Tăng cường hợp tác bảo vệ môi trường

10:35 | 13/09/2018

550 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 12/9, tại Hà Nội, Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội năm 2018 đã diễn ra với chủ đề "Tăng cường hợp tác giữa các tổ chức xã hội và các đối tác trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững".  

Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội năm 2018 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi chính phủ (NGO-IC), Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD), Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT), Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD), Trung tâm Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), Trung tâm Nghiên cứu phát triển doanh nhân Việt Nam (RCED) tổ chức.

tang cuong hop tac trong bao ve moi truong va phat trien ben vung
Tiến sĩ Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA cho biết, Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: "Ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do con người, nhất là do các dự án phát triển kinh tế gây ra. Hạn chế, tiến tới khắc phục cơ bản tình trạng huỷ hoại, làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, khu đô thị. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành chế tài đủ mạnh để bảo vệ môi trường, ngăn chặn, xử lý theo pháp luật nhằm chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường, tăng cường ngăn ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường".

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tân, công tác bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, vai trò của các tổ chức xã hội chưa được đẩy mạnh, chưa huy động và khuyến khích nguồn lực khối tư nhân tham gia sâu rộng. Vì thế, với trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, VUSTA đã không ngừng phát triển tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động. Hiện trong hệ thống VUSTA đã có 86 hội ngành toàn quốc, 63 Liên hiệp hội địa phương, 500 tổ chức khoa học và công nghệ, trên 101 cơ quan báo chí, tập hợp được gần 2 triệu trí thức trong cả nước để tham gia vào công việc này.

Tiến sĩ Phạm Văn Tân bày tỏ, với tính chất liên ngành và chuyên sâu, các tổ chức thành viên, các chuyên gia đã tham gia hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Cụ thể, các trí thức khoa học công nghệ trong và ngoài các tổ chức xã hội đã tham gia tích cực vào các hoạt động như truyền thông, nâng cao nhận thức và năng lực cho cộng đồng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhiều sự kiện, mô hình sáng tạo được triển khai ở cộng đồng, nhiều khoá tập huấn, hội thảo được tổ chức với hình thức phong phú, các nhóm tình nguyện đã được hình thành và hoạt động hiệu quả, như: xây dựng phong trào bảo tồn cây di sản Việt Nam, quản lý rác đô thị, xử lý nước thải làng nghề, bảo tồn đa dạng sinh học…

Các tổ chức xã hội cũng đã tổ chức nhiều sự kiện, diễn đàn nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, thu hút sự quan tâm của công chúng, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực và vận động chính sách, như: tham gia tuần lế nước, tuần lễ năng lượng tái tạo, các cuộc chạy bộ vì môi trường...

tang cuong hop tac trong bao ve moi truong va phat trien ben vung
Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội năm 2018 có các tham luận từ các tổ chức xã hội có hoạt động nổi bật, như: Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN); Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), nêu bật về tác động của nhiệt điện than đến môi trường không khí và sức khỏe cộng đồng, vai trò của nhiệt điện than đối với môi trường và xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đồng thời, nêu lên 3 giải pháp và 4 kiến nghị: sớm ban hành luật không khí sạch, điều chỉnh các quy định, quy chuẩn về nước sạch; hành động khẩn cấp để xử lý phát thải từ các nhà máy nhiệt điện than; thúc đẩy và ứng dụng nhanh năng lượng tái tạo; giảm phát thải từ các phương tiện giao thông…; Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) với chuyên đề môi trường “Làng nghề Việt Nam - Thách thức và giải pháp”…

Ngoài phiên toàn thể, 3 phiên thảo luận được tổ chức song song với các chủ đề “Bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng”, “Môi trường nước và sức khỏe cộng đồng”, “Môi trường pháp lý và các mô hình quản trị tổ chức phi lợi nhuận” với các tham luận tập trung sâu hơn vào các hoạt động can thiệp, vận động chính sách mà các tổ chức xã hội đã và đang làm trong lĩnh vực sức khỏe, môi trường, nhận diện những thách thức và cơ hội mới để đề xuất các giải pháp.

Tại Hội thảo, Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi chính phủ (NGO-IC), Trường Đại học Y tế công cộng, Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học (ISMS), Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD), Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) phối hợp tổ chức ra mắt “Liên minh Nước và Sức khỏe Việt Nam”. Với sứ mệnh "Vì nước sạch cho mọi người và sức khỏe cho cộng đồng", Liên minh gồm các tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia đóng góp, nhằm tăng cường nước sạch cho mọi người và sức khỏe cho cộng đồng.

Nguyễn Hoan

tang cuong hop tac trong bao ve moi truong va phat trien ben vungNgành Năng lượng đứng trước những thách thức, nguy cơ lớn
tang cuong hop tac trong bao ve moi truong va phat trien ben vungTầm nhìn và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững
tang cuong hop tac trong bao ve moi truong va phat trien ben vungThủ tướng chỉ ra 3 trụ cột cho Việt Nam phát triển bền vững
tang cuong hop tac trong bao ve moi truong va phat trien ben vungPhát động giải báo chí với phát triển bền vững

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc