không may, số lượng nhà mới xây hàng năm hiện nay đã giảm 57%, và lĩnh vực này dự kiến ​​sẽ vẫn thấp hơn một nửa quy mô trước đó trong thập kỷ tới. Từ đó, Trung Quốc có nguy cơ mất đi vị thế trên thị trường dầu toàn cầu.

Emma Richards, nhà phân tích cấp cao tại Fitch Solutions Ltd có trụ sở tại London, nói với The Times of India: "Vai trò của Trung Quốc như một động cơ tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu đang mờ dần nhanh chóng". Theo vị chuyên gia, trong thập kỷ tới, thị phần tăng trưởng nhu cầu dầu tại các thị trường mới nổi của Trung Quốc sẽ giảm từ gần 50% xuống chỉ còn 15% trong khi thị phần của Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi lên 24%.

Bên cạnh sự suy thoái trong nền kinh tế khiến Trung Quốc trở thành một thành viên kém quan trọng hơn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Lĩnh vực xe điện đang bùng nổ của nước này cũng sẽ nhanh chóng làm giảm nhu cầu dầu nhanh hơn nhiều so với Ấn Độ.

Các số liệu cho thấy, Trung Quốc đã bán được 6,1 triệu xe điện vào năm 2022 so với chỉ 48.000 chiếc được bán ở Ấn Độ.

Trước đó, Sinopec đã điều chỉnh hạ dự báo nhu cầu dầu, cho biết nhu cầu xăng trong nước đạt đỉnh đã qua và sẽ xuống dốc từ đây do cuộc cách mạng xe điện của Trung Quốc. Nếu dự báo này là chính xác, hậu quả sẽ mang tính toàn cầu vì Trung Quốc từ lâu đã là thị trường tăng trưởng lớn nhất cho các sản phẩm dầu mỏ.

Theo CNEV Post, người mua ô tô mới ở Trung Quốc hiện đang lựa chọn "phương tiện sử dụng năng lượng mới" (NEV) với tỷ lệ 37,8%, tăng từ mức 5,4% vào năm 2020, trong khi các nước Scandinavi như Na Uy là 87,8%, Iceland 56,1% và Thụy Điển 56,1% dẫn đầu về việc áp dụng xe điện. Trung Quốc vẫn bán được số xe điện nhiều hơn khoảng 10 lần so với cả ba nước đó cộng lại. Hơn nữa, Trung Quốc còn nhiều dư địa để tăng trưởng nhờ dân số đông và chưa đến 5% ô tô trên đường của Trung Quốc là xe NEV. Sinopec hiện dự báo từ năm 2024 trở đi, nhu cầu xăng sẽ giảm.

Về phần mình, Ấn Độ không quá vội trong việc thúc đẩy năng lượng sạch. Năm ngoái, Bộ trưởng Than đá Ấn Độ tuyên bố nước này không có ý định sớm loại bỏ than khỏi nguồn năng lượng của mình. Bộ trưởng Pralhad Joshi cho biết than sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng ở Ấn Độ cho đến ít nhất là năm 2040, coi nhiên liệu này là nguồn năng lượng có giá cả phải chăng mà nhu cầu vẫn chưa đạt đỉnh ở Ấn Độ.

Ông Joshi nói: "Không có sự chuyển đổi khỏi than đá nào xảy ra trong tương lai gần ở Ấn Độ", đồng thời nhấn mạnh rằng nhiên liệu này sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng cho đến năm 2040, thậm chí xa hơn.

Bình An