Tái cấu trúc trách nhiệm cán bộ

07:09 | 30/11/2014

1,252 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một đại biểu Quốc hội cho biết, trước khi về dự kỳ họp thứ 8, cử tri đề nghị rằng, các bác bàn nhiều về tái cơ cấu từ doanh nghiệp Nhà nước đến tổ chức tín dụng, đến nông nghiệp… nhưng đừng quên bàn bạc về tái cơ cấu trách nhiệm cán bộ.

Năng lượng Mới số 372

Và ngay trong những phiên họp đầu tiên, vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế đã được Quốc hội đặt ra song song với tái cấu trúc trách nhiệm cán bộ. Nhiều ý kiến tâm huyết trên diễn đàn Quốc hội đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và đòi hỏi của cuộc sống.

Bác Hồ từng dạy rằng: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Và chỉ rõ: “Không phải vài ba tháng hoặc vài ba năm mà đào tạo được một cán bộ tốt. Cần phải công tác, đấu tranh, huấn luyện lâu năm mới được”. Công tác đào tạo phải được tiếp tục trong quá trình sử dụng và bố trí công tác cho cán bộ. Bác luôn thực hiện phương châm “dụng nhân như dụng mộc”…

Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được! Mặt khác, Bác hết sức quan tâm việc cất nhắc, đề bạt cán bộ “vì công tác, vì tài năng”. Nếu vì “lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang” thì nhất định không ai phục, mà lại gây nên “mối lôi thôi trong Đảng”, là “có tội với Đảng, có tội với đồng bào”. Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo, “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách, như thế là “một việc thất bại của Đảng”.

Thực tế cho thấy, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp diễn ra khó khăn, chậm tiến độ có nguyên nhân của bộ máy, của cán bộ. Đổi mới doanh nghiệp đòi hỏi thay đổi nhanh chóng cách nghĩ, cách làm, khắc phục ngay tư tưởng và hành vi níu kéo, cố thủ vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, đặc quyền đặc lợi của số cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp Nhà nước. Hiện nay 98% doanh nghiêp của ta vẫn sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu trong khi năng suất lao động của người Việt thấp hơn người Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần...

Tuy chúng ta đã xác định vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, đã có nhiều giải pháp tạo điều kiện để họ làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình nhưng việc xử lý vi phạm pháp luật chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa, chưa có mấy người bị đưa ra khỏi bộ máy vì không làm được việc hoặc vì tư cách như hai ông phó sở ở tỉnh nọ choảng nhau trong quán karaoke.

Cử tri rất hoan nghênh Bộ Giao thông Vận tải đi đầu trong việc cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ khi tổ chức thi tuyển tổng cục trưởng, vụ trưởng để lựa chọn người tài, khắc phục cung cách “sống lâu lên sếp”. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thực hiện các giải pháp quyết liệt như thay người đứng đầu đơn vị chậm tiến độ.

Các biện pháp tổ chức thi tuyển công chức ở các ngành, địa phương được triển khai gần đây cũng đã khẳng định một hướng đi đúng trong đổi mới công tác cán bộ. Việc đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã vùng sâu, vùng xa, tạo nguồn cán bộ cho các địa bàn khó khăn... chính là tái cấu trúc cán bộ.

Minh Nghĩa

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc