Tăng nặng các mức xử phạt vi phạm giao thông từ ngày 1/1/2022

18:40 | 31/12/2021

314 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ ngày 1/2/2022, nhiều hành vi vi phạm giao thông được tăng mức phạt lên 10 lần, có hành vi bị phạt tới 150 triệu đồng.
Tăng nặng các mức xử phạt vi phạm giao thông từ ngày 1/1/2022

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định số 100/2019/NĐ-CP), hàng không dân dụng.

Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi các nội dung liên quan đến việc thay đổi quy định về mức xử phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đường bộ từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng đối với cá nhân; sửa đổi thẩm quyền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt gồm mức xử phạt tiền và thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm, theo quy định mới này sẽ giảm việc phải chuyển các vụ việc vi phạm từ cấp dưới lên cấp trên để ra quyết định xử phạt. Nghị định 123 cũng điều chỉnh tăng nhiều hành vi vi phạm so với Nghị định số 100.

Theo đó, người đi môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai có mức phạt 400.000-600.000 đồng thay vì 200.000-300.000 đồng như Nghị định số 100.

Tăng mức phạt 800.000-1,2 triệu đồng lên 1-2 triệu đồng đối với người chạy xe máy không có bằng lái, hoặc dùng bằng lái bị tẩy xóa, bằng lái không hợp lệ. Với người lái môtô trên 175 cm3, mức phạt hành vi này tăng 1,2-3 triệu đồng lên 2-4 triệu đồng.

Với tài xế ôtô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ, mức phạt tăng 3-5 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng, tước bằng lái xe 2-4 tháng.

Các hành vi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để tài xế xe khác biết khi buộc phải dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định, quay đầu xe trên đường cao tốc mức phạt tăng từ 6-8 triệu đồng lên 10-12 triệu đồng, tước bằng lái xe 2-4 tháng.

Hành vi lái ôtô có lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc hai bên thành xe bị phạt 1-2 triệu đồng thay vì 800.000-1 triệu đồng như hiện nay

Với những người lái ôtô gắn không đủ biển số hoặc biển số không đúng vị trí, không rõ chữ; bị bẻ cong, che lấp; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ số hoặc đổi màu của chữ số, nền biển mức phạt tăng từ 800.000-1 triệu đồng lên mức 4-6 triệu đồng. Với người điều khiển xe máy, hành vi này bị phạt từ 300.000-400.000 đồng thay vì 100.000- 200.000 đồng như trước đây.

Với ôtô quá hạn kiểm định dưới 1 tháng, người lái xe sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng thay vì 2-3 triệu đồng như hiện nay, tước bằng lái xe 1-3 tháng.

Người lái ôtô có bằng lái hết hạn dưới 3 tháng bị phạt 5-7 triệu đồng thay vì 4-6 triệu đồng như trước đây.

Người lái ôtô có bằng lái xe hết hạn trên 3 tháng; không có bằng lái xe; tẩy xóa, sử dụng bằng lái xe không hợp lệ bị phạt 10-12 triệu đồng thay cho mức 4-6 triệu đồng như Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, bị tịch thu bằng lái xe.

Với hành vi đón, trả khách trên cao tốc nghị định tăng mức phạt 5-7 triệu đồng lên 10-12 triệu đồng, tước bằng lái 2-4 tháng.

Với hành vi bán biển số xe giả, mức phạt tăng từ 1-2 triệu đồng lên 10-12 triệu đồng với cá nhân, từ 2-4 triệu đồng lên 20-24 triệu đồng với tổ chức. Hành vi tổ chức sản xuất, lắp ráp biển số xe trái phép mức phạt tăng từ 3-5 triệu đồng lên 30-35 triệu đồng với cá nhân, từ 6-10 triệu đồng lên 60-70 triệu đồng với tổ chức.

Với hành vi đua mô tô, xe máy, xe đạp điện trái phép, mức phạt tăng từ 7-8 triệu lên 10-15 triệu đồng, tịch thu xe; hành vi đua ôtô trái phép mức phạt tăng từ 8-10 triệu đồng lên 20-25 triệu đồng, tịch thu xe.

Hành vi chở quá tải cũng được tăng mức phạt rất cao với tài xế lẫn chủ xe. Chở quá tải trên 10-20%, mức phạt tăng gấp đôi, lên 4-6 triệu đồng; chở quá tải trên 20-50% mức phạt tăng lên đến 15 triệu đồng, tước bằng lái đến 3 tháng...

Tài xế chở quá tải trên 50% mức phạt tăng từ 5-7 triệu đồng lên 40-50 triệu đồng, tước bằng lái 3-5 tháng thay vì 1-3 tháng như trước đây. Trường hợp này chủ xe là cá nhân mức phạt tăng từ 14-16 lên 70-75 triệu đồng, chủ xe là tổ chức mức phạt tăng từ 28-32 triệu đồng lên 140-150 triệu đồng.

Nghị định bổ sung mức phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng đối với người điều khiển, chủ xe trốn tránh, không trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ khi lưu thông qua các trạm thu phí.

Với hành vi liên quan đến thu phí không dừng (ETC), nghị định mô tả lại hành vi là "điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí ETC (xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn ETC) đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức ETC tại các trạm thu phí". Người vi phạm bị phạt từ 1-2 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 1 đến 3 tháng.

Xử phạt vi phạm giao thông: Tăng tiền phạt là cần thiết nhưng chưa đủXử phạt vi phạm giao thông: Tăng tiền phạt là cần thiết nhưng chưa đủ
Tăng cường phạt Tăng cường phạt "nguội", mua ôtô phải có tài khoản ngân hàng
Các lỗi mà người đi xe máy sẽ bị tước bằng láiCác lỗi mà người đi xe máy sẽ bị tước bằng lái