Tấn Minh: Tôi trồng hoa hồng trên đường mình đi

08:14 | 01/12/2011

528 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ca sĩ "Bức thư tình đầu tiên" đã có cuộc chia sẻ với Báo Năng lượng Mới khi những cơn nắng cuối thu chỉ còn sót vài giọt vàng trên thành phố.

Từng gò lưng đạp xe từ Nhạc viện Hà Nội vào Hà Đông để hát, chàng trai 16 tuổi rời gia đình lên Hà Nội đã bắt đầu cho đam mê nghiệp cầm ca như thế. Cho đến nay, Tấn Minh đã xác định rõ con đường mình đi, ghi dấu nhiều thành công trong nghề nghiệp. Nhưng anh bảo, hoa hồng ở trên đường mình đi là do anh tự nhọc công trồng.

PV: Giờ đây tên anh gắn với nhiều sáng tác của Đỗ Bảo, Phú Quang, nhưng 20 năm trước anh đã vào nghề như thế nào?

Ca sĩ Tấn Minh: Tôi quê gốc Nam Định, rời nhà lên Hà Nội năm 16 tuổi, học 8 năm (1990–1998) ở Nhạc viện từ trung cấp rồi sau đó lên đại học. Con nhà viên chức nghèo ở tỉnh lẻ nhưng may mắn khi bắt đầu đi học là được mời đi diễn ngay nên tôi có thể tự lo cho cuộc sống của mình từ sớm.

Tất nhiên là sự tự lo được ấy cũng rất vất vả. Chuyện đạp xe “cong cả đít” từ Nhạc viện vào Hà Đông hay những địa điểm xa hơn như thế là chuyện thường cho mỗi lần đi biểu diễn. Thời chúng tôi việc làm được một album khó lắm, đâu như các bạn trẻ mới vào nghề bây giờ sau một cuộc thi có thể ngày hôm sau ra đĩa.

PV: Nhưng anh đã định hình phong cách âm nhạc của mình, hát những bài balad trữ tình ấy từ một cơ duyên nào cụ thể?

Ca sĩ Tấn Minh: Từ bé tôi đã rất thích Quang Lý nên trong cuộc thi "Tiếng hát học sinh – sinh viên toàn quốc” tôi đã chọn một bài hát rất “già” so với cái mặt “búng ra sữa” của mình, bài “Thuyền và biển” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Hát xong bài đó, tôi được nhạc sĩ Nguyễn Cường và chị Thái Bảo lên tận sân khấu chúc mừng. Chú Nguyễn Cường khuyên tôi hãy theo nghề hát chuyên nghiệp. Vậy là tôi quyết định thi vào Nhạc viện Hà Nội không lâu sau đó. Sau này vào hát trong Ban nhạc Hoa sữa tôi vẫn tiếp tục chọn hát các ca khúc dạng này nhưng tôi chẳng bao giờ đến xin ai đó được hát cả. Khoảng năm 98, chú Phú Quang có mời tôi đến hát ca khúc của chú và tôi đã gắn với nhạc Phú Quang từ đó. Còn Đỗ Bảo phải đến năm 2000, khi chắt chiu được một ít tiền làm đĩa tôi mới tìm thấy cậu ấy. Thời đó Đỗ Bảo chưa nổi danh là nhạc sĩ sáng tác, nhưng chúng tôi đã gặp và cùng giúp nhau thăng hoa.

Những người đi trước tôi ở dòng nhạc này như anh Quang Lý, Ngọc Tân đều đã rất thành công nhưng tôi vẫn nghĩ âm nhạc có rất nhiều cửa, nhiều ngách để tìm đến sự đồng điệu của khán giả. Vì thế tôi chỉ cố gắng luyện tập để khi hát một ca khúc nào đó, chẳng hạn khi hát nhạc Trịnh Công Sơn khán giả nhận ra đây là Tấn Minh đang hát nhạc Trịnh Công Sơn. Cách đi đó đã cho tôi sự thành công trong nghề nghiệp đến bây giờ.

PV: Và không thể phủ nhận, sự hữu duyên với hai nhạc sĩ Hà Nội đã làm chàng trai Nam Định khẳng định được vị thế trong làng nhạc vốn bùng nổ ca sĩ hiện nay?

