Tăng trưởng kinh tế - Những vấn đề đáng quan tâm
![]() | Dầu khí là một ngành mạo hiểm, rủi ro muôn vàn |
![]() | PVN góp phần quan trọng cân đối ngân sách Trung ương |
![]() | Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Dầu khí là ngành kinh tế rất quan trọng của đất nước” |
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Hướng tập đoàn kinh tế tư nhân vào sản xuất
![]() |
Thành tựu kinh tế năm 2018 rất ấn tượng, tăng trưởng đạt 7,08%, cao nhất trong 11 năm qua, xu thế này được giữ qua quý I/2019 khi đạt con số 6,79%. Tuy nhiên, phần tăng thu ngân sách lại nhờ tiền thu từ sử dụng đất và đây không phải kết quả của thu bền vững. Trong khi thu từ khu vực sản xuất của các doanh nghiệp (DN) không đạt, thấp nhất là khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lĩnh vực FDI tăng trưởng rất mạnh nhưng phần đóng góp cho ngân sách chỉ đạt 83,6% dự toán. Nếu nhìn tổng thể số thu ngân sách có thể là kết quả tốt, nhưng về bản chất thì chưa tốt. Điều đó phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN chưa cao và việc quản lý thu cần phải xem xét.
Tôi tâm đắc với định hướng của Chính phủ khi đặt ra vấn đề phải thúc đẩy phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân. Bởi từ trước tới nay chúng ta chỉ coi kinh tế tư nhân là trụ cột của tăng trưởng, nhưng kinh tế tư nhân chung chung là chưa đủ, mà phải dựa vào các tập đoàn lớn, khi đó mới tạo ra được các chuỗi giá trị và thực sự đóng góp lớn cho tăng trưởng. Còn nếu chỉ phát triển kinh tế tư nhân thông thường, gia công cho các tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài thì phần “giá trị mới” rất thấp, không tạo ra được tăng trưởng.
Để thực hiện định hướng này, cần lưu ý hai vấn đề.
Thứ nhất, cần xem lại việc hình thành, phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân xuất phát từ đâu, dựa vào cái gì? Thực tế, các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước hiện nay phần lớn dựa vào khai thác các yếu tố lợi thế như tài nguyên, bất động sản, thương mại…, đây là con đường các nước phát triển đã thực hiện từ thế kỷ XV, XVI. Điều quan trọng là các tập đoàn kinh tế tư nhân phải dựa vào sản xuất để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ví dụ, chúng ta có lĩnh vực rất lợi thế như dệt may, nhưng hiện sản xuất của ngành dệt may chủ yếu là gia công.
![]() |
Thứ hai, cần quan tâm đến việc chọn lựa, thu hút FDI. Trong 16.000 DN FDI có báo cáo, có tới 52% DN báo cáo lỗ, mất vốn nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều đó cho thấy có “lỗ hổng” trong quản lý, thu hút FDI.
Tôi đề nghị cần có định hướng trong việc thu hút FDI, ưu tiên các lĩnh vực DN trong nước chưa thể phát triển được, không nên thu hút FDI tràn lan, tạo nên sự cạnh tranh không có lợi giữa DN FDI với DN trong nước.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre): Cải cách hành chính chưa như mong đợi
![]() |
Bên cạnh những kết quả đạt được, tôi nhận thấy một số vấn đề còn hạn chế trong điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ. Vai trò kiến tạo của Chính phủ trong cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, chưa đạt được như mong đợi. Việc thực hiện cơ chế một cửa chưa đạt hiệu quả, thể hiện ở việc tiếp nhận hồ sơ ở một cửa, nhưng khi giải quyết thủ tục hành chính thì DN vẫn phải gặp trực tiếp cơ quan có thẩm quyền. Trong điều hành kinh tế - xã hội còn phát sinh sự “đối đầu” giữa chính quyền với DN, nhân dân. Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) không còn giữ vai trò đầu tàu trong điều tiết nền kinh tế như trước.
Cùng với đó, thị trường lao động hiện nay chưa có sự hài hòa giữa các khu vực. Cần xem xét lại chất lượng dạy nghề nông thôn, thực chất chưa giải quyết được vấn đề nâng cao năng suất lao động của nông dân.
Trong lĩnh vực y tế, thời gian qua, đầu tư cho công tác phòng bệnh chưa được quan tâm đúng mức. Y tế cơ sở, nhất là y tế tuyến xã, chưa đáp ứng được nhu cầu bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tình trạng bạo lực học đường, chạy điểm, gian lận trong thi cử vẫn đang diễn ra.
Tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, những vụ tai nạn do người sử dụng rượu bia, ma túy và các chất kích thích khác gây ra ngày càng nhiều và mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Đại biểu Giàng A Chu (Đoàn Yên Bái): Tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa đồng bộ
![]() |
Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong năm 2018, cụ thể là hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao (3 chỉ tiêu đạt và 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch); tăng trưởng kinh tế 7,08%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức 3,54%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,35%, riêng các huyện nghèo giảm trên 5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; lạm phát được kiểm soát theo đúng mục tiêu Quốc hội đề ra...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phải quan tâm như: Tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa đồng bộ, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, nhất là tỷ lệ hộ nghèo ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số (gần 25%). Bên cạnh đó, tình trạng hạ tầng giao thông xuống cấp chậm được khắc phục. Quản lý tài nguyên, khoáng sản, nhất là tài nguyên đất đai, còn lỏng lẻo. Thủ tục hành chính còn rườm rà. Công tác phòng chống dịch bệnh chưa kịp thời và thiếu kiên quyết, điển hình là việc xử lý dịch tả lợn châu Phi đã bộc lộ những hạn chế.
Đáng chú ý, tình trạng khiếu kiện vẫn còn phức tạp, nguyên nhân là do chưa giải quyết dứt điểm. Cần phải chấn chỉnh việc giải quyết khiếu kiện từ cấp cơ sở. Đề nghị Quốc hội thực hiện kiểm tra, giám sát việc giải quyết khiếu kiện.
Đại biểu Dương Quốc Anh (Đoàn Gia Lai): Xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn
![]() |
Độ mở của nền kinh tế lớn, kim ngạch xuất khẩu cao, tuy nhiên diễn biến kinh tế khó lường. Kinh tế mở nhưng chính sách bảo hộ cao. Nền kinh tế của chúng ta chưa bền vững; thu - chi ngân sách còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, chi cho đầu tư thấp. Cùng với đó, có sự mất cân đối giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn; nợ công trên GDP giảm nhưng nợ quốc gia đang tăng, phần nợ của DN lớn; nền kinh tế dựa vào FDI; thủ tục hành chính còn khó khăn; chi phí DN còn cao. Việc giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn do sự phối hợp giữa các ngành còn yếu; giải ngân chậm, một phần do “vướng” luật (Luật Đầu tư công).
Trong 4 tháng đầu năm 2019, công nghiệp suy giảm, thu hút FDI không bằng cùng kỳ năm 2018. Việc tăng giá điện trong thời điểm hiện nay có thể tạo áp lực lạm phát trong quý II/2019 và cuối năm.
Trước tình hình đó, tôi đề nghị cần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực chất. Cần phải cởi trói cho DN. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc giải ngân vốn ODA. Trong hoạt động ngân hàng, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện tốt Nghị quyết số 42/2017/QH14, ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để ngân hàng thương mại giảm lãi suất. Việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cũng phải rốt ráo hơn. Hiện có 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, tuy nhiên vốn Nhà nước chưa bảo đảm yêu cầu cho vay. Để tăng vốn, Nhà nước có thể nghiên cứu, áp dụng việc chia cổ tức bằng trái phiếu để giữ lại tiền cho ngân hàng thương mại hoạt động.
Minh Loan (ghi)
-
5 địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế trong quý I/2025
-
Tin tức kinh tế ngày 12/4: Chính phủ giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng từ 8%
-
Tin tức kinh tế ngày 9/4: ADB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2025 tăng trưởng 6,6%
-
Tin tức kinh tế ngày 8/4: Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới
-
Bộ Tài chính điều chỉnh kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025
-
Thủ tướng: Chúng ta đang nắm trong tay trách nhiệm và sứ mệnh vẻ vang trước mối đe dọa lớn nhất với hành tinh
-
Doanh nghiệp nhà nước nộp gần 400 nghìn tỷ đồng vào ngân sách năm 2024, đẩy mạnh chuyển đổi số
-
Quảng Ngãi và Kon Tum họp bàn việc sáp nhập, trình Trung ương trước tháng 5