Tăng cường mạng lưới cảnh báo phản ứng có hại của thuốc

17:47 | 31/08/2011

527 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Việc theo dõi phản ứng có hại của thuốc để xem sử dụng thuốc có đúng chỉ định, hợp lý, hiệu quả hay không là yêu cầu cấp thiết của ngành y tế.

Lễ ra mắt Trung tâm thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc khu vực phía Nam

Hiện nay, vấn đề sử dụng thuốc quá liều, quá ít hoặc không phù hợp diễn ra khá phổ biến, gây hại cho người sử dụng và gây lãng phí tiền của. Trong nhiều trường hợp, thuốc có thể gây ra những tác dụng không mong muốn, nặng có thể gây ra dị tật bẩm sinh, tàn tật vĩnh viễn, nguy hiểm đến tính mạng. Việc theo dõi phản ứng có hại của thuốc để xem sử dụng thuốc có đúng chỉ định, hợp lý, hiệu quả hay không là yêu cầu cấp thiết của ngành y tế.

Ngày 31/8, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức ra mắt Trung tâm thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc khu vực phía Nam, hoạt động dưới sự quản lý hành chính của Bệnh viện Chợ Rẫy. Trung tâm có chức năng quản lý báo cáo về an toàn thuốc và cảnh giác dược trong khu vực từ Đà Nẵng trở vào. Các báo cáo về an toàn thuốc từ các cơ sở y tế gởi đến sẽ được trung tâm kiểm tra, phân tích và thẩm định sau đó phản hồi kết quả để thực hiện các hoạt động sửa chữa, phòng ngừa các vấn đề liên quan đến an toàn thuốc.

Sau 5 tháng thành lập, đến nay trung tâm đã nhận và xử lý hơn 100 báo cáo về an toàn thuốc từ các cơ sở điều trị, góp phần tích cực vào việc sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả. Đồng thời, trung tâm cũng thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận nghiên cứu, theo dõi phản ứng có hại đối với các loại thuốc đang lưu hành nhằm phát hiện sớm và đưa ra những khuyến cáo về tính an toàn của thuốc, giúp cho việc sử dụng thuốc hợp lý hơn.

Việc thành lập các trung tâm theo dõi phản ứng có hại của thuốc trên thế giới bắt nguồn từ thảm họa của việc sử dụng thuốc Thalidomide, là một loại thuốc an thần mạnh, chống nôn (đặc biệt chống nôn ở phụ nữ mang thai) được sản xuất ở Đức. Loại thuốc này được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới từ (1958 – 1961) đã gây ra một đợt bùng phát các dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Người ta thấy rằng thuốc có khả năng gây ra các quái thai chỉ với một liều nhỏ sử dụng. Thuốc nhanh chóng được thu hồi nhưng đã làm 12.000 trẻ em bị ảnh hưởng, trong đó một số lớn có những bất thường cơ thể nghiêm trọng như: thiếu một phần não, co cánh tay, bàn chân, bất thường về xương và đốt sống, bất thường về tim mạch.

Ngay sau thảm họa này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thành lập trung tâm theo dõi phản ứng có hại của thuốc, đặt tại Thuỵ Điển. Năm 1999, Việt Nam trở thành thành viên thứ 59 của tổ chức này và hiện nay đang hoàn chỉnh hệ thống này từ trung ương đến địa phương để tăng cường mạng lưới cảnh báo về phản ứng có hại của thuốc.

Mai Phương