Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam:

Tại sao nhiều học giả thế giới lên tiếng phản đối Trung Quốc?

09:44 | 04/06/2014

1,331 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dư luận quan tâm tới phân tích của học giả Michael Auslin đến từ Viện Doanh nghiệp Mỹ (đăng trên tờ The Street Wall Journal) khi cho rằng, cuộc đối đầu sau khi Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một chiến thuật mới trong những hành vi hung hăng của Bắc Kinh ở Tây Thái Bình Dương. Và nếu bắt nạt được Việt Nam trong vụ giàn khoan Hải Dương 981, đây sẽ trở thành khuôn mẫu cho sự xâm lược các vùng biển tranh chấp trong tương lai.

Học giả Elizabeth Economy và Michael Levi, đến từ Hội đồng Quan hệ Mỹ kiến nghị, nếu Trung Quốc không rút giàn khoan 981, Washington nên tăng cường bố trí lực lượng hải quân giúp Việt Nam, đồng thời hạn chế, kiểm soát hoạt động của Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) tại Mỹ.

Theo 2 học giả kể trên, tình hình Biển Đông hiện nghiêm trọng hơn nhiều so với trước đây bởi đội tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 không những đại diện cho cuộc chiến cướp bóc tài nguyên, mà còn là thái độ ngang ngạnh trên nhiều phương diện của Trung Quốc mà Mỹ phải đối mặt. Ngoài ra, Mỹ cần kết hợp với ASEAN ngăn chặn hành động đơn phương, bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Giáo sư Keith Johnson, giảng viên Khoa Ngôn ngữ học Berkely, Đại học California, Mỹ, cho rằng, việc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc cho thấy một thông điệp rõ ràng Bắc Kinh muốn gửi đến Việt Nam: sẽ thăm dò dầu khí tại những nơi nào gây thiệt hại nhiều nhất.

Giáo sư Keith Johnson cũng cho rằng, việc đưa giàn khoan 981 tới Biển Đông cũng tượng trưng cho một cái tát đối với Tổng thống Barack Obama, người vừa trở về sau chuyến thăm 4 nước Châu Á nhằm trấn an các đồng minh: Mỹ sẽ ngăn chặn hành động bắt nạt trên biển của Trung Quốc. Ông Hillary Mann Leverett, chuyên gia của trường Đại học American coi hành động giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam của Trung Quốc thực chất là muốn đẩy lùi sự hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Bà Bonnie Glaser
 

Theo cảnh báo của chuyên gia Michael Auslin thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, nếu đạt được ý đồ trong vụ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trong vùng biển Việt nam, Trung Quốc sẽ coi đây là hình mẫu để tiến chiếm các vùng tranh chấp khác.

Chuyên gia Andrew Scobell thuộc viện nghiên cứu chính sách toàn cầu RAND Corporation (Mỹ) cho rằng, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên biển Việt Nam là một phần chiến lược “xung đột mức độ chậm” với các bên hữu quan. Ông Vikram Singh, từng là trợ lý về Nam và Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, hiện là Phó giám đốc một trung tâm nghiên cứu chính sách của Mỹ, đã so sánh các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Châu Á giống như những đứa trẻ ở trường đang vừa cầm kéo vừa chạy vòng quanh sân chơi và chiến tranh có thể bắt đầu từ tai nạn hay sơ suất.

Theo chuyên gia Jeff M.Smith, Giám đốc chương trình Nam Á, thành viên Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ ở Washington, đã đến lúc Washington phải đặt ra giới hạn đỏ đối với Bắc Kinh trong vấn đề chủ quyền hàng hải tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Bởi việc này liên quan đến những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNC – LOS). Chuyên gia Jeff M.Smith cho rằng, Mỹ không chấp nhận cách hiểu về UNCLOS của Trung Quốc nên Washington phải vạch ra giới hạn đỏ về những hành vi, thái độ không thể chấp nhận trong lĩnh vực hàng hải của Bắc Kinh.

Luật sư Ryan Santicola thuộc bộ phận pháp chế của hải quân Mỹ khẳng định, Bắc Kinh từng vi phạm cam kết song phương, đa phương và thường xuyên hành động đơn phương ở Biển Đông.  Cụ thể như Trung Quốc không tuân thủ kết quả đàm phán với Philppines là hai bên cùng rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham hồi tháng 4-2012. Chuyên gia Ryan Santicola còn cho rằng, Trung Quốc đang áp dụng chính sách bất nhất và mâu thuẫn ở Biển Đông.

Giám đốc chương trình châu Á-Thái Bình Dương Partrick Cronin, đến từ Trung tâm An ninh mới của Mỹ bình luận: Lãnh đạo Trung Quốc đang chấp nhận một mô hình mới rủi ro bằng cách ép buộc để khẳng định, kiểm soát yêu sách lãnh thổ hàng hải của mình. Theo bà Bonnie Glaser, chuyên gia từ chính sách đối ngoại Trung Quốc từ trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho rằng, Bắc Kinh quyết định khẳng định yêu sách ở Biển Đông và sẵn sàng chịu đựng một mức độ căng thẳng với các nước láng giềng.

Bà Bonnie Glaser cho hay, Trung Quốc tin rằng những lợi ích mà các nước láng giềng của họ đạt được trong quan hệ với Bắc Kinh về kinh tế sẽ được ưu tiên, và khu vực cuối cùng sẽ phải chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc ở Biển Đông?! Bà Bonnie Glaser còn cho rằng, việc Mỹ phản ứng với các động thái của Trung Quốc như thế nào sẽ là thước đo cho hiệu quả của chiến lược “xoay trục” của Washington.

Học giả Michael Auslin

Theo nhận định của học giả Edward Luutwak, chuyên gia từng tư vấn cho Bộ quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, những gì xảy ra (phô diễn sức mạnh trong tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Đông và Biển Đông) chứng tỏ Trung Quốc đã bỏ rơi chính sách trỗi dậy hòa bình của họ.

Còn theo học giả June Teufel Dreyer, cựu chuyên gia về Viễn Đông của Quốc hội Mỹ, Trung Quốc có khả năng sẽ kiểm tra quyết tâm của Mỹ bằng cách gia tăng căng thẳng trong khu vực thời gian tới. Theo giáo sư luật  Julian Ku của trường Đại học Hofstra ở New York, Mỹ, việc Washington công khai bác bỏ “đường lưỡi bò” là điều có ý nghĩa rất lớn bởi Mỹ sử dụng luật pháp quốc tế để thách thức các hành động của Trung Quốc trong khu vực.

Giới chuyên môn quan tâm tới nhận định của ông Julio Amador III, nghiên cứu sinh về châu Á thuộc Trung tâm Đông-Tây ở Washington vì cho rằng, nhiều nước Đông Nam Á tôn trọng sự trỗi dậy và nền kinh tế năng động của Trung Quốc, nhưng sự tôn trọng này không có nghĩa là cúi đầu khi Bắc Kinh “khoe cơ bắp” tại những khu vực tranh chấp biển đảo.

Tạp chí The Diplomat dẫn nhận định của Giáo sư James Holmes thuộc Học viện quân sự hải quân Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách quản lý như thể vùng biển này là của riêng Bắc Kinh. Việc dùng tà tuần tra bán quân sự, không phải tàu quân sự để thực hiện quy định kể trên là chiến lược ngoại giao “cây gậy nhỏ” và nếu không có quốc gia nào phản ứng, Trung Quốc sẽ thành công trong việc lập ra một hiện trạng mới tại Biển Đông.

 

Theo Báo CAND