Ngành Năng lượng đứng trước những thách thức, nguy cơ lớn

17:17 | 09/08/2018

1,262 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 9/8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Hà Nội), Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Năng lượng Việt Nam với chủ đề: "Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững". Đây là sự kiện nhằm tìm giải pháp phát triển năng lượng quốc gia. Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN),Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro tham gia đồng hành cùng chương trình.  
nganh nang luong dung truoc nhung thach thuc nguy co lon
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, nền kinh tế Việt Nam phát triển với tốc độ cao, tạo ra những thách thức, thay đổi to lớn trong đời sống kinh tế xã hội. Để đạt được sự tăng trưởng phát triển kinh tế, ngành năng lượng Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, ngành năng lượng đã có những bước phát triển vượt bậc, luôn đi trước đáp ứng cơ bản thị trường năng lượng của nền kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu năng lượng là thách thức rất lớn với Việt Nam khi các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… hoặc được khai thác hết, hoặc đang cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước, mặt khác các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường cũng tạo ra áp lực to lớn đối với việc thực hiện chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững. Để đánh giá một cách đầy đủ, chính xác, toàn diện những thách thức trong phát triển ngành năng lượng của đất nước hướng tới đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững trên cơ sở đó giúp cho Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ xây dựng những cơ chế, chính sách phát triển năng lượng trong thời gian tới.

nganh nang luong dung truoc nhung thach thuc nguy co lon
Toàn cảnh diễn đàn

Trước những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững, diễn đàn đã dành phần lớn thời gian để nghe tham luận cũng như thảo luận giữa các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ về những thách thức và các định hướng đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội, tầm nhìn 2050; nghiên cứu về Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển năng lượng trong bối cảnh từ bỏ điện hạt nhân; an ninh năng lượng từ góc nhìn nhu cầu và hiệu quả sử dụng; định hướng phát triển thị trường điện, cơ chế thị trường năng lượng và tái tạo cơ cấu ngành điện; tiềm năng cung cấp nguồn khí và kiến nghị về các giải pháp cung cấp khí phục vụ phát điện góp phần đảm bảo an ninh năng lượng…

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Lê Văn Lực cho hay, mục tiêu phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn tới sẽ thúc đẩy phát triển các dạng năng lượng tái tạo, bao gồm: thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, khí sinh học, nhiên liệu sinh học.

Bên cạnh đó là duy trì tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp ở trên mức 30% đến năm 2035, đồng thời hướng tới việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và tăng cường bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo Lê Văn Lực cũng thẳng thắn chỉ ra một loạt thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng như: Hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt nhiên liệu cho phát điện; tốc độ tăng trưởng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi; Thách thức về các tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng.

nganh nang luong dung truoc nhung thach thuc nguy co lon
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngô Xuân Hải phát biểu tại diễn đàn

Tại diễn đàn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngô Xuân Hải cũng đưa ra dự báo, trong giai đoạn đến năm 2030 nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Trên cơ sở cập nhật tiến độ các dự án nguồn điện đang triển khai trong thời gian tới theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, EVN đã tính toán cập nhật nhiều phương án cân bằng công suất-điện năng đến năm 2030. Theo đó, với phương án phụ tải cơ sở, tần suất nước về các hồ thủy điện ở mức trung bình nhiều năm thì: Các năm 2019-2020, nhìn chung cung ứng điện có thể được đảm bảo nhưng đến các năm 2021-2023, hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu điện và nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam. Đặc biệt, tình trạng thiếu điện miền Nam có thể tăng cao hơn hoặc kéo dài ra cả giai đoạn đến năm 2025 trong các kịch bản: Phụ tải tăng trưởng cao, lượng về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm,…

nganh nang luong dung truoc nhung thach thuc nguy co lon
Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân phát biểu tại diễn đàn

Tại diễn đàn, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam dừng các dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận thì quy hoạch điện VII đã có khoảng trống và cần phải có giải pháp để thay thế.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, chắc chắn cần nâng cao việc ứng dụng công nghệ vào phát triển năng lượng. Giữa sự phát triển vũ bão của Cách mạng công nghiệp 4.0, không có lý gì lại để ngành năng lượng Việt Nam đứng ngoài, “chúng ta phải làm chủ được công nghệ”, sử dụng năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới là xu hướng không thể đảo ngược.

