Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp

06:41 | 10/10/2022

1,671 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 9/10, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức hội thảo “Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp”.

Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của Chương trình bình chọn, trao tặng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2022 (VDA 2022) do VDCA chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) bảo trợ, Tạp chí điện tử VietTimes là cơ quan tổ chức thực hiện.

Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp
Toàn cảnh hội thảo

TS. Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch VDCA, Trưởng Ban Tổ chức VDA 2022 cho biết mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá việc tăng tốc chuyển đổi số ở các tổ chức chính trị, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp vì lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp triển khai những sáng kiến số.

"Hội thảo là một sự kiện thiết thực của VDCA để hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", TS. Nguyễn Minh Hồng nói.

Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội thảo

Phát biểu chào mừng hội thảo và chia sẻ về hành trình chuyển đổi số của Việt Nam, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ TT&TT, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số khẳng định: Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số.

Bộ TT&TT đã hoàn thành cổng thông tin chuyển đổi số quốc gia: dx.gov.vn. Trong đó, chuyên trang Cẩm nang số là cuốn sách ghi lại những điều quan trọng, thiết yếu nhất về chuyển đổi số. Khi gặp những khó khăn chưa thể giải quyết, cẩm nang dẫn giải những nội dung cơ bản nhất, để giúp chúng ta tìm ra giải pháp. Tới nay, chuyên trang số có gần 10 triệu lượt truy cập. "Tri thức trong cuốn cẩm nang có thể chưa xuất sắc nhưng sẽ luôn miễn phí", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có thể tìm thông tin về chuyển đổi số thông qua chuyên trang SMEdx. Khi truy cập chuyên trang này, DNVVV sẽ được tiếp cận, trải nghiệm những mô hình, nền tảng số xuất sắc của Việt Nam miễn phí trong 6 tháng.

Sau giai đoạn này, nếu thấy hữu ích, DNNVV có thể tiếp tục ký hợp đồng 1 năm nhưng chỉ phải trả phí cho 6 tháng. Đến nay, gần 7.000 doanh nghiệp đã ký hợp đồng sử dụng thật, mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Người dân có thể tìm thông tin chuyển đổi số tại chuyên trang Xã hội số: congdanso.mic.gov.vn. Chuyên trang này sẽ hướng dẫn người dân mua sắm trực tuyến; Mở tài khoản thanh toán trực tuyến; Mở các dịch vụ số (vé xe, học tập, thanh toán, trả tiền điện, nước).

Bộ TT&TT cũng tập hợp và công bố hơn 150 bài toán chuyển đổi số mà các cá nhân, tổ chức gặp phải trong quá trình chuyển đổi số trên trang c63.mic.gov.vn. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng cung cấp nền tảng học trực tuyến, bồi dưỡng kỹ năng số cho hàng triệu công chức, viên chức trên cả nước tại chuyên trang onetouch.mic.gov.vn. "Onetouch" là giải quyết tất cả vấn đề chỉ bằng 1 chạm. Các khoá học trên chuyên trang này đều miễn phí.

Cùng với đó, Bộ TT&TT còn phát động chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng 2022, nhằm ngăn chặn tình trạng các máy chủ Việt Nam thực hiện phát tán mã độc, tham gia vào hạ tầng điều khiến các 'Bot net'.

Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp
Các đại biểu trao đổi, chia sẻ tại hội thảo

Hội thảo chia làm 2 phiên chuyên sâu. Phiên 1 với chủ đề “Tăng tốc chuyển đổi số ở các cơ quan Nhà nước, vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp" và phiên 2 với chủ đề "Tăng tốc Chuyển đổi số ở các Doanh nghiệp, vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp".

Theo Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) Nguyễn Phú Tiến chia sẻ, nếu coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch, và năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Tính đến nay, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số. Đáng chú ý, thống kê mới nhất của Cục chuyển đổi số quốc gia cho thấy, tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021; Tuy vậy, vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra cho năm 2025: 20% GDP.

Năm 2022, định hướng trọng tâm của công tác chuyển đổi số quốc gia là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua: Phổ cập dịch vụ trực tuyến, phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; Phổ cập nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu; Phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử; Phổ cập nền tảng dạy học trực tuyến; Phổ cập nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe.

Ông Phùng Văn Trọng - Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, chuyển đổi số đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Nhờ chuyển đổi số, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục hành chính lĩnh vực vận tải ở bất cứ đâu; có thể tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ; được hỗ trợ số hóa, lưu trữ hồ sơ để tái sử dụng lần sau.

Với cơ quan quản lý nhà nước, từ quá chuyển đổi số đã hình thành được dữ liệu tập trung về vận tải gồm doanh nghiệp, phương tiện, người đăng ký phương tiện, tuyến, hợp đồng vận tải… phục vụ công tác quản lý, điều hành.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - Giám đốc tăng trưởng GapoWork, không gian làm việc số (digital workplace) cung cấp cho nhân viên các công cụ, nền tảng và dịch vụ công nghệ thông tin để làm việc và công tác mọi lúc mọi nơi với chế độ bảo mật phù hợp; Giúp tối ưu trải nghiệm làm việc của nhân sự, từ đó thúc đẩy năng suất; đồng thời đáp ứng được nhiều cấp bậc nhân sự trong tổ chức với nhu cầu và khả năng công nghệ khác nhau.

Nếu không có không gian làm việc số, công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ gặp hàng loạt trở ngại, như: độ trễ và sự minh bạch trong trao đổi công việc giữa các cấp; Chất lượng về tốc độ phối hợp công việc bị hạn chế; Tính liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng sẽ kém hơn, phát sinh nhiều tác vụ thủ công, tốn nguồn lực và tạo nhiều lỗ hổng trong đồng bộ thông tin; Lãnh đạo khó kiểm soát thông tin hơn, có thể gặp rủi ro thất thoát thông tin; Thiếu sự đồng bộ, kịp thời và đa chiều trong truyền đạt thông tin trong đơn vị…

Không gian làm việc số sẽ giúp hỗ trợ lực lượng lao động phân tán khắp nơi, bổ trợ và giải quyết một số vấn đề cho không gian vật lý. Không gian làm việc số cũng sẽ phá bỏ rào cản giữa nhân sự, thông tin và quy trình: tách bạch giữa công việc và cuộc sống; Quản trị linh hoạt, tăng sự hiện diện của lãnh đạo; Quản trị tinh gọi, tăng tốc xử lý thông tin qua thúc đẩy giao tiếp.

N.H

“Google” của ngành bất động sản 4.0“Google” của ngành bất động sản 4.0
Đẩy mạnh chuyển đổi số BIDV hướng tới mục tiêu “Lấy khách hàng là trung tâmĐẩy mạnh chuyển đổi số BIDV hướng tới mục tiêu “Lấy khách hàng là trung tâm"
Thúc đẩy chuyển đổi số bằng công nghệ điện toán đám mây Việt NamThúc đẩy chuyển đổi số bằng công nghệ điện toán đám mây Việt Nam