Ca sĩ Tấn Minh: Đúng là sự nghiệp của tôi không thể nói là không may mắn. Nhưng hoa hồng trên đường tôi đi là do tôi tự trồng và may mắn được ngửi hương thơm từ đó. Tôi gắn với hai nhạc sĩ tên tuổi, sự hữu duyên rất quan trọng, nhưng có sống được với nhau không lại là chuyện khác phải không. Tất cả do sự nỗ lực bản thân mình.

PV: Anh mang một dáng vẻ hiền lành. Sự hiền lành ấy có bao giờ trở thành bước cản trong một nghề nghiệp cần rất nhiều sự bon chen mà anh đang theo đuổi này không?

Ca sĩ Tấn Minh: Tôi hiền nhưng biết rõ mình đang làm gì và người khác đang như thế nào. Tôi biết hết mọi thủ thuật của nghề nhưng đấy không phải là cách mình chọn thì đơn giản phớt lờ và đi tiếp. Tôi không cho sự tử tế hay hiền lành là bước cản nghề nghiệp. Có nhiều bạn bè, anh em bức xúc khi một miếng bánh ngon như thế đến tay Minh mà ông ấy lại không ăn. Sự quan tâm của bạn bè dành cho là quý nhưng dù có hiểu mình như thế nào thì tôi tin chỉ bản thân mình biết rõ mình muốn gì, cần gì. Ngay cả việc mình có muốn cầm chiếc bánh kia không, chỉ mình mình biết. Cho đến bây giờ, tất cả những điều tôi muốn tôi đều đã làm được. Tôi rất tự tin, chỉ có điều có cái mọi người thân của tôi lại không muốn. Nhưng biết làm sao, sự cực đoan của người nghệ sĩ rất quan trọng trên con đường này.

PV: Ngoài ánh đèn sân khấu, anh lại gắn đời mình với một nghệ sĩ hát chèo. Có khi nào sự lãng mạn nghệ sĩ khiến cuộc sống thực tế của một gia đình bị xáo trộn không?

Ca sĩ Tấn Minh: Cũng có người vẽ ra viễn cảnh cho mình để rồi sau đó thất vọng nhưng tôi là người vốn lường trước mọi việc nên không bị choáng váng khi chạm vào đời sống thực. Trong gia đình, tất cả những việc ban ngày liên quan đến con thì vợ lo, chồng phụ nhưng ban đêm thì tôi tự nguyện làm hết.

Bây giờ tôi đã có hai con, có hôm về nhà cửa bề bộn vì con chơi, quăng đồ chơi ra khắp nhà. Nhưng tôi thay vì càu nhàu vợ thì lặng lẽ dành một chút thời gian vơ quần áo bẩn cho vào máy giặt, dọn lại đồ đạc trong phòng khách, thế là chỉ chưa đầy 5 phút nhà lại sạch bong. Có người bảo đàn ông thì không cần làm việc nhà. Tôi cho rằng, đấy là quan niệm rất sai lầm. Chúng tôi vì chia sẻ được với nhau những điều đó nên luôn giữ được nụ cười ấm áp trong nhà. Mặc dù cuộc sống thì không tránh khỏi việc thỉnh thoảng quát tháo con, có những khi hục hoặc vì hiểu lầm nhưng rồi nếu có tình thương, sự thấu hiểu thì sẽ qua hết. Chúng tôi không mang hào quang của sân khấu về nhà.

PV: Nhiều người bảo không dám lấy vợ làm nghệ thuật, nhưng anh có vẻ chẳng gặp khó khăn nào. Anh chị có thể chia sẻ với nhau về chuyên môn riêng không ngoài chuyện những đứa con?

Ca sĩ Tấn Minh: Tôi không biết thế nào là chia sẻ về chuyện chuyên môn. Là nghệ sĩ, bản thân mỗi cá nhân và tố chất của người đó quyết định thành bại của nghề nghiệp. Nhưng chúng tôi động viên nhau bằng cách các chương trình mới của tôi luôn có Huyền ngồi ở bên dưới còn các vở mới của Huyền tôi bao giờ cũng là khán giả đầu tiên.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Hằng Nga (thực hiện)

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

(PetroTimes) - Nằm sâu 450m dưới lòng đất đảo Olkiluoto (Phần Lan), Onkalo - hệ thống lưu trữ và xử lý chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới sắp hoàn thành...