Gỡ “nút thắt” nguồn cung, bình ổn thị trường vật liệu xây dựng

14:37 | 09/07/2025

7 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 2/7/2025, Nghị định số 193/2025/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản. Một trong những nội dung đáng chú ý là quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhóm khoáng sản nền tảng trong thi công hạ tầng, nhà ở và các dự án đầu tư công.

Nghị định gồm 11 chương, 155 điều, bao quát toàn diện các hoạt động điều tra địa chất, thăm dò, khai thác, chế biến, thu hồi khoáng sản, đóng cửa mỏ, quản lý dữ liệu và thông tin địa chất - khoáng sản. Riêng đối với khoáng sản nhóm IV gồm đất đồi, đất sét, cát các loại, đất lẫn sỏi đá... dùng làm vật liệu xây dựng thông thường Nghị định nêu rõ phạm vi, điều kiện và thời hạn cấp phép khai thác.

Khoáng sản nhóm IV chỉ được phép khai thác để sử dụng làm vật liệu san lấp, đắp nền công trình, xây dựng thủy lợi, phòng chống thiên tai… Giấy phép khai thác khoáng sản nhóm này có thời hạn tối đa 10 năm đối với các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư hợp pháp, và có thể gia hạn nhiều lần nhưng tổng thời gian không quá 5 năm. Với trường hợp khai thác phục vụ công trình cấp bách, thời hạn giấy phép sẽ phụ thuộc vào tiến độ thực hiện dự án nhưng không vượt quá thời gian thi công ghi trong hồ sơ.

Gỡ “nút thắt” nguồn cung, bình ổn thị trường vật liệu xây dựng
Ảnh minh họa.

Theo Nghị định, để được cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng đồng thời các điều kiện: có quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác; đã được phê duyệt đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường; khu vực khai thác đã được khảo sát hoặc thăm dò và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Đặc biệt, việc khai thác phải tuân thủ nguyên tắc bảo vệ môi trường, không gây ảnh hưởng đến đời sống dân cư hoặc an ninh - quốc phòng.

Quy trình xử lý hồ sơ được rút gọn đáng kể, với tổng thời gian tối đa chỉ khoảng 20 ngày làm việc. Cụ thể: trong vòng 15 ngày từ khi nhận hồ sơ, cơ quan thẩm định sẽ kiểm tra tài liệu, khảo sát thực địa và lấy ý kiến các cơ quan liên quan (nếu cần). Các đơn vị được lấy ý kiến có 5 ngày để trả lời; nếu không phản hồi sẽ được coi là đồng thuận. Trong 3 ngày tiếp theo, cơ quan thẩm định sẽ hoàn tất việc đánh giá và trình hồ sơ lên UBND cấp tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh có 3 ngày để quyết định cấp hoặc không cấp phép. Nếu đồng ý, trong 2 ngày tiếp theo, tổ chức, cá nhân sẽ được thông báo và hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ tài chính. Sau khi hoàn tất nghĩa vụ, giấy phép sẽ được bàn giao ngay trong vòng 2 ngày.

Trình tự này được đánh giá là tiến bộ so với trước đây, vốn có tình trạng xử lý chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ công trình và gia tăng chi phí đầu vào trong xây dựng. Cải cách này không chỉ nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước mà còn góp phần ổn định thị trường khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Bình ổn giá vật liệu, thúc đẩy đầu tư công và nhà ở

Việc ban hành Nghị định 193/2025/NĐ-CP diễn ra trong bối cảnh thị trường vật liệu xây dựng biến động mạnh. Theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2025, giá nhiều loại vật liệu như cát, đá, sỏi, vật liệu san lấp… tăng cao bất thường, gây áp lực lớn lên tổng chi phí đầu tư. Tình trạng đầu cơ, găm hàng, cùng việc chậm cấp phép mỏ mới khiến nguồn cung bị thu hẹp, ảnh hưởng tiêu cực tới tiến độ các dự án đầu tư công và nhà ở xã hội.

Thống kê từ Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho thấy, sản lượng xi măng 6 tháng đầu năm đạt gần 50 triệu tấn (tăng 18%), tiêu thụ khoảng 54 triệu tấn. Sản lượng gạch ốp lát đạt 225 triệu m², tiêu thụ 220 triệu m². Vật liệu xây không nung đạt 2,5 tỷ viên quy tiêu chuẩn, tăng 8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá thành nhiều sản phẩm vẫn chịu tác động lớn từ biến động chi phí nguyên liệu.

Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện về tăng cường quản lý, bình ổn giá vật liệu xây dựng, yêu cầu các bộ ngành, địa phương chấn chỉnh công tác cấp phép, xử lý nghiêm hành vi thao túng thị trường và đảm bảo cung ứng kịp thời cho các công trình.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, yêu cầu các địa phương triển khai nghiêm túc, tránh để thiếu hụt vật liệu làm chậm tiến độ các công trình hạ tầng trọng điểm, nhà ở và dự án bất động sản.

Cùng với việc khơi thông nguồn cung khoáng sản hợp pháp, thị trường xây dựng trong nước vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực. Theo Vụ Quản lý doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất kinh doanh của 10/14 doanh nghiệp lớn trong ngành ước đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng 3,5%; doanh thu đạt khoảng 29.700 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ; lợi nhuận vượt kế hoạch 6 tháng hơn 100 tỷ đồng. Giá trị đầu tư toàn ngành đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng gần 10%.

Những con số này cho thấy, nếu cơ chế chính sách cấp phép khai thác khoáng sản được triển khai đồng bộ, minh bạch và hiệu quả như Nghị định 193/2025/NĐ-CP quy định, sẽ tạo cú hích quan trọng giúp ngành xây dựng tiếp tục tăng trưởng, đóng góp thiết thực vào ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Đình Khương

  • bidv-14-4