Đứng trước bài toán về nguồn cung năng lượng, ông Quân cho rằng, Việt Nam cần tự chủ được công nghệ về nguồn năng lượng tái tạo, nhất là nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Trong tương lai không chỉ có điện mặt trời, điện gió chung ta còn phát triển thêm điện sinh khối, điện thủy triều, điện nhiệt…như các nước trên thế giới mới đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng nếu như chúng ta vẫn không quay trở lại với điện hạt nhận, hoặc chúng ta không tiếp cận được với phương thức sản xuất điện mới có thể xuất hiện trong tương lai. Theo đó, nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ phải đi trước một bước để chúng ta sớm làm chủ được công nghệ cơ khí chế tạo lẫn công nghệ thiết kế, vận hành để có nền năng lượng phát triển bền vững.

nganh nang luong dung truoc nhung thach thuc nguy co lon
PGS-TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại diễn đàn

Còn theo PGS-TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, nhưng với vai trò là bộ quản lý ngành, thời gian qua, Bộ Công Thương và EVN đã làm rất tốt công tác đảm bảo điện cho nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu của Chính phủ là duy trì tăng trưởng ở tốc độ cao trong nhiều năm, nhu cầu năng lượng sẽ tiếp tục tăng lên. Vì vậy, cần có giải pháp đồng bộ, toàn diện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước như mong muốn chuyển nhanh cấu trúc công nghiệp, cấu trúc kinh tế sang công nghiệp 4.0; về vấn đề toàn cầu hóa, đặt ra những tiêu chuẩn cho việc sản suất và tiêu dùng năng lượng; cần điều chỉnh cả phía cung lẫn phía cầu trên căn bản giá cả thị trường điều tiết; cần phải tư duy hiên đại hóa phải chi phối, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghệ cao, đô thị hóa và đinh hướng đô thị thông ming. Trong đó, cần giải bài toán cân đối cung - cầu cũng như hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện; giữa quản lý và tiêu dùng, an sinh xã hội, cũng như các vấn đề về môi trường bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

nganh nang luong dung truoc nhung thach thuc nguy co lon
Ông Lê Đức Quang, Cán bộ Ban Khí – Chế biến Dầu khí (PVN) trình bày tham luận tại diễn đàn

Tham luận tại diễn đàn, ông Lê Đức Quang, Cán bộ Ban Khí – Chế biến Dầu khí (PVN) chia sẻ về tiềm năng cung cấp nguồn khí và kiến nghị các giải pháp cung cấp khí phục vụ phát điện góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Theo quy hoạch phát triển công nghiệp khí giai đoạn 2016-2025, sẽ phát triển thị trường tiêu thụ khí sử dụng tới 80% cho phát điện. Theo quy hoạch Điện VII điều chỉnh, nhiệt điện khí ngày càng đóng vai trò nhiều hơn trong an ninh năng lượng, theo đó: đến năm 2020, nhiệt điện sử dụng khí sẽ chiếm khoảng 16,6% sản lượng điện sản xuất và đạt 19% vào năm 2025.

Sự xuất hiện của các nguồn khí bổ sung trong nước chỉ đáp ứng nhu cầu của nhà mấy điện khí mới tại chỗ. Nguồn khí cho các nhà mấy điện hiện hữu tại các khu vực truyền thống như Đông Nam Bộ và Cà Mau sẽ sụt giảm rất nhanh từ sau 2020, nếu không có bổ sung từ nguồn khí nhập khẩu.

Ông Lê Đức Quang cũng cho biết, từ sau 2020, các nguồn khí trong nước sẽ suy giảm nhanh chóng, đặc biệt là các nguồn khí giá rẻ, vì vậy sẽ không đáp ứng nhu cầu khí tăng nhanh trong thời gian tới (chủ yếu tăng cho nhu cầu phát điện). Để bù đắp thiếu hụt, việc nhập khẩu khí (LNG, khí nhập khẩu từ Malaysia, mỏ nhỏ cận biên xa bờ...) đòi hỏi phải điều chỉnh cơ chế giá bán khí, phân bổ các nguồn khí, cũng như phải có mô hình kinh doanh/giá khí riêng cho LNG nhập khẩu. Cần đẩy nhanh tiến độ của các dự án khí đang triển khai cũng như tăng cường tìm kiếm các nguồn khí mới.

Phát biểu kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, thời gian tới cần phải có một cơ cấu hợp lý cho ngành năng lượng; phải có cơ chế đặc thù cho các dự án quy mô lớn, dự án rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước để đẩy nhanh tiến độ, đúng tiến độ có như vậy chúng ta mới có đủ năng lượng cung ứng, đáp ứng nhu cầu năng lương cho phát triển; cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trong hệ thống điện, khi bối cảnh hiện nay các dạng năng lượng truyền thống càng ngày càng khó phát triển; đẩy mạnh chương trình sử dung hiệu quả năng lượng và chính sách về giá điện, giá năng lượng trong thời gian tới.

Nguyễn Hoan

nganh nang luong dung truoc nhung thach thuc nguy co lonTương lai mới của năng lượng tái tạo
nganh nang luong dung truoc nhung thach thuc nguy co lonĐẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả
nganh nang luong dung truoc nhung thach thuc nguy co lonPhát động giải báo chí với phát triển bền vững
nganh nang luong dung truoc nhung thach thuc nguy co lonPhát